Thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo: Xã hội hóa hay dùng ngân sách?

ANH ĐÔNG 07/08/2017 08:58

Một cuộc hội thảo mang tính “nội bộ” vừa được Tổ công tác Hỗ trợ khởi nghiệp (HTKN) sáng tạo của tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua. Những đại biểu tham dự chủ yếu là thành viên tổ công tác và ban chủ nhiệm các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách HTKN tại Quảng Nam.

Tin liên quan

  • KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO
Tại buổi hội thảo do Tổ công tác HTKN sáng tạo tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu quan tâm bàn về chính sách HTKN. Ảnh: VINH ANH
Tại buổi hội thảo do Tổ công tác HTKN sáng tạo tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu quan tâm bàn về chính sách HTKN. Ảnh: VINH ANH

Chủ trương HTKN

Thực tế, chủ trương HTKN được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh tại một cuộc tọa đàm về khởi nghiệp gần đây. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2017, tỉnh sẽ hoàn thiện đề án HTKN  trên cơ sở góp ý của các sở, ngành liên quan. Cùng với đó, bộ tiêu chí về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh sẽ được ban hành để từ đó lựa chọn những dự án khởi nghiệp tiêu biểu xem xét hỗ trợ về vốn, cơ chế chính sách… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, những dự án khởi nghiệp được hỗ trợ phải là những dự án tiêu biểu được hội đồng chấm chọn theo tiêu chí ban hành một cách công khai, hướng đến phục vụ trước mắt cho sự phát triển Quảng Nam. Đồng thời chủ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp phải là lực lượng trẻ nhằm khuyến khích người trẻ khởi nghiệp. Ngoài ra còn những tiêu chuẩn khác như các ý tưởng đó phải mang tính thiết thực, phải có hàm lượng sáng tạo, đổi mới cao…

Đối với những dự án khởi nghiệp, để vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu, ngoài việc người khởi nghiệp phải có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thì một điều kiện cần thiết khác nữa đó là cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính. Trên thực tế, phần lớn những ý tưởng, dự án khởi nghiệp đều gặp vấn đề về nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn vay từ ngân hàng là một thách thức không nhỏ đối với người khởi nghiệp, bởi những quy định về việc chứng minh năng lực hoặc các điều kiện xem xét cấp tín dụng như tài sản đảm bảo, minh bạch tài chính, chứng minh tính khả thi và hiệu quả của phương án vay vốn, hồ sơ chứng từ để giải ngân không đáp ứng được quy định của pháp luật… Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chỉ đạo cho Tổ công tác HTKN sáng tạo tỉnh phải sớm nghiên cứu, cho ra đời quỹ HTKN sáng tạo của tỉnh, có vai trò như “bà đỡ” cho những ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc ra đời quỹ HTKN sáng tạo theo nhiều người nhìn nhận là không phải chuyện dễ dàng. Bởi, chủ trương hình thành quỹ HTKN sáng tạo sẽ dựa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; nguồn ngân sách nhà nước (nếu có), cũng chỉ tham gia một phần nhỏ. Đó là chưa kể, khi có quỹ rồi thì quản lý ra sao và phương thức hỗ trợ như thế nào để phát huy tác dụng, hiệu quả là việc cần phải bàn kỹ.

Băn khoăn mô hình quỹ hỗ trợ

Hiện nay, việc thành lập quỹ HTKN mỗi nơi làm một kiểu. Như ở TP.Đà Nẵng, nguồn quỹ được hình thành ban đầu từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Quỹ hoạt động theo mô hình quỹ xã hội hóa thông qua việc kêu gọi các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp... tham gia góp vốn.

Trong khi đó tại tỉnh Kon Tum, quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động HTKN. Và số tài sản đóng góp thành lập quỹ của sáng lập viên tại Kon Tum ban đầu chỉ 1 tỷ đồng. Quỹ HTKN tỉnh Kon Tum là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm hỗ trợ vốn cho tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân trên địa bàn tỉnh để triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi, đã được hội đồng tư vấn HTKN xét duyệt và trao chứng nhận khởi nghiệp.

Còn tại Quảng Nam, theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (thành viên Tổ công tác HTKN sáng tạo tỉnh), việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư vào quỹ HTKN sáng tạo không hề đơn giản vì phải được HĐND tỉnh đồng ý và thông qua. Tuy nhiên, nếu quỹ HTKN sáng tạo mà chỉ dựa vào xã hội hóa thì cũng khó thành công. Vì thế, ông Nghi cho rằng, đề hình thành và duy trì được Quỹ HTKN sáng tạo thì cần sự “hà hơi tiếp sức” từ nguồn ngân sách nhà nước bên cạnh việc vận động tài chính từ các tổ chức, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm… Còn ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitaly Hội An (Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo tại Hội An) thì cho rằng, quỹ HTKN sáng tạo tỉnh nhất định phải xã hội hóa, Nhà nước chỉ giám sát dưới sự điều hành, quản lý của đội ngũ chuyên nghiệp được trả lương. Như vậy thì quỹ mới tồn tại và phát huy hiệu quả. Ông Thanh cũng kiến nghị, khi có quỹ rồi thì nên lựa chọn hình thức hỗ trợ như thế nào cho phù hợp. Tùy vào đối tượng cụ thể để có cách hỗ trợ khác nhau. Ví dụ như những ý tưởng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp chưa triển khai thực tế nhưng có tính khả thi thì việc hỗ trợ vốn là rất cần thiết. Còn những dự án khởi nghiệp đã triển khai thì cần những sự hỗ trợ khác, không đơn thuần chỉ là tài chính. Liên quan đến ý kiến này, ông Nguyễn Duy Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong (có trụ sở tại Tam Kỳ) cho biết, những doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn để thuê được nhà xưởng tại các khu công nghiệp vì yêu cầu phải thuê từ 5.000m2 trở lên, trong khi doanh nghiệp nhỏ thì nhu cầu sử dụng không đến chừng đó nên rất lãng phí. Do đó, bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp mong muốn tỉnh đầu tư xây dựng, quy hoạch những khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ANH ĐÔNG

ANH ĐÔNG