Ươm mầm khởi nghiệp
Tin liên quan
|
Sau khoảng một năm rưỡi hoạt động, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã chắp cánh cho một số ý tưởng khởi nghiệp triển vọng đi vào hoạt động, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức tư vấn cho các dự án khởi nghiệp trong khóa ươm tạo thứ 3 (ảnh do đơn vị cung cấp). |
Với mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, lấy nguồn nhân lực chất lượng làm cốt lõi, lấy những ý tưởng sáng tạo làm trung tâm, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng chính thức được thành lập và hoạt động theo mô hình Công ty TNHH nhiều thành viên với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng vào tháng 1.2016. Từ đó đến nay, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức 3 khóa ươm tạo (khóa 3 đang tiến hành) với 24 nhóm dự án tham gia. Mỗi khóa ươm tạo kéo dài trong 6 tháng và chỉ có những dự án có tính khả thi cao mới tiếp tục được thương mại hóa sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP.Đà Nẵng, chương trình ươm tạo của khóa sau sẽ được cải tiến theo hướng bài bản và khắt khe hơn so với khóa trước, đặc biệt ngày càng có nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế tham gia hỗ trợ để xây dựng một chương trình ươm tạo khởi nghiệp vừa tiếp cận tiêu chuẩn thế giới vừa phù hợp với bối cảnh xã hội Đà Nẵng.
Theo Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP.Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã nhanh chóng tạo được sức hấp dẫn đối với các ý tưởng khởi nghiệp trong và ngoài thành phố khi thu hút được 50 dự án thi tuyển ở khóa ươm tạo đầu tiên, sau đó tăng lên 80 dự án ở khóa thứ 2 và hơn 100 dự án ở khóa 3 vừa khai giảng hồi tháng 4.2017. Trong số này, những ý tưởng khởi nghiệp ở mảng công nghệ thông tin chiếm tới 40%, du lịch chiếm 20%, phần còn lại thuộc các mảng khác như y tế, nông nghiệp sạch… Nhờ sự định hướng phát triển tốt, có dự án thậm chí đã gọi được vốn đầu tư ngay khi còn đang trong thời gian ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng như dự án “Sumi Artificial Intelligence & chatbot”. Dự án này là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và tự động hóa giao tiếp tin nhắn nhằm thấu hiểu người dùng và hỗ trợ người dùng tìm kiếm và sắp xếp thông tin phù hợp. Được biết, chỉ từ tháng 5.2016 đến 9.2016, đã có hơn 120 nghìn lượt download công cụ này để sử dụng.
Ngoài việc tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn các dự án khởi nghiệp triển vọng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng còn tổ chức các buổi “do thám” ở các trường đại học trên địa bàn thành phố để đánh giá, tìm kiếm các dự án có khả năng thương mại hóa. Ông Phạm Đức Nam Trung – Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng cho biết, tiêu chí cốt lõi để đơn vị xác định có nên triển khai hỗ trợ ươm tạo hay không chính là ở đội ngũ thực hiện, một khi nhận thấy triển vọng, đơn vị sẽ cung cấp văn phòng làm việc, cố vấn cho dự án, các buổi đào tạo kỹ năng và sau đó kết nối với các nhà đầu tư. Hiện tại, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đang có các dự án ở Hà Nội hay Huế được mời tham gia khóa ươm tạo.
Được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn tự chủ và cân đối được nguồn tài chính dựa vào sự hỗ trợ của một số tổ chức và các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Hiện tại, đơn vị có 66% vốn nhà nước và 34% vốn tư nhân, theo xu hướng trong tương lai đơn vị sẽ phát triển mạnh số vốn tư nhân nhưng vẫn sẽ hoạt động theo hình thức một tổ chức phi lợi nhuận. Dù vậy, khi đưa ra quan điểm về hoạt động khởi nghiệp, ông Phạm Đức Nam Trung nhận định, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng cứ 10 ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ thì có khoảng 7 ý tưởng “chết yểu”, khởi nghiệp không phải điều dễ dàng nên không có chuyện người người khởi nghiệp hay đến mời chào ai đó khởi nghiệp, chỉ có tâm huyết và sáng tạo không ngừng mới có thể đi đến thành công.
QUỐC TUẤN