Chăm sóc người có công ở Bắc Trà My: Trách nhiệm của cả cộng đồng

NGUYỄN DƯƠNG 28/07/2017 08:29

Chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Xác định rõ điều đó, những năm qua huyện Bắc Trà My đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…

Công ty Thủy điện Sông Tranh tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: N.D
Công ty Thủy điện Sông Tranh tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: N.D

Xây dựng nhà ở

Bắc Trà My là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Rất nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất này. Theo số liệu thống kê, cả huyện có 7.200 người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 16,39% dân số toàn huyện. Con số đó đã khái quát được sự ác liệt cũng như những mất mát, hy sinh của người dân nơi đây. Cũng chính vì thế, công tác chăm lo cho người có công của huyện Bắc Trà My cũng vất vả hơn. “Đây là huyện miền núi cao, đời sống người dân còn rất thấp, đặc biệt là các gia đình chính sách. Nhưng không phải vì thế mà chính quyền địa phương không chú trọng đến công tác này, ngược lại, đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện. Tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, huyện có hướng giúp đỡ thiết thực để những gia đình chính sách vượt qua khó khăn. Nhà nào khó thì làm trước, nhà đỡ hơn thì làm sau” - bà Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương bệnh binh, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, cải thiện nhà ở cho người có công, hay tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách được huyện đẩy mạnh nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Có an cư mới lạc nghiệp. Vì vậy, chúng tôi chú trọng đến việc sửa chữa, xây mới những ngôi nhà tình nghĩa để giúp cho những hoàn cảnh khó khăn có được nơi ở khang trang, an toàn hơn. Từ đó mới tính đến chuyện giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - bà Thư cho biết thêm.

Trong 10 năm qua, chương trình hỗ trợ cải thiện nhà cho người có công với cách mạng trên địa bàn đã giúp cải thiện được 1.112 ngôi nhà với tổng kinh phí hơn 32,8 tỷ đồng. Trong đó có 819 nhà được hỗ trợ xây mới, 293 nhà được hỗ trợ sửa chữa. Qua đó, hầu hết người có công với cách mạng đã có được nơi ở ổn định hơn. “Tất nhiên, với nguồn lực của một huyện miền núi nghèo, không thể có chừng đó tiền để hỗ trợ người dân. Nhưng thông qua phương thức xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm hay những doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân trên địa bàn cùng đóng góp, chia sẻ với huyện để hỗ trợ kinh phí thực hiện phong trào này. Đạt được kết quả đó cũng là nhờ có sự đồng lòng của cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức” - ông Nguyễn Đình Trung, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện nói.

Bà Hồ Thị Thưởng ở thôn 4 xã Trà Nú là thương binh vừa được huyện hỗ trợ xây mới ngôi nhà khang trang. Bà vui mừng khoe: “Tôi đau ốm liên miên, sức lao động không có nên kinh tế rất khó khăn. Đến cái nhà cả chục năm nay đã dột nát nhưng cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để mà sửa. Giờ huyện xây cho ngôi nhà mới, tôi mừng lắm!”. Cùng có chung niềm vui ấy, anh Trần Văn Hoa ở thôn 1 xã Trà Tân là con của liệt sĩ cũng đã được huyện hỗ trợ xây mới căn nhà để gia đình anh ổn định cuộc sống. “Nhà nghèo, cố gắng mãi cũng chỉ đủ tiền trang trải chi tiêu hàng ngày, xây ngôi nhà mới chỉ là ước mơ đối với tôi. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình tôi có được nơi ăn chốn ở đàng hoàng, ước mơ của tôi nay đã thành hiện thực” - anh Hoa cười nói.

Cải thiện đời sống

Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, Bắc Trà My luôn quan tâm giúp đỡ các đối tượng chính sách cải thiện đời sống. Huyện đã lồng ghép các chương trình nhằm tạo điều kiện giúp người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để làm kinh tế. “Giúp vay vốn, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi hay bất kỳ một chương trình phát triển kinh tế nào của huyện, chúng tôi đều tạo điều kiện để những gia đình khó khăn được tiếp cận. Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, cán bộ các ban ngành của huyện cũng được phân công nhiệm vụ cụ thể, phụ trách địa bàn cũng như từng gia đình để hướng dẫn cho họ phát triển kinh tế đúng cách, sử dụng hiệu quả vốn vay” - ông Nguyễn Đình Trung cho hay. Thương binh Nguyễn Văn Nghĩa trú tại thị trấn Trà My cho biết, ông là người ở phía Bắc, tham gia chiến đấu tại Trà My. Chiến tranh kết thúc, ông ở lại nơi đây lập gia đình. Ông bị nhiễm chất độc da cam. Thời gian đầu kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông đã từng bước vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo.

Trong 10 năm, huyện đã tổ chức huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ các nguồn lực và nguồn xã hội hóa được 2,8 tỷ đồng để xây dựng 113 nhà tình nghĩa, tặng 247 sổ tiết kiệm cho đối tượng người có công và thân nhân người có công. “Chúng tôi đang nỗ lực  để giảm bớt khó khăn cho các gia đình chính sách. Cụ thể, vẫn tiếp tục rà soát, thống kê, xác lập những hồ sơ đề nghị công nhận người có công cho các trường hợp có đầy đủ giấy tờ, đảm bảo không bỏ sót, giải quyết kịp thời chế độ cho họ. Đó là một cách để tri ân đối với những hy sinh của họ cho mảnh đất này” - ông Nguyễn Đình Trung cho hay. “Những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông đã ngã xuống để có cuộc sống yên bình hôm nay, cán bộ và nhân dân huyện Bắc Trà My luôn ghi nhớ và có trách nhiệm với người có công, với gia đình chính sách. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện thoát nghèo, an cư lạc nghiệp trong những năm qua là minh chứng cho sự tri ân người có công, gia đình chính sách của cán bộ và nhân dân trong huyện” - ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG