Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Còn lắm khó khăn

AN DÂN 27/07/2017 09:01

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện nay còn khoảng 200 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập vào các nghĩa trang, hơn 300 nghìn liệt sĩ chưa rõ danh tính. Trong đó, Quảng Nam có hơn 65 ngàn liệt sĩ và phần lớn là liệt sĩ chưa xác định rõ họ tên.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hiện nay trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Như số hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm được còn nhiều; hài cốt liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được họ tên, quê quán vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều trường hợp, gia đình liệt sĩ kỳ công trong việc tìm kiếm thông tin người thân. Trong giấy báo tử gửi về gia đình, ghi rõ ngày tháng, năm hy sinh, nơi hy sinh và nơi an táng nhưng việc tìm phiên hiệu đơn vị, tìm đồng đội cũ, thông tin qua truyền hình… nhưng cuối cùng vẫn phải chờ đợi trong vô vọng. Thượng tá Huỳnh Ngọc Hải - Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự (CHQS) Thăng Bình, cho biết, trong 10 năm anh tham gia công tác quy tập, tìm kiếm, xác định thông tin liệt sĩ và gặp vô vàn khó khăn. Có nhiều nguyên nhân. Do chiến tranh đã lùi xa quá lâu, giấy báo tử thông tin không đầy đủ, vị trí chôn cất… dẫn đến trong quá trình tìm kiếm nơi chôn cất liệt sĩ nhưng không xác định được. Do địa hình thay đổi bởi sự biến thiên của địa chất, mưa lũ nên địa hình không còn nguyên trạng… Ví dụ liệt sĩ Nguyễn Văn A, thuộc đơn vị K5, hy sinh tại mặt trận phía Nam, mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận do giữ bí mật nên ghi ký hiệu N5, B4, A2… nên không biết đâu mà lần!

Thêm nữa, cái khó hiện nay là thân nhân liệt sĩ quá tin vào nhà ngoại cảm. Khi nhà ngoại cảm chỉ nhúm đất đen, bảo đó là hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ khăng khăng đó là hài cốt của thân nhân, đề nghị đưa vào nghĩa trang. Nhưng nguyên tắc của những người làm công tác chính sách, đặc biệt là người trực tiếp cất bốc phải xác định đó là hài cốt thì phải là những vật chứng như dây dù, giày dép hoặc quần áo... Và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cần phải có sự vào cuộc của các đoàn thể và nhân dân cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm, đặc biệt là lực lượng cựu chiến binh. Bởi họ đã kinh qua chiến đấu, biết về những trường hợp hy sinh, thời gian, phiên hiệu đơn vị, nơi mai táng trong chiến tranh… Cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga ở thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, người hơn 7 năm đi tìm mộ liệt sĩ, thấy khó khăn nhất là hồ sơ liệt sĩ ở các địa phương chưa cập nhật đầy đủ hệ thống trên máy tính. Ông cũng đề nghị, với những trường hợp có sai sót, nhầm lẫn các chi tiết trong hồ sơ quản lý như họ tên, tên đệm, quê quán... đề nghị các đơn vị làm chế độ chính sách và các địa phương cần liên hệ với thân nhân liệt sĩ để xác minh, bổ sung đầy đủ, chính xác, trước khi đưa vào hệ thống quản lý.

Thiếu tá Huỳnh Đức Thọ - Trưởng ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh) cho biết, hiện việc thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15.5.2013 “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, luôn chủ động kết nối xử lý và khai thác các nguồn thông tin; kiện toàn hồ sơ, sơ đồ mộ chí; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin quản lý khoa học về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Xây dựng phương án, cách làm để thu thập thông tin hài cốt liệt sĩ một cách chính xác và hiệu quả.

AN DÂN

AN DÂN