Nông Sơn: Đồng loạt theo học thạc sĩ

PHAN VINH - HÀN GIANG 04/08/2017 09:35

Để “nâng chuẩn” theo chủ trương của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 04 về công tác cán bộ, tại Nông Sơn, nhiều cán bộ sinh sau năm 1975 có bằng đại học không chính quy đã đăng ký thi, học sau đại học, có xã cán bộ chủ chốt đi học cùng lúc...

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn về công tác cán bộ của địa phương. Ảnh: NG.ĐOAN
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn về công tác cán bộ của địa phương. Ảnh: NG.ĐOAN

Đi học cùng lúc

Khi Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được triển khai, bà Hồ Thị Hoàng Nga - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Quế Ninh đăng ký thi tuyển sinh thạc sĩ chuyên ngành Hành chính công (bà Nga tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành Luật). Được biết, từ tháng 5.2017, tại địa phương này, ngoài bà Nga còn có ông Lê Văn Ni - Chủ tịch UBND xã Quế Ninh cũng đang theo học thạc sĩ cùng chuyên ngành Hành chính công. Nói về việc đi học của mình hiện nay, bà Nga cho biết: “Bây giờ nghị quyết đề ra chủ trương như vậy, mà bản thân tôi vẫn còn 20 năm công tác, nên muốn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hoặc nằm trong diện được xem xét đề cử lên cấp trên thì tôi phải đi học. Tất nhiên, việc đi học cũng được sắp xếp cho hợp lý. Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đi học thì đồng chí cấp phó ở nhà sẽ phụ trách giải quyết công việc. Chỉ có thời gian đầu lịch học rơi vào các buổi trong tuần, còn lại tôi chỉ đi học vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật”.

Theo ông Nguyễn Thành Năm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quế Ninh, việc đi học sau đại học của Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã là điều rất tốt, đáng được ghi nhận khi họ có tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên nếu cả hai cùng đi học trong một thời gian sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chuyện giải quyết công việc tại cơ quan.

Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Nông Sơn có khoảng 15 cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã tham gia các lớp học thạc sĩ. Tại Trung tâm VH-TT huyện có trường hợp một chuyên viên thể thao cũng đang theo học thạc sĩ chuyên ngành Hành chính công. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Lạc - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT huyện Nông Sơn cho biết, sau khi Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) được triển khai, chuyên viên này có làm đơn xin được đi học thạc sĩ chuyên ngành Hành chính công nhưng không được đồng ý vì chuyên ngành theo học không đúng nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Tuy nhiên, sau đó chuyên viên này thông báo việc trúng tuyển và vẫn quyết định đi học, đơn vị yêu cầu chỉ được học ngoài giờ hành chính. Vừa rồi có lịch học trùng với giờ hành chính, chuyên viên này đã phải bỏ học để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Cần hướng đi hợp lý

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 (khóa XXI) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên cũng có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đồng tình với tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sinh sau năm 1975 vì nhận thấy vẫn còn khó về công tác cán bộ. Khó, bởi nếu người cán bộ chưa có trình độ sau đại học thì chưa được quy hoạch; còn việc bổ nhiệm chức vụ trưởng, phó phòng không thực hiện được. Do vậy, nhiều cán bộ sinh sau năm 1975 có trình độ đào tạo không chính quy tiếp tục học sau đại học.
Ông Lê Văn Dũng cho rằng, từ thực tế cán bộ đi học sau đại học như thời gian vừa qua, hơn ai hết các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng của cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo chấn chỉnh ngay. Trước hết, người học phải chọn ngành nghề chuyên môn để đào tạo phù hợp với đề án vị trí việc làm hiện nay. Đồng thời cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị sắp xếp, phân công cán bộ đi học cho hợp lý với từng thời điểm; tránh tình trạng cùng lúc đi học nhiều người. Tỉnh ủy kiên trì thực hiện chủ trương này để từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 trở về sau để có được đội ngũ cán bộ có chất lượng về mọi mặt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc thống kê số lượng cán bộ sinh sau năm 1975 có trình độ đào tạo không chính quy, số lượng người học thạc sĩ hiện nay.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng cán bộ “đổ xô” đi học sau đại học như thời gian qua, Huyện ủy Nông Sơn đã có Công văn số 165-CV/HU yêu cầu đảng ủy 7 xã, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, Huyện ủy Nông Sơn yêu cầu kế hoạch phải xác định thứ tự ưu tiên đào tạo, đảm bảo hài hòa giữa công tác đào tạo cán bộ và bố trí con người cần thiết có mặt tại cơ quan để giải quyết công việc. Tránh trường hợp cùng một lúc có nhiều người đi học, gây ảnh hưởng đến công việc; đồng thời phải có sự tính toán lựa chọn những chuyên ngành phù hợp, hoặc mang tính chất tương đồng với vị trí việc làm hiện tại của cán bộ để đảm bảo sau đào tạo công tác đạt hiệu quả. Huyện ủy cũng yêu cầu đảng ủy các xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bên cạnh thực hiện nghiêm việc đào tạo cán bộ theo đúng kế hoạch đề ra, còn có trách nhiệm phổ biến kế hoạch đào tạo để cán bộ có sự chủ động trong công tác chuẩn bị, tránh trường hợp cán bộ tự ý đi thi các lớp ngoài kế hoạch.

Theo ông Đỗ Đức Huynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nông Sơn, do chưa có sự tính toán, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể nên thời gian qua tại địa phương có trường hợp trong một cơ quan, đơn vị, địa phương cùng một lúc nhiều người đi học sau đại học. Cá biệt, có địa phương cả đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã cùng đi học hoặc ở một số cơ quan, đơn vị cả cấp trưởng, cấp phó cùng lúc đi học, gây ảnh hưởng đến giải quyết công việc hàng ngày. Cũng có một số trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, trước khi đi thi đầu vào các lớp chuyên môn nghiệp vụ, không báo cáo xin ý kiến, chờ sau khi có kết quả thi mới làm đơn xin Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, ra quyết định cử đi học, gây khó khăn trong việc xét duyệt. “Việc chuẩn hóa chất lượng đội ngũ cán bộ theo chủ trương của Nghị quyết 04 (khóa XXI) là hướng đi đúng đắn. Từ thực tiễn của địa phương, chúng tôi mong tỉnh nghiên cứu liên kết mở lớp đào tạo sau đại học để cán bộ thuận tiện trong việc đi lại và sắp xếp thời gian giải quyết công việc được giao. Đồng thời thông qua các lớp đào tạo này tỉnh sẽ định hướng những nhóm ngành học phù hợp để huyện Nông Sơn bố trí cán bộ theo học đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương” - ông Huynh nói.

PHAN VINH - HÀN GIANG

PHAN VINH - HÀN GIANG