Nỗ lực phòng chống lao

CHÂU NỮ 31/07/2017 08:48

Phòng chống bệnh lao luôn là vấn đề khó khăn, nhưng những năm qua, Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch đã có nhiều lực nỗ lực đẩy lùi bệnh lao bằng việc nâng cao chất lượng chuyên môn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khám, điều trị và triển khai các hoạt động tại cộng đồng.

Quản lý lao trẻ em là một trong nhiệm vụ được BV Phạm Ngọc Thạch quan tâm. Ảnh: C.N
Quản lý lao trẻ em là một trong nhiệm vụ được BV Phạm Ngọc Thạch quan tâm. Ảnh: C.N

Khó khăn

Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ hướng tới mục tiêu để người dân sống trong môi trường không còn bệnh lao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Ngọc Pháp - Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, khó có thể đạt mục tiêu nêu trên dù chiến lược đã đề ra nhiều nhóm giải pháp. Bởi lẽ, mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi tuy được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập nhưng việc phòng chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng. Tại một số huyện miền núi, việc triển khai chương trình phòng chống lao chưa hiệu quả, tỷ lệ điều trị khỏi thấp, bỏ trị cao. “Năm 2016, số người nghi lao đến khám tại các cơ sở y tế trong tỉnh giảm hơn năm 2015 khoảng 8%, số người thử đờm cũng giảm hơn 5%. Đó là chưa kể việc xét nghiệm đờm thiếu sàng lọc, ít hiệu quả và hoạt động xét nghiệm tại tuyến dưới còn sai sót đáng kể” - bác sĩ Pháp cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Cao Tín - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Phạm Ngọc Thạch, số người bị mắc lao đến nhập viện cấp cứu chiếm khoảng 35% bệnh nhân nhập viện. Trong số này, phần lớn là bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu vùng xa; khá nhiều trường hợp cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không có kiến thức về bệnh lao nói chung và chăm sóc bệnh nhân lao nói riêng. Thậm chí, có người nhập viện khi bệnh đã rất nặng, bệnh nhân đã bị hôn mê như trường hợp của một cháu bé 4 tuổi ở huyện Nam Trà My nhập viện cách đây hơn nửa tháng. Trong khi đó, việc điều trị lao kháng thuốc cũng gặp khá nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng khoa Lao kháng thuốc, khó khăn nhất của thể lao này là phải điều trị lâu dài; có trường hợp phải nằm viện liên tục 2 năm. Tuy nhiên, đáng nói là không phải bệnh nhân nào cũng tuân thủ đúng phác đồ. “Lẽ ra bệnh nhân phải được nghỉ ngơi trong thời gian dùng thuốc nhưng do kinh tế khó khăn nên nhiều người vẫn phải làm việc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả điều trị” - bác sĩ Ánh Tuyết nói thêm.

Nỗ lực

Ngoài phòng chống bệnh lao, BV Phạm Ngọc Thạch còn đảm nhiệm hoạt động phòng chống bệnh phổi khác. BV đang triển khai phòng chống bệnh hen và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo đó, quản lý hơn 1.000 bệnh nhân hen và COPD toàn tỉnh. Đồng thời duy trì Câu lạc bộ Hen và COPD hằng quý. Năm 2017 này, BV Phạm Ngọc Thạch có các biện pháp hợp lý nhằm tăng tỷ lệ người khám thử đờm toàn tỉnh đạt hơn 1% dân số, phát hiện lao các thể dưới 110/100 nghìn người; đạt tỷ lệ điều trị khỏi hơn 85% và đặc biệt chú trọng phát hiện, quản lý lao trẻ em và lao kháng đa thuốc.

Tuy số người mắc bệnh lao tại Quảng Nam thấp hơn so với cả nước nhưng mỗi năm, toàn tỉnh vẫn phát hiện khoảng 1.500 bệnh nhân lao. Bên cạnh triển khai dự án phòng chống lao tại 18/18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, BV Phạm Ngọc Thạch còn tổ chức khám, phát hiện chủ động bệnh nhân lao trong cộng đồng tại Điện Bàn và Phú Ninh. Cạnh đó, chú trọng việc hỗ trợ và đào tạo cho cán bộ chuyên khoa tuyến dưới về công tác triển khai và quản lý chương trình, xét nghiệm lao; tăng cường quản lý và giám sát việc điều trị lao ngắn ngày có giám sát hoặc điều trị lao ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp tại tuyến xã và tuyến thôn bản. Cùng với đó, việc ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tiên tiến đã góp phần làm cho tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể năm sau tăng hơn năm trước; rút ngắn dần số ngày điều trị nội trú trung bình của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Cao Tín, BV được trang bị nhiều thiết bị kỹ thuật nên việc xét nghiệm, chẩn đoán chính xác hơn; trong đó đáng kể nhất là đã ứng dụng tốt các phương pháp phát hiện mới như nuôi cấy lỏng, Gene Xpert. Trước đây, đối với các trường hợp lao kháng thuốc phải mất 2 - 3 tháng mới có kết quả xét nghiệm nhưng hiện nay, nhờ áp dụng kỹ thuật cao nên kết quả có chỉ sau 2 - 3 giờ. Thời gian điều trị lao kháng thuốc cũng rút ngắn từ 20 tháng xuống còn 6 tháng. Bên cạnh việc điều trị, các y bác sĩ còn thường xuyên động viên, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn về chế độ ăn uống và điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân lao sau khi xuất viện.“Chi phí điều trị bệnh lao rất lớn nhưng bệnh nhân điều trị bệnh lao tại các cơ sở y tế được miễn tiền thuốc. Riêng bệnh nhân điều trị nội trú ở BV Phạm Ngọc Thạch còn được hỗ trợ chế độ ăn từ chính sách của UBND tỉnh và các tổ chức nhân đạo - từ thiện. Mặt khác, cảnh quan bệnh viện xanh, sạch, đẹp, thoáng mát cũng phù hợp cho việc chống nhiễm khuẩn và điều trị bệnh lao. Do tính chất chống lây nhiễm của bệnh lao và một số bệnh phổi lây nhiễm khác, nên BV chủ trương sử dụng thông khí tự nhiên và cơ học, không dùng điều hòa trong buồng bệnh…” - bác sĩ Pháp nói.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ