ASEAN 50 tuổi, dấu ấn kinh tế
Sau 50 năm ra đời, Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) để lại những thành công đáng kể trong lĩnh vực kinh tế và đang ngày càng có vai trò lớn mạnh trong nền kinh tế thế giới.
Tại một trung tâm sản xuất ô tô ở Thái Lan. Ảnh: theepochtimes |
Hôm nay (8.8), Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (8.8.1967 - 8.8.2017) chính thức diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines, một trong 5 thành viên sáng lập hiệp hội và là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017.
Được thành lập vào năm 1967 tại Băng Cốc (Thái Lan), ban đầu chỉ gồm 5 thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hòa bình tại khu vực. Suốt chặn đường 50 năm qua, một ASEAN (đến nay gồm 10 quốc gia thành viên) đoàn kết, nỗ lực để vượt qua không ít thách thức, mang lại những thành tựu nhất định trong một số lĩnh vực như kinh tế - xã hội, tình hình chính trị tại khu vực tương đối ổn định. Từ những quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, một số thành viên ASEAN trở thành những trung tâm sản xuất ô tô hay điện thoại di động. ASEAN, một công xưởng của thế giới nhờ chi phí lao động “mềm” hơn, nhu cầu nội địa gia tăng và cơ sở hạ tầng ngày càng tốt lên.
tổng GDP của ASEAN vào năm 2016 đạt mức 2,6 nghìn tỷ USD, so với con số khiêm tốn 37,6 tỷ USD của năm 1970 cùng thị trường tiềm năng có dân số khoảng 640 triệu người. Ở tuổi 50, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới, tăng một bậc so với năm trước đó và dự báo đến năm 2020 sẽ đứng vị thứ 5. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ASEAN luôn ở khoảng 5%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của kinh tế toàn cầu. Trong đó, Việt Nam và Philippines vươn lên thành điểm sáng kinh tế khu vực. Đặc biệt, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (bao gồm Cộng đồng An ninh - Chính trị, Cộng động Văn hóa - Xã hội) được ra đời vào cuối năm 2015, bước tiến quan trọng trong khối ASEAN đoàn kết, phát triển và thịnh vượng.
AEC là lộ trình nhằm xóa bỏ các hàng rào thương mại và thiết lập một thị trường chung cho phép dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động nhằm cụ thể hóa quyết tâm của các quốc gia thành viên biến ASEAN trở thành thị trường chung, khu vực có nền tảng sản xuất chung. Qua đó mang lại cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp cũng như việc làm và cải thiện cuộc sống người dân khu vực. ASEAN đang hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng khoảng 274 lần kể từ năm 1970, hiện đạt mức 120 tỷ USD.
Theo tờ Strait Times của Singapore, để tiếp nối thành công giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức với các nước trong khối. Do đó, ASEAN cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập khu vực, khai thác lợi thế về nhân khẩu và đào tạo kỹ năng công nghệ cho giới trẻ, cải cách các chương trình giáo dục để thanh niên ra trường đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trước tình hình biến động hiện nay, các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, cùng nhau nỗ lực để thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 19 tỷ USD vào năm 2006 lên 41,86 tỷ USD vào năm 2016. ASEAN cũng là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD.
NAM VIỆT