Biệt đội cảnh sát nữ tại Ấn Độ

NAM VIỆT 29/07/2017 06:54

Một biệt đội cảnh sát với tất cả thành viên là nữ đang hoạt động rất chuyên nghiệp và hiệu quả, đặc biệt trong việc bảo vệ cho phụ nữ tại thành phố Jaipur, Ấn Độ.

Đội nữ cảnh sát Jaipur tuyên truyền cho phụ nữ  về ý thức tố giác tội phạm. Ảnh: AFP
Đội nữ cảnh sát Jaipur tuyên truyền cho phụ nữ về ý thức tố giác tội phạm. Ảnh: AFP

Những năm gần đây, số vụ trẻ em gái và phụ nữ bị quấy rối tại nhiều tuyến đường hay khu vực công cộng tại Ấn Độ tăng lên nghiêm trọng. Tấn công tình dục ở Ấn Độ trở thành tệ nạn phổ biến nhất đối với phụ nữ. Nhiều nạn nhân bị tổn thương cả về tinh thần và thể xác, thậm chí dẫn đến tử vong. Nhưng không phải nạn nhân nào cũng dám lên tiếng tố cáo bọn tội phạm vì xấu hổ và lo sợ, trong khi nhiều vụ việc không được tiến hành điều tra hay xét xử. Theo ActionAid, một tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ, 79% phụ nữ nước này từng bị quấy rối tình dục hoặc bị bạo hành nơi công cộng. Đây là thực trạng đáng báo động tại Ấn Độ. Vì thế, một biệt đội cảnh sát nữ bao gồm hơn 50 thành viên đã được thành lập hồi giữa năm nay, tại thành phố Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan - một trong những bang có diện tích lớn nhất tại Ấn Độ. Sự có mặt của biệt đội này không những giúp đảm bảo an ninh trật tự xã hội, góp phần cải tổ mạnh mẽ lực lượng cảnh sát, mà còn giúp nữ giới tại Jaipur cảm thấy an tâm hơn khi ra đường.

Tại Ấn Độ, nữ giới chỉ chiếm 7% trong lực lượng cảnh sát. Đội cảnh sát “tóc dài” này có nhiệm vụ tham gia các hoạt động tuần tra tại các trạm xe buýt, trường học và công viên trong thành phố, những nơi mà phụ nữ rất dễ bị quấy rối, tấn công. “Thông điệp của chúng tôi là sẽ không khoan nhượng cho bất cứ những tên tội phạm nào chống lại phụ nữ” - Kamal Shekhawat, người đứng đầu đội quân đặc biệt này nói. Cũng theo Shekhawat, sự hiện diện của các nữ cảnh sát sẽ khuyến khích các nạn nhân là nữ giới có được can đảm, tự tin, giao tiếp cởi mở hơn để chia sẻ, tố cáo các tội phạm, hay họ có thể tìm được sự đồng cảm hơn từ đội quân của Shekhawat, những người cùng giới với họ.  

Tại một công viên ở Jaipur, nữ cảnh sát Saroj Chodhuary với trang phục áo quần kaki, mũ trắng chuyên ngành đang tiếp cận với một nhóm phụ nữ trong bộ sari truyền thống của phụ nữ Ấn Độ. Chodhuary giới thiệu về mình và nói: “Các bạn có thể gọi điện thoại hay nhắn tin trên ứng dụng WhatsApp, chúng tôi luôn ở đó. Danh tính của bạn sẽ không bị tiết lộ. Vì vậy các bạn cứ thoải mái nói với chúng tôi nếu có ai đó quấy rầy các bạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hãy để chúng tôi biết điều đó. Đừng làm ngơ trước sự việc này”. Chodhuary cho biết cô và đồng nghiệp của mình trải qua nhiều tháng để học võ thuật và luật pháp của Ấn Độ.  

Seema Sahu (38 tuổi), một bà mẹ hai con tại Jaipur nói, trước đây chị luôn tránh ra đường vào ban đêm nhưng bây giờ sự có mặt của biệt đội cảnh sát nữ khiến chị cảm thấy an tâm hơn khi cần ra ngoài vào buổi tối. Biệt đội đã giúp mang lại niềm tin cho người dân, đặc biệt là phụ nữ trong cuộc sống, và giúp duy trì luật pháp sở tại. Nhưng điều không kém phần quan trọng là nhận thức của mọi người, nhất là nam giới trong việc tôn trọng và bảo vệ phụ nữ. Trước Jaipur thì thành phố Adaipur, cũng thuộc bang Rajasthan và một số nơi khác tại Ấn Độ thành lập một đội quân tương tự, ngăn cản các vụ phạm tội tình dục và xóa bỏ thói quen im lặng liên quan đến các vụ việc này.

NAM VIỆT

NAM VIỆT