Hải sản có tên trong Sách đỏ ở Cù Lao Chàm: Nguy cơ cạn kiệt
Bảo vệ các tài nguyên trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Việt Nam là vấn đề cấp thiết. Nhất là khi các đối tượng này đang trở thành mặt hàng đắt đỏ phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách đến đảo Cù Lao Chàm.
Du lịch phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng hải sản tăng cao, gây nguy cơ cạn kiệt các loại đặc sản ở Cù Lao Chàm. |
Vùng biển Cù Lao Chàm hiện có 10 tài nguyên mục tiêu được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa vào danh sách cần bảo vệ cấp bách, đó là trai tai tượng, bàn mai, tôm hùm, ốc vú nàng, vú sao, bào ngư, ốc tù và, các loài cá cảnh, hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển. Trong đó có một số loài có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế như các loại tôm hùm, trai tai tượng, ốc tù và cùng nhiều loài sinh vật khác. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lợi hải sản tại khu bảo tồn biển nói chung và các đối tượng có tên trong Sách đỏ đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm và cạn kiệt. Khảo sát cho thấy, trai tai tượng chỉ xuất hiện ở 8/20 điểm giám sát, riêng loài trai tai tượng vàng nghệ chỉ phát hiện được 1 cá thể. Còn bàn mai phân bố mật độ trung bình 7,4 cá thể/500m2, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Cùng với đó, các loài tôm hùm, ốc vú nàng, bào ngư và các loài khác cũng đang bị khai thác với kích thước ngày càng nhỏ dần. Ông Trần Láng - một trong những thợ lặn lâu năm ở thôn Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp) cho biết: “Những năm trước đây các loài tôm hùm, bàn mai, trai tai tượng, ốc vú nàng và bào ngư rất nhiều. Ngày đi làm kiếm được 5 - 6kg. Hiện nay còn số lượng rất ít. Bây giờ một số ngư dân lặn bắt luôn kể cả những con nhỏ. Khách du lịch ra đảo đông, nhu cầu sử dụng càng lớn nên gây nguy cơ tận diệt các loài hải sản này”.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn lợi, đặc biệt là các đối tượng có tên trong Sách đỏ. Ngoài hiện tượng thời tiết cực đoan thì sự gia tăng nhanh chóng lượng du khách đến Cù Lao Chàm trong những năm gần đây, kéo theo nhu cầu sử dụng ẩm thực hải sản cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khai thác thiếu tính khoa học, đánh bắt cả các con còn non, tận diệt cả hải sản đang trong thời kỳ mang trứng.
Dù các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ không khai thác một số loài trong thời gian từ ngày 1.4 đến 31.7 hằng năm như tôm hùm, trai tai tượng, bàn mai, bào ngư… để các loài này sinh nở, tái tạo và phục hồi nhưng nhiều người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi, hoặc vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bất chấp các quy định, lén lút khai thác trái phép. Ngư dân Trần Xá (ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đảo Cù Lao Chàm, làm cái nghề lặn từ hồi mô tới chừ nên chứng kiến tình trạng suy giảm nguồn lợi ở đây. Các loài như bàn mai, vú nàng, tôm hùm hay là trai tai tượng bị người ta khai thác quá nhiều. Rồi tình trạng ô nhiễm nên môi trường biển cũng khiến những loài đặc sản này dần cạn kiệt. Tôi rất mong các cơ quan và cộng đồng ở Cù Lao Chàm cố gắng tái tạo hay bảo vệ có hiệu quả, cần xử lý nghiêm những trường hợp khai thác trái phép để nêu cao ý thức bảo vệ các loài này”.
Thời gian qua, để bảo vệ nguồn lợi hải sản, đặc biệt là các đối tượng mục tiêu có tên trong Sách đỏ, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các buổi thảo luận cộng đồng để nâng cao ý thức của người dân địa phương. Cụ thể là vận động bà con không khai thác, mua bán và sử dụng những loài hải sản trong danh mục cấm, trong thời gian cấm, đồng thời cùng tham gia kiểm soát, lên án những người khai thác, mua bán và sử dụng những loài cấm; không khai thác hải sản chưa đủ kích thước, hải sản đang trong thời kỳ mang trứng… Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an, quân sự tuần tra, kiểm soát khu bảo tồn biển để phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm. Theo thống kê, trong 8 năm qua, các lực lượng đã triển khai hơn 1 nghìn lượt tuần tra, xử lý 369 trường hợp, tịch thu 10 phương tiện, ngư lưới cụ. Tuy nhiên, là vùng biển trọng điểm của tỉnh nên công tác tuần tra tại khu bảo tồn biển còn nhiều khó khăn. Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, Cù Lao Chàm là ngư trường trọng điểm của Quảng Nam từ xưa đến nay. Chính vì vậy có nhiều loại ngành nghề khai thác thủy hải sản hoạt động, ví dụ như nghề lưới vây sử dụng ánh sáng đến từ các xã ven biển thuộc huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình; một số nghề lưới rê có công suất lớn và một số nghề lặn có phương pháp khai thác không hợp lý. Tuần tra kiểm soát là công việc quan trọng được tổ chức thường xuyên, đã hạn chế được tình trạng khai thác trái phép, nhưng hiện nay ngư dân ở các địa phương lân cận như Đà Nẵng và Quảng Ngãi còn sử dụng máy công suất lớn, khai thác các nghề có nguy cơ hủy diệt nguồn lợi như giã cào, mành xúc xung quanh khu vực bảo tồn biển. Để bảo vệ các loài hải sản có tên trong Sách đỏ thế giới ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngoài cần trách nhiệm quản lý của các ngành hữu quan tại Hội An thì rất cần sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền các địa phương lân cận có ngư dân thường khai thác ở ngư trường Cù Lao Chàm, để mọi người không vì lợi ích trước mắt mà tận diệt nguồn lợi hải sản.
LÊ HIỀN