Người chưa đủ tuổi sử dụng xe máy: Cương quyết xử lý

CÔNG TÚ 08/08/2017 08:15

Thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông diễn ra khắp nơi. Thực trạng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm học sinh vi phạm trật tự ATGT.Ảnh: C.TÚ
Cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm học sinh vi phạm trật tự ATGT.Ảnh: C.TÚ

Vi phạm tràn lan

Thống kê của ngành chức năng cho biết, tính đến tháng 7.2017, tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe máy được quản lý trên địa bàn tỉnh là 802.591 chiếc. Từ con số này có thể thấy, lượng xe máy “chính ngạch” đang lưu hành khá cao. Cho nên, đi đến địa bàn nào cũng thấy phần lớn người tham gia giao thông đều sử dụng loại phương tiện cơ giới đường bộ này. Xe máy cũng gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nhất, chiếm đến gần 70%. Thế nhưng, nỗ lực kiềm chế TNGT gặp nhiều khó khăn còn xuất phát từ yếu tố thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, hay học sinh, sinh viên chưa sở hữu giấy phép lái xe ngang nhiên điều khiển xe máy.

Có một thực tế hiện nay, không ít gia đình kinh tế khá giả, chiều chuộng con nên mua sắm xe máy, xe phân khối lớn làm phương tiện đi lại trong khi chưa đủ điều kiện sử dụng phương tiện này. Dù chưa được cấp bằng lái xe cũng như không nắm rõ Luật Giao thông đường bộ nhưng đối tượng này ngang nhiên vi phạm như chở 3, chở 4, kéo theo xe đạp, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... Chưa kể, nhằm đối phó với lực lượng chức năng cũng như sự kiểm tra của nhà trường, học sinh đi học bằng xe máy phân khối lớn gửi phương tiện cho dịch vụ giữ xe của dân, hoặc nhà người thân quen ở cạnh đó. Chưa kể, nhiều em còn độ lại phương tiện, gắn còi có tiếng kêu, hú khác thường làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Một cán bộ cảnh sát giao thông cấp huyện cho hay, đang lưu thông trên đường, nhiều cô cậu nhìn ra bóng dáng công an đang làm nhiệm vụ ở phía trước thì lập tức quay đầu xe chạy trốn, bất chấp có phương tiện từ phía sau đang đi tới. Hành vi trên rất nguy hiểm vì tính bất ngờ cao.

Bài toán trách nhiệm

“Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học và THCS vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Thực hiện chương trình phối hợp về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2013 - 2018; triển khai kế hoạch giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và xây dựng “Văn hóa giao thông” cho học sinh, sinh viên năm học 2017 - 2018. Thực hiện lộ trình đưa giáo dục “Văn hóa giao thông” thành môn học chính khóa trong các cấp học. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục ATGT cho giáo viên; tiếp tục tổ chức cuộc thi “Giao thông học đường” trên internet cho học sinh phổ thông”.
(Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh)

Luật Giao thông đường bộ quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Trường hợp không đủ tuổi để điều khiển các loại xe như trên (đồng nghĩa với việc chưa được cấp giấy phép lái xe) là đã vi phạm và bị xử phạt. Theo Điều 21, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe máy bị phạt cảnh cáo, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày; người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, ngoài bị tạm giữ phương tiện còn bị phạt tiền 400 - 600 nghìn đồng. Nhiều phụ huynh biết rõ hành vi như thế là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cho con sử dụng. Có phụ huynh biện minh rằng, con em đi học vất vả, thời tiết khó chịu mà đi xe đạp sợ quá sức dễ đau ốm. Hay như lời một phụ huynh khác, việc sử dụng xe máy mới đảm bảo “chạy sô” học thêm cho đúng giờ. Nuông chiều con cái, nhiều bậc làm cha làm mẹ lại vô cùng thờ ơ trước an toàn tính mạng của chính bản thân con mình và người đi đường.

Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành đã nỗ lực tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trong học đường, song nhìn chung thiếu giải pháp căn cơ. Có thể nói, vấn đề kiểm soát, xử lý vẫn chưa hiệu quả. Sự vào cuộc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, chính quyền sở tại và lực lượng chức năng chưa nhịp nhàng, thiếu trách nhiệm. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê cho rằng, nhà trường chưa có biện pháp giáo dục hiệu quả hoặc chưa quan tâm đúng mức tới việc quản lý, giám sát học sinh sử dụng xe máy đến trường. Chính quyền địa phương lo phát triển kinh tế, lực lượng chức năng thì không xử phạt, nếu có cũng qua loa chiếu lệ khiến cho nhiều em tỏ ra “nhờn luật”.

Để từng bước tháo gỡ thực trạng trên, người có trách nhiệm khẳng định phải triển khai công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT một cách thường xuyên, liên tục, đổi mới nội dung và hình thức để thu hút được sự chú ý từ thanh thiếu niên, chú trọng thực hiện ở địa bàn nông thôn, miền núi. Nhà trường và công an các địa phương cần theo dõi, xử lý triệt để hành vi vi phạm. Chính quyền yêu cầu hộ dân chung quanh trường ký cam kết không chứa xe máy của học sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định. Tộc họ, khu dân cư cũng phải vào cuộc để đưa ra kiểm điểm, phê bình thành viên, hộ gia đình để con vi phạm pháp luật. Điển hình như tại Tây Giang, tất cả tổ chức đoàn thể đều phối hợp tuyên truyền, động viên con cháu chấp hành trật tự ATGT. Hội Cựu chiến binh xã hàng năm xét thi đua còn dựa vào tiêu chí này. Hay như ở Đại Lộc, cảnh sát giao thông sử dụng camera giám sát, nắm bắt được đối tượng học sinh sử dụng biển kiểm soát xe máy nào thì đi đến nhà dân gần trường kiểm tra, mang phương tiện về trụ sở. Sau đó, lực lượng chức năng mời phụ huynh và cả con em họ đến làm việc, ký biên bản yêu cầu không tái phạm. Đồng thời gửi biên bản về nhà trường để thông báo rộng rãi vào giờ chào cờ, tạo hiệu ứng lan truyền hiệu quả. Đó cũng là cách làm cần được nhân rộng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ