Sứ mệnh lịch sử

T.S 31/07/2017 08:41

Hôm nay 31.7, tại hội trường Thành ủy Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà (1967-1975)” với sự tham dự của lãnh đạo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng từng giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà, các nhân chứng lịch sử… Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-2017), nhằm làm rõ về quá trình ra đời, hoạt động và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà từ năm 1967 đến năm 1975, gắn với các sự kiện lớn của quê hương. Hội thảo góp phần tái hiện bức tranh chân thật của lịch sử về những năm tháng đấu tranh, sự hy sinh anh dũng cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân Quảng Đà nói chung, tại một trong những chiến trường ác liệt nhất miền Nam Việt Nam.

Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu (Duy Xuyên). Ảnh tư liệu
Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu (Duy Xuyên). Ảnh tư liệu

Sự ra đời mang tính chiến lược

Kể từ khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam (ngày 8.3.1965), đặt bước chân đầu tiên lên bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng), đánh dấu chính thức về việc tham chiến trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam. Tại chiến trường Quảng Đà, trên mũi giáp công quân sự, qua liên tiếp hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đã chứng minh một thực tế là từ sự “gờm sợ Mỹ” ban đầu, lực lượng vũ trang và du kích Quảng Đà ngày một sáng tạo nhiều cách đánh Mỹ hiệu quả, lập được nhiều chiến công hiển hách, thế và lực của phong trào cách mạng không ngừng được tăng lên, chứng minh “ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Song song với đó, công tác thành thị càng được Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng đặt thành mục tiêu quan trọng. Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ Đà Nẵng năm 1966 là một ví dụ điển hình và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào đô thị tại miền Nam. Với những thắng lợi về quân sự và chính trị trên, tháng 7.1967, Bộ Chính trị nhận định: Ta đã đánh bại một bước rất cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; thế và lực của ta có những tiến bộ, cho phép ta trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định. Bộ Chính trị cũng đưa ra chủ trương “động viên những nỗ lực lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Tháng 10.1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP.Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Lúc này, Đặc khu Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (I, II, III), chia Hòa Vang thành 3 khu (I, II, III) và các địa phương khác, nay là: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang.

Việc thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược: đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; giữa 3 thứ quân: bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa 3 mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng, trực tiếp là phục vụ cho xuân Mậu Thân 1968 theo chủ trương của Trung ương Đảng.

Lãnh đạo đánh bại mọi âm mưu của địch

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, quân và dân Quảng Đà đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của địch ở đô thị Đà Nẵng và các thị xã, thị trấn, tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, với các chiến dịch X1, X2, quân dân toàn đặc khu đã liên tiếp tiến công địch, góp phần cùng quân dân miền Nam và cả nước giáng một đòn quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.

Ngay sau đó, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm từng bước chuyển trách nhiệm tiến hành chiến tranh cho chính quyền và quân đội Sài Gòn để quân Mỹ có thể rút dần về nước nhưng vẫn giữ được miền Nam Việt Nam, với chiến thuật xương sống là “tăng cường trang bị cho quân đội Sài Gòn” và “bình định nông thôn”. Trong bối cảnh đó, từ năm 1969 đến năm 1972, Đặc khu ủy Quảng Đà đã lãnh đạo chống sách lược đánh phá, bình định của địch. Theo đó, quân và dân Quảng Đà đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, phá vỡ các khu dồn, vùng giải phóng được mở ra rộng lớn. Lực lượng chính trị trưởng thành hơn trước, lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh hơn bao giờ hết, tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng nông thôn, góp phần thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973. Có thể nói trong thời gian này, quân và dân Quảng Đà đã vượt qua chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với bản chất ngoan cố và hiếu thắng, Mỹ âm mưu phá hoại hiệp định. Được sự hỗ trợ của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu thực hiện cái gọi là “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da beo và “đẩy cộng sản lên biên giới”. Trước tình hình đó, tháng 7.1973, Trung ương Đảng họp, ban hành nghị quyết nêu rõ: “Dù phát triển theo khả năng nào, con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng”, với phương châm: “Kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát huy thế chủ động, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch”. Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, phong trào đấu tranh giành dân, giành đất thu được nhiều kết quả. Phát huy thắng lợi đã có, tại Quảng Đà, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức - một hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng.

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với khí thế tấn công thần tốc, trưa ngày 29.3.1975, quân chủ lực cùng tự vệ và biệt động Đà Nẵng đã tiếp quản Tòa thị chính. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc Tòa thị chính, báo hiệu Đà Nẵng được giải phóng. Trong Tổng tiến công xuân 1975, Đặc khu ủy Quảng Đà với chủ trương “lấy tan rã làm tiêu diệt”, “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” đã đem lại kết quả vô cùng to lớn, không có “một cuộc tắm máu chưa từng có” như chính quyền Nguyễn Văn Thiệu rêu rao trước đó. Đặc khu ủy Quảng Đà đã có kế hoạch “bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ không để dân đói”.

Đánh giá về vị trí, tầm vóc của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng năm 1975, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”. Ngay sau khi giải phóng, Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ đạo tốt an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định tình hình để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; làm tốt việc đăng ký, quản lý, giáo dục ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái chính trị phản động; chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía nam và Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng, chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20.9.1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất tỉnh; ngày 4.10.1975, UBND Cách mạng lâm thời khu Trung Trung Bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Và như vậy, Đặc khu Quảng Đà, đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu 5 và thứ hai của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng cũng đầy sáng tạo, phi thường.

T.S

T.S