Nghĩa tình Thanh - Quảng
Thanh Hóa - Quảng Nam, hai địa phương kết nghĩa đã có những hoạt động chung vô cùng ý nghĩa nhằm tri ân những người có công (NCC) của 2 tỉnh. Nghĩa tình Thanh - Quảng ngày càng khắng khít, bền chặt và nồng ấm.
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam – Thanh Hóa thăm hỏi gia đình cựu chiến binh Lê Văn Hội. Ảnh: D.LỆ |
Gửi máu xương nơi xứ Quảng
Căn nhà cấp 4 của thương binh Lê Văn Hội ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) vừa được sửa sang lại khang trang hơn từ nguồn hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam. Ông Hội là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam trong những năm 1969 - 1972. Từ hôm nhận được thông tin nhà ông được hỗ trợ nhà tình nghĩa từ tấm lòng của nhân dân Quảng Nam, ông Hội khá bất ngờ và rất vui. Ông nói: “Nhận tin được hỗ trợ nhà, tôi vui lắm! Hôm nay khánh thành nhà, còn được lãnh đạo 2 tỉnh đến thăm, tặng quà. Đối với một cựu chiến binh như tôi, đó là niềm vinh dự lớn. Lúc chiến tranh, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, chúng tôi lên đường chiến đấu, nơi đâu trên dải đất này cũng là quê hương cả. Lúc đó còn chưa biết sống chết, chứ đâu dám nghĩ đến bây giờ được đáp đền. Tôi rất cảm ơn tấm lòng của chính quyền, nhân dân Quảng Nam dành cho chúng tôi”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền tặng quà người có công Quảng Nam. |
Đón nhận phần quà tặng của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 70 năm, ngày Thương binh liệt sĩ, ông Hoàng Khắc Vang ở xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nói rằng, đây là phần quà hết sức ý nghĩa đối với bản thân ông cũng như đồng đội. Nhớ lại thời quá khứ, ông Vang cảm thấy mình may mắn, khi vẫn còn được đứng đây để kể về thời chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Năm 1966, ông cùng 500 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn hành quân vào Nam, sát cánh cùng nhau trong các chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc đi, cả đoàn quân, đến khi về chỉ còn hơn 20 người. Ông Vang tâm sự: “Tôi vào Quảng Nam năm 1966, chiến đấu ở khu vực Điện Bàn. Tôi thuộc Tiểu đoàn trinh sát, nhiệm vụ là đi đầu trinh sát cứ điểm. Trong một lần vượt sông Vu Gia đoạn qua xã Điện Tiến, tôi cùng một đồng chí nữa vượt sông xong thấy im ắng, lúc đó 7 giờ tối, ngồi chờ mãi đến 9 giờ mới quay về báo cáo tình hình cho đơn vị. Bọn địch phục kích sẵn, bất ngờ bắn xối xả vào chúng tôi, cả hai đều bị thương nặng. Chúng tôi vẫn cố thoát thân để trở về, được người dân địa phương đưa xuống hầm trú ẩn. Các má, các chị chăm sóc chúng tôi rất tận tình, sau 4 ngày mới về lại đơn vị được”. Sau khi bị thương, ông Vang được đưa ra Bắc chăm sóc, điều trị và từ bấy đến nay chưa có dịp vào lại Quảng Nam. “Chúng tôi bây giờ tuổi cao sức yếu rồi, cũng mong một lần được vào thăm lại chiến trường xưa nhưng chưa thực hiện được. Lãnh đạo tỉnh lại ra thăm chúng tôi thế này thì quý lắm! Với người già, niềm động viên tinh thần còn quý giá gấp trăm vạn lần vật chất, tôi rất cảm ơn sự quan tâm này” - ông Vang nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn tặng quà những chiến sĩ ở Thanh Hóa từng chiến đấu tại Quảng Nam. |
Như lời của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, những chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn (Thanh Hóa) đã gửi một phần máu xương nơi xứ Quảng. Rất nhiều người đã mãi mãi nằm lại trên vùng đất Quảng Nam vì độc lập tự do cho dân tộc. Tri ân những hy sinh, cống hiến của NCC tỉnh Thanh Hóa dành cho Quảng Nam không biết bao nhiêu để gọi là đủ. Quảng Nam tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho NCC tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa là chút tấm lòng thành của cán bộ và nhân dân xứ Quảng.
Tận tình chăm sóc NCC
Tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam với NCC Quảng Nam đang được điều dưỡng tại Thanh Hóa, sau khi biết thông tin chưa từng có đoàn NCC nào của Thanh Hóa vào Quảng Nam điều dưỡng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã trân trọng gửi lời mời đến NCC tỉnh Thanh Hóa vào Quảng Nam để điều dưỡng. Lời mời này được đồng chí chuyển trực tiếp đến Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, mong Thanh Hóa tạo điều kiện để NCC của tỉnh, nhất là những cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng được về thăm lại chiến trường xưa và để cho Quảng Nam có điều kiện bày tỏ lòng tri ân đến NCC Thanh Hóa. Ông Nguyễn Đức Quyền đã nhận lời và sẽ đưa đoàn NCC Thanh Hóa vào Quảng Nam điều dưỡng trong thời gian tới. |
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe NCC tỉnh Thanh Hóa những ngày đầu tháng 7 khá rộn ràng, khi đoàn điều dưỡng 75 người của tỉnh Quảng Nam đến điều dưỡng. Bà Phạm Thị Nõn - Giám đốc trung tâm cho biết: “Quảng Nam - Thanh Hóa như người một nhà nên chăm sóc cho NCC của Quảng Nam là nhiệm vụ quan trọng đối với trung tâm. Ngoài việc thực hiện đầy đủ chế độ dành cho NCC theo quy định, trung tâm còn tổ chức các hoạt động tư vấn sức khỏe cho NCC, giao lưu văn nghệ giữa NCC và cán bộ, nhân viên của trung tâm, đưa NCC đi tham quan các địa danh lịch sử của Thanh Hóa. Sau một tuần điều dưỡng, sức khỏe của NCC rất tốt. Lần này, còn có lãnh đạo 2 tỉnh đến thăm, tặng quà, động viên tinh thần cho các bác”. Theo bà Nõn, từ năm 2012 đến nay, Quảng Nam đã đưa được 3 đoàn NCC ra Thanh Hóa điều dưỡng, nhưng Thanh Hóa vẫn chưa đưa được đoàn nào vào Quảng Nam điều dưỡng vì nhiều lý do khách quan. Trung tâm đã đề xuất và sẽ tiếp tục đề xuất để NCC tỉnh Thanh Hóa, nhất là các cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng được về thăm lại chiến trường xưa.
Sau một tuần được điều dưỡng ở Thanh Hóa, thương binh Lê Văn Sáu, một thương binh nặng ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) nói rằng, sức khỏe, tinh thần ông rất phấn chấn. Ông Sáu cho biết: “Ở đây, chúng tôi được chăm sóc sức khỏe rất chu đáo, còn được đưa đi tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Đây là lần đầu tôi đến Thanh Hóa, cảm nhận được tấm chân tình quý báu của các cô, các anh ở Trung tâm đối với NCC Quảng Nam. Tôi rất cảm ơn Thanh Hóa đã tiếp nhận và chăm sóc cho sức khỏe của chúng tôi”.
Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Xoa ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) dù sức khỏe yếu do bị bệnh tim, vẫn cố gắng đi Thanh Hóa để điều dưỡng. Đây là lần đầu tiên bà Xoa mạnh dạn tham gia điều dưỡng ở ngoài tỉnh, vì sức khỏe không cho phép nên bà không dám đi đâu cả. Theo người nữ anh hùng 15 lần được tuyên dương, những hy sinh trong thời chiến tranh không ai dám nghĩ ngày hôm nay được ghi công hay đền đáp. Nhưng sự quan tâm của 2 tỉnh Quảng Nam và Thanh Hóa đã giúp NCC sống vui hơn. “Tôi ở đây hơn một tuần dù có lúc lên cơn đau tim, người mệt, nhưng được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, ăn uống đảm bảo nên cũng không lo. Hôm nay, lãnh đạo 2 tỉnh còn đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà cho chúng tôi nữa, đó là sự quan tâm rất lớn, rất quý. Sự quan tâm của lãnh đạo hai tỉnh dành cho những cựu chiến binh của một thời hoa lửa, chúng tôi rất cảm động, rất vui” - bà Xoa tâm sự.
LÊ DIỄM