Hiếm sân chơi ngày hè
Đến hẹn lại lên, tuần qua, giải Cầu lông thiếu nhi TP.Tam Kỳ mở rộng 2017 tranh cúp Hùng Sports do Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ tổ chức đã diễn ra khá sôi nổi và hấp dẫn. Nhưng câu chuyện đáng nói ở đây, dù là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa song Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ lại có vẻ “dài tay” khi tỏ ra tích cực trong các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn cả tỉnh. Kể từ khi thành lập từ giữa năm 2013 đến nay, Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ đã trải qua 3 đời giám đốc thì đây là lần thứ 4 giải cầu lông TP.Tam Kỳ mở rộng được mở.
Các vận động viên cầu lông nhỏ tuổi vừa có sân chơi ngày hè bổ ích, vừa có điều kiện nâng cao chuyên môn. |
Còn nhớ trong lần đầu tiên tổ chức (năm 2014), Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ lúc đó là ông Nguyễn Hữu Đắc (hiện nay là Trưởng phòng VHTT TP.Tam Kỳ) tỏ ra khá vui khi giải thu hút được gần 70 vận động viên (VĐV) của 4 câu lạc bộ trên địa bàn thành phố và 3 địa phương là Hiệp Đức, Tiên Phước, Điện Bàn. Các VĐV nhỏ tuổi vừa có sân chơi ngày hè bổ ích, vừa có điều kiện nâng cao khả năng chuyên môn. Có không ít khó khăn với một đơn vị không chuyên về TDTT trong lần đầu tổ chức, trong đó vướng mắc nhất là nguồn kinh phí, tuy nhiên, ông Đắc vẫn mong muốn những năm sau này tiếp tục mở rộng giải đấu để góp phần phát triển phong trào cầu lông trên địa bàn thành phố và cả tỉnh. Giải năm đó đã chắp cánh cho nhiều tài năng sau này tỏa sáng trong phong trào thể thao học sinh đất Quảng như Nguyễn Đoàn Thảo Ly, Đoàn Trần Huy, Phan Hạnh Phương, Lê Thị Dạ Thảo, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Nho Uyên Nhi...
Sau khi ông Đắc rời Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ, những người kế nhiệm không những vẫn duy trì giải đấu đã tạo nên thương hiệu của Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ mà còn nâng tầm cho giải lớn hơn. Giải đấu vừa qua cho thấy đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng khi thu hút 166 VĐV đến từ 24 câu lạc bộ cầu lông trong cả tỉnh tham gia. Đáng chú ý, bên cạnh các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố, các huyện đồng bằng thì năm nay còn có nhiều địa phương miền núi như Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn. Dẫu là giải phong trào nhưng những nhà tổ chức cũng tỏ ra khá chuyên nghiệp khi tổ chức thi đấu 3 nhóm tuổi giống như giải đấu thiếu nhi toàn quốc, gồm 11 tuổi trở xuống, 12 - 13 tuổi và 14 - 15 tuổi với đủ tất cả nội dung đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam-nữ.
Trong khi hiện nay những VĐV cầu lông thiếu nhi nói riêng, học sinh nói chung quá thiếu các hoạt động TDTT trong dịp hè thì giải Cầu lông thiếu nhi TP.Tam Kỳ mở rộng được coi là sân chơi đầy bổ ích và lý thú. Một phụ huynh có con tham gia giải nhận xét, đây là dịp rất quý giúp cho các em thiếu nhi có cơ hội thể hiện niềm say mê môn cầu lông. Hơn nữa, qua sân chơi này giúp các em lẫn huấn luyện viên tại các câu lạc bộ cọ xát, đánh giá được trình độ, năng lực, đúc rút kinh nghiệm để có định hướng tập luyện tốt hơn trong thời gian tới. Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ - chia sẻ, việc tổ chức giải đấu trong những năm qua nhằm giúp cho các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng chuyên môn, phát triển phong trào cầu lông, giúp ngành TDTT các địa phương phát hiện các em có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo. Đồng thời đây còn là sân chơi sôi nổi, bổ ích dành cho các em thiếu nhi trong dịp hè, tạo cơ hội giao lưu, tăng thêm tình đoàn kết.
Trong hoàn cảnh quá hiếm các giải đấu dành cho thiếu nhi cả tỉnh thì việc một đơn vị cấp cơ sở là Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ mở ra sân chơi đầy ý nghĩa này là rất đáng khuyến khích. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đó là “làm thay” ngành TDTT và cả ngành GDĐT. Nên chăng trong thời gian đến giải đấu cần có sự tiếp sức không chỉ từ các nhà tài trợ mà còn của các ngành, tổ chức thể thao của tỉnh?
ANH SẮC