Dạy trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình
Trẻ em luôn rất dễ bị tổn thương bởi các tai nạn gây thương tích, hay hành vi bạo lực hoặc xâm hại. Việc trang bị cho các em kỹ năng đối phó với những tình huống khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng và thiết thực.
Tham gia thực hành xử lý tình huống thực tiễn giúp các bạn nhỏ trang bị nhiều kiến thức để bảo vệ mình. Ảnh: P.S |
Ngày chủ nhật, em Ngô Khánh Linh, học sinh lớp 5 Trường TH Cẩm Thanh (TP.Hội An) được mẹ cho tham gia chương trình ngoại khóa “Kỹ năng an toàn cho trẻ em” tại Thư viện Thanh Hóa cùng với hơn 20 bạn nhỏ khác. Đây là hoạt động do Thư viện Thanh Hoá phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn Việt có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ngô Khánh Linh cho biết: “Mẹ em thấy thông tin trên facebook của Thư viện Thanh Hóa nên đã vào xem. Thấy nội dung chương trình hay nên mẹ đã đăng ký cho em tham gia chương trình này”. Mở đầu chương trình, Linh và các bạn có phần bỡ ngỡ e thẹn khi các thầy ở Trung tâm đề cập về vấn đề giới tính và xâm hại tình dục trẻ em. Khi bài học chuyển sang nội dung về các vụ xâm hại trẻ em trong thực tế được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, các bạn nhỏ dường như đã cảm nhận được sự nghiêm trọng của vấn đề. Những nụ cười nghịch ngợm dần chuyển sang thái độ nghiêm túc và chú ý lên màn hình máy chiếu. Với những hình ảnh minh hoạt cụ thể, sinh động, các thầy đã giúp Linh và các bạn nhận biết được những hành vi quấy rối những vùng nhạy cảm trên cơ thể, những điều cần lưu ý để không bị xâm hại hay cách tự ứng phó hoặc tìm sự trợ giúp để thoát khỏi những kẻ xấu.
Chương trình còn có nội dung hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, sơ cấp cứu người bị nạn… Không chỉ được học lý thuyết, các bạn còn được tham gia thực hành với những tình huống cụ thể để tự trang bị kiến thức cho bản thân. “Em thấy chương trình rất hay và bổ ích vì giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức để không chỉ bảo vê mình mà có thể trợ giúp cho người khác. Em mong sẽ được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như thế này” - em Ngô Khánh Linh chia sẻ. Theo anh Lương Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn Việt, có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm trong cuộc sống luôn rình rập và đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ em mà người lớn không thể lường hết được. Do đó, ngoài sự quan tâm của các bậc phụ huynh, việc trang bị cho các em những kỹ năng để biết cách tự bảo vệ bản thân mình là rất quan trọng. Cũng theo anh Huy, những câu hỏi như: Làm thế nào để trẻ em có thể nhận biết hành vi quấy rối, xâm hại? Làm thế nào để chia sẻ những chuyện riêng tư của bản thân đối với cha mẹ? Làm thế nào các con tự chủ động bảo vệ được bản thân và giúp đỡ những người xung quanh ngay cả khi không có cha mẹ hoặc người lớn ở bên? Đó là những câu hỏi mà trung tâm muốn các em tự trả lời để trang bị kỹ năng cho mình sau hoạt động ngoại khóa này.
Chị Trương Thị Tú Anh - Tổ trưởng tổ thư viện (trực thuộc Phòng VH-TT TP.Hội An) cho biết, với nội dung được thiết kế chuyên biệt dành cho trẻ em, áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại của các nước tiên tiến, sau một ngày học tập, các em đã vượt qua được sự xấu hổ trước những vấn đề nhạy cảm và cảm thấy tự tin hơn. Nội dung truyền đạt được chú trọng vào phần thực hành với với những tình huống cụ thể hoặc được kết hợp trong các trò chơi đã giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận của các em. Phụ huynh của các em cũng đánh giá rất cao về chương trình ngoại khóa này. “Cả phụ huynh và trẻ em đều thích thú và cảm thấy chương trình bổ ích. Ngay cả phụ huynh ở Đà Nẵng khi thấy thông tin trên facebook cũng cho con vào Hội An tham gia. Đây chính là động lực để chúng tôi tham mưu tiếp tục tổ chức nhiều hơn hơn nữa những hoạt động như thế này tại Thư viện Thanh Hóa. Mong rằng các cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ cùng với chúng tôi” - chị Trương Thị Tú Anh nói.
PHAN SƠN