Dòng chủ lưu văn học đất Quảng
Đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam đã in đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm của các nhà văn trong và ngoài tỉnh. Hơn 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã quan tâm, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng của vùng đất “trung dũng, kiên cường”…
Đoàn Văn nghệ sĩ chiến trường khu V đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My.Ảnh: L.P.L.N |
Dòng chủ lưu
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu V nói chung, Quảng Nam nói riêng là “chiến trường lớn”, nơi các văn nghệ sĩ vừa thực tế sáng tác, vừa tham gia chiến đấu. Nhiều văn nghệ sĩ đã nằm lại trên đất Quảng khi tuổi đời còn rất trẻ và tài năng đang độ chín.
Đi qua chiến tranh nhưng mảnh đất và con người Quảng Nam một thời lửa đạn vẫn ám ảnh, thôi thúc các nhà văn để họ sáng tạo nên những tác phẩm vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa có những chiêm nghiệm nhân sinh thời hậu chiến. Với thế hệ những nhà văn trưởng thành sau năm 1975, mảnh đất và con người Quảng Nam trong chiến tranh cũng là mảng đề tài lớn được khai thác, tạo nên những tác phẩm văn học hấp dẫn với bạn đọc.
Văn học đề tài chiến tranh cách mạng Quảng Nam trong 20 năm qua có những tác phẩm để lại tiếng vang. Đó là các tiểu thuyết: “Thượng Đức”, “Đỉnh máu” (Nguyễn Bảo); các tập bút ký và truyện ký “Mười Chấp và một thời”, “Mạ tôi”, “Những người sót lại”, “Trong lớp bụi thời gian”, “Lửa Núi Thành” (Hồ Duy Lệ); “Đất của máu và lửa” (Nguyễn Bá Thâm); các tập truyện “Tuổi thơ trong chiến tranh”, “Máu và tội ác” (Nguyễn Tam Mỹ); các tập ký “Cát đỏ”, “Ám ảnh vùng Đông” (Phạm Thông); tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn” (Từ Nguyên Tĩnh); “Tuổi thơ thời lửa đạn” (Cao Kim); 11 tập bút ký “Kiên trung bất khuất” (Hội Tù yêu nước tỉnh) và một số tập sách do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện.
Gần đây, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh gắn với 42 năm giải phóng Quảng Nam (24.3.1975 - 24.3.2017), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các nhà văn từng sống - chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam thực hiện tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975). Tập sách gồm 33 bài ký của 18 tác giả là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cầm bút trên chiến trường Quảng Nam, được xem là “bộ phim ẩn hình”, là góc nhìn của các nhà văn thế hệ kháng chiến, tái hiện sinh động một thời kỳ lịch sử của đất Quảng. Giữa tháng 7 này, tin vui lại đến với Hội VHNT tỉnh khi 2 giải A của cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công cách mạng (Bộ LĐ-TB&XH, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức) đều thuộc về các nhà văn Quảng Nam, gồm ký sự “Dặm trường gian truân” của nhà văn Hồ Duy Lệ và tiểu thuyết “Máu và tội ác” của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ.
Nhà thơ Phan Chín - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập tạp chí Đất Quảng - đánh giá: “Văn học đề tài chiến tranh cách mạng tiếp tục là dòng chủ lưu của văn học đất Quảng từ sau năm 1975 đến nay. Trong 20 năm tái lập tỉnh, mảng đề tài chiến tranh cách mạng đã phản ánh sinh động về mảnh đất và con người Quảng Nam trong chiến tranh, cả những số phận thời hậu chiến. Và, những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng đều đoạt giải cao trong các đợt Giải thưởng VHNT Quảng Nam, Tặng thưởng VHNT Quảng Nam và Tặng thưởng VHNT tạp chí Đất Quảng hàng năm”.
Khuyến khích sáng tác, công bố
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam đã chú trọng đến mảng đề tài chiến tranh cách mạng, khuyến khích và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác và công bố những tác phẩm liên quan đến đề tài này. Tháng 7.2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 11 về “Sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng” trên địa bàn tỉnh. Tháng 5.2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54 về việc “Tiếp tục triển khai công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”. Theo đó UBND tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách cho việc triển khai thực hiện.
Hội VHNT tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm về sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Để văn nghệ sĩ có tư liệu sáng tác về đề tài này, Quảng Nam tổ chức 2 chuyến về nguồn, kết hợp thực tế sáng tác dành cho hơn 100 lượt văn nghệ sĩ kháng chiến khu V. Tháng 7.2016, tỉnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề văn nghệ sĩ kháng chiến khu V với Quảng Nam, với 100 tư liệu, hình ảnh. Nhiều nhà văn tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác tại các “địa chỉ đỏ” do Chi hội Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc (Hội VHNT tỉnh) tổ chức. Những trang bút ký, thơ, truyện ngắn… qua những chuyến thực tế sáng tác ấy đã góp phần làm phong phú thêm mảng đề tài viết về chiến tranh cách mạng của văn học xứ Quảng trong 20 năm tái lập tỉnh. Đại tá - nhà văn Nguyễn Bảo cho rằng: “Học hỏi kinh nghiệm sáng tác là điều cần thiết. Hiện nay, có không ít nhà văn trẻ chưa hề trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ đầy khốc liệt ngày nào nhưng lại có những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng rất hay. Bây giờ tư liệu viết về mảng đề tài này khá phong phú và phổ biến trên internet, chỉ cần nhấp chuột là có ngay. Bây giờ mọi chuyện cũng cởi mở hơn nên rất thuận lợi cho người viết văn”.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng trên vùng đất “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ” thì chừng ấy tác phẩm vẫn là quá ít. Đặc biệt, vẫn chưa có những bộ tiểu thuyết lịch sử quy mô bao quát được tầm vóc lớn rộng của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Nam. Hiện thực khốc liệt, số phận con người trong và sau chiến tranh vẫn chưa được nhìn với độ sâu lắng và chân thực qua ưu thế của hư cấu văn học. Do vậy, độ lay động lòng người và tác dụng giáo dục truyền thống từ những người thật việc thật vẫn cứ đơn điệu và còn hạn chế. Trong những năm qua, đội ngũ thích viết và chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng tại Quảng Nam không nhiều. Chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, đi lại vẫn những cái tên quen thuộc như Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Cao Kim, Phạm Thông, Nguyễn Tam Mỹ… Đó là những vấn đề cần quan tâm đối với các cơ quan quản lý văn hóa - nghệ thuật và là trách nhiệm tự thân của mỗi nhà văn, nhà thơ…
LÊ PHƯỚC LAN NHI