Gom góp yêu thương
Sự sẻ chia, gom góp yêu thương từ các nhà hảo tâm không chỉ là niềm vui, mà còn giúp những người công tác xã hội gắn bó và có thêm động lực với chuyên mục Địa chỉ từ thiện giàu tính nhân văn này.
Bạn đọc đến Tòa soạn trao tiền hỗ tiền hỗ trợ các trường hợp đăng trên mục địa chỉ từ thiện của Báo Quảng Nam. |
Một buổi chiều muộn, khi sắp hết giờ làm việc, tôi được thông báo có khách đến liên hệ công việc. Khách là một người đàn ông có tuổi, trông khá quen. Kiểm nhanh trong đầu, tôi nhớ ra đây là người bán vé số dạo thỉnh thoảng tôi vẫn hay gặp và có lần ông mời mua vé số, bạn tôi không mua nhưng cho ông một ít tiền và ông dứt khoát không nhận. Rồi ông chậm rãi lần trong nhiều lớp túi ra 150 nghìn đồng, toàn tiền lẻ (tờ có mệnh giá cao nhất là 10 nghìn đồng) và chìa cho tôi xem tờ báo Quảng Nam đăng bài về một phụ nữ có chồng bị tâm thần, con bị bệnh hiểm nghèo, gia cảnh rất thương tâm. Ông cho biết, số tiền 150 nghìn đồng kia là do vợ chồng ông dành dụm từ tiền bán ve chai trong khi đi bán vé số dạo hơn tháng qua.
Khi trao tiền cho nhân vật phụ nữ trong bài viết kể trên, tôi đã kể lại “xuất xứ” món tiền nhỏ (của một người có tấm lòng không nhỏ) này, chị cảm động không cầm được nước mắt... Câu chuyện trên tôi cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục trước tấm lòng của người bán vé số già. Rồi có một bác sĩ và một viên chức nhân đó đã hỏi thăm về hoàn cảnh nhân vật trong bài và gửi tiền giúp đỡ. Và như vậy, lòng tốt đã được lan tỏa. Số tiền 150 nghìn đồng “khởi đầu” kia lớn hơn giá trị thực của nó rất nhiều, lớn ở tấm lòng và hoàn cảnh của người hỗ trợ.
Tương tự, một cộng tác viên của báo Quảng Nam, đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, vậy mà cứ tháng vài lần, bạn lại trích từ khoản tiền nhuận bút của mình để chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn được nêu trên báo. Còn nữa, mới đây, khi nhận được 1 triệu đồng của một cặp vợ chồng hưu trí, vừa là thương binh ở Tam Kỳ, hỗ trợ một trường hợp cần giúp đỡ đăng trên báo Quảng Nam, tôi gọi điện cảm ơn thì bất ngờ nhận được lời... xin lỗi, mong được thông cảm. Lý do: lâu nay vì bận việc gia đình nên không kịp thời gửi tiền hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn được báo Quảng Nam đăng. Xin được nói thêm, khoản tiền từ thiện nói trên là do vợ chồng cô chú hưu trí - thương binh ấy dành dụm từ số tiền con trai cô chú đi làm ăn xa gửi về gia đình, hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn với khoảng 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/trường hợp; trong đó cô chú đặc biệt quan tâm đến những học sinh nghèo vượt khó.
Hay như những năm qua, từ tiền phúng viếng người thân, gia đình một quả phụ đều đặn trao 300 nghìn đồng/trường hợp đăng trên mục địa chỉ từ thiện hàng tuần. Người giúp đỡ thì âm thầm và lặng lẽ. Thế nhưng, chính cái cách họ đến với những phận đời kém may mắn như vậy không chỉ làm ấm lòng người được nhận, mà còn tạo được sự đồng cảm. Để rồi sẻ chia được nhân lên, giá trị của cho và nhận càng thêm ý nghĩa. Còn đối với các đoàn viên Chi đoàn Báo Quảng Nam, ngoài nhiệm vụ đến tận nhà trao tiền giúp các hoàn cảnh trong chuyên mục Địa chỉ từ thiện, mới đây Chi đoàn còn kêu gọi quyên góp giúp đỡ trường hợp một cháu bé học lớp 5 ở Tam Tiến, Núi Thành mồ côi mẹ, cha bệnh tật được hơn 8 triệu đồng. Nói vậy để thấy rằng, tấm lòng của những người trẻ sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo nên giá trị mới trong cuộc sống.
Những hoàn cảnh nêu trong mục “Địa chỉ từ thiện” của báo Quảng Nam số thứ Sáu hàng tuần, bên cạnh được Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp; còn nhận được nhiều sự san sẻ, góp nhặt của những người có lòng tốt, sẵn sàng sẻ chia với những trường hợp kém may mắn hơn mình.
CHÂU NỮ