Tin tưởng và yên lòng

LÊ DIỄM (ghi) 27/07/2017 09:58

Những ngày tháng Bảy, người có công (NCC) trong toàn tỉnh nhận được sự tri ân của cả xã hội. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận một số ý kiến NCC về công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh 20 năm qua.

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)

Thương binh Trần Văn Kiện (thôn Xuân Đông, xã Đại Thắng, Đại Lộc):

“Đời sống NCC đỡ hơn khi kinh tế của tỉnh khá hơn!”

Quảng Nam là tỉnh có đông NCC nhất nước, nhưng cũng là tỉnh nghèo từ khi mới tái lập hồi năm 1997. Đời sống khó khăn, ai cũng phải cố gắng làm ăn, kể cả thương bệnh binh như chúng tôi cũng phải vươn lên lo cho cuộc sống của mình. Hồi đó có chế độ trợ cấp hàng tháng, dù không nhiều nhưng chúng tôi không đòi hỏi, được quan tâm là tốt rồi. Hồi chiến tranh, đi trong bom đạn, chết lúc nào không hay, đâu dám nghĩ có ngày còn sống mà được hưởng chế độ của Nhà nước tri ân như bây giờ. Rồi qua bao nhiêu cố gắng, kinh tế của tỉnh khá hơn, đời sống người dân tốt hơn, thì đời sống của NCC cũng được quan tâm hơn, đặc biệt là thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhận được nhiều ưu đãi tốt hơn, được chăm sóc, phụng dưỡng đảm bảo. Ở địa phương của tôi, số lượng NCC đông, nhưng lãnh đạo địa phương luôn dành sự quan tâm đến từng người mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là những dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7. Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ tết thì có quà của các cấp, rồi các đồng chí lãnh đạo, cán bộ đến thăm hỏi, động viên, vậy là vui rồi!

Bệnh binh B’nướch Đí (thôn Pà Roong, xã Cà Dy, Nam Giang):

“Cảm ơn đã quan tâm đến chúng tôi!”

Bây giờ mà nhắc lại, hồi những năm mới tái lập tỉnh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi nói chung và đời sống của thương bệnh binh như chúng tôi đều khó khăn như nhau. Thương bệnh binh thì có đỡ hơn vì được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, đó là nguồn nuôi sống cả gia đình chứ không riêng bản thân chúng tôi. Đến bây giờ, cuộc sống đã khá hơn, chúng tôi cũng được quan tâm nhiều hơn. Riêng bản thân tôi, ngoài tiền trợ cấp tăng lên, còn được hưởng nhiều chế độ khác như được hỗ trợ làm nhà ở, được đi điều dưỡng, được đưa đi tham quan ở nhiều nơi; lễ tết thì lãnh đạo huyện, xã đều có đến thăm, mừng sức khỏe. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của xã hội đã ghi nhớ và bù đắp những hy sinh của NCC, thương bệnh binh trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thương binh Nguyễn Thị Xuân Hồng (thôn Đại Bắc, xã Duy Châu, Duy Xuyên):

“Cuộc sống tôi tốt là nhờ có chế độ chính sách tốt”

Đầu tiên phải khẳng định rằng, nếu không có chế độ nuôi dưỡng NCC neo đơn thì tôi không thể sống được đến bây giờ. Tôi là thương binh nặng, hoàn cảnh khó khăn, lại phải một mình nuôi con, nên cuộc sống có lúc rơi vào tuyệt vọng. Hoàn cảnh của tôi đã được xã, huyện quan tâm nên đưa tôi vào nuôi dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của tỉnh. Nhờ được sống ở trung tâm, được ăn uống đầy đủ, đau ốm có thuốc thang, có người chăm sóc nên sức khỏe tôi tốt hơn. Rồi con gái tôi cũng được cho đi học, được tạo điều kiện làm hộ lý ở trung tâm. Mẹ con vừa được gần nhau, lại vừa được ăn ở đảm bảo, cuộc đời mẹ con tôi như được tái sinh vậy. Bây giờ tôi còn có thể tham gia giúp chăm sóc cho những NCC khác đang được nuôi dưỡng ở trung tâm có sức khỏe yếu hơn. Mình còn khỏe, còn làm được việc gì thì giúp một tay, đến lúc mình làm không được nữa, nằm xuống đó thì lại được chăm sóc chu đáo, tận tình. Thực sự tôi sống được cho đến hôm nay là nhờ có chế độ, chính sách tốt”.

Thương binh Trịnh Quang An (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ):

“Cần quan tâm đến những người chưa được hưởng chế độ”

Hiện nay, có nhiều người đã cống hiến trong các cuộc kháng chiến, họ là những thanh niên xung phong, cống hiến hết tuổi thanh xuân giúp đỡ cách mạng. Lực lượng thanh niên xung phong là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi cách mạng, nhưng đến nay họ vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Rồi còn có những người sống trong vùng bị rải chất độc hóa học, hoạt động trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học nên bây giờ bị di chứng trong thân thể, gây ra bệnh tật. Nhưng vẫn còn đó những người chưa được giải quyết chế độ, nhất là những người bị các bệnh thần kinh ngoại biên, làm hồ sơ bao nhiêu lần vẫn chưa được xác nhận. Mới đây, nghe nói có thêm điều kiện mới là phải có giấy điều trị bệnh trước năm 1975 trong việc giám định nhiễm chất độc hóa học liên quan đến bệnh thần kinh ngoại biên, nên rất nhiều trường hợp xem như không thể giải quyết được. Tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm, xem xét tháo gỡ những quy định quá khó khăn như thế, để những người xứng đáng tri ân sẽ được tri ân, bởi tất cả họ nay đều đã lớn tuổi, già yếu cả, không sống được bao lâu nữa.

LÊ DIỄM (ghi)

LÊ DIỄM (ghi)