Mưa lũ đe dọa châu Á

NAM VIỆT 26/07/2017 16:17

(QNO) - Mưa lũ ngày càng nhiều tại châu Á đang đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm triệu người tại khu vực.

Một ngôi chùa vàng ở miền trung Myanmar bị cuốn trôi
Một ngôi chùa vàng ở miền Trung Myanmar bị cuốn trôi.

Những ngày qua, hình ảnh một ngôi chùa Phật giáo ở miền Trung của Myanmar bị lũ cuốn trôi xảy ra mới đây, khiến nhiều người kinh ngạc. Ngôi chùa dát vàng Thiri Yadana Pyilone Chantha được xây dựng cách đây 8 năm bên bờ sông Ayeyarwady thuộc thành phố Magway. Những người dân địa phương cho biết ngôi chùa này lúc đầu nhìn rất xa bờ sông, nhưng việc xói mòn đất do lũ lụt từ nhiều năm qua tại con sông khiến ngôi chùa dần mấp mé bên bờ sông và nay đã bị nhấn chìm, cuốn trôi. Mùa mưa ở Magway thường kéo dài từ tháng 5-10 hằng năm nhưng trận lụt năm nay kéo theo hiện tượng xói lở đáng báo động, khiến hơn 90.000 người ở miền Trung và miền Nam Myanmar buộc phải di dời tránh lũ trong tháng 7 này.

Hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người tại khu vực. Nam Á là khu vực ẩm thấp nhất trên lục địa và là một trong những khu vực ẩm thấp nhất thế giới, với lượng mưa trung bình ít nhất là 1.000mm mỗi năm. Hiện tượng đô thị hóa ồ ạt nhưng vấn đề quy hoạch không hợp lý, như quy hoạch thoát nước kém và quy hoạch thiển cận càng làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng tại khu vực. Nghiêm trọng nhất phải kể đến 3 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu sự kiện khẩn cấp của Trường Đại học Universit Catholique de Louvain có trụ sở tại Bỉ, từ năm 1950, hơn 2,2 triệu người ở 3 nước này chết do lũ lụt. Không chỉ tổn thất về người rất lớn, châu Á phải chịu những tổn thất kinh tế từ thiên tai, với 1/4 tổn thất kinh tế toàn cầu. Trận mưa lớn và lũ lụt xảy ra hôm đầu tháng 7 này tại miền Trung Trung Quốc khiến 90 người thiệt mạng và mất tích. Những người dân địa phương đăng tải tâm trạng chứng kiến mưa lũ, trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc: “Con đường bị cô lập, điện bị cúp, nước bị ô nhiễm, tín hiệu điện thoại không có, người lớn và trẻ em đang chờ đợi thức ăn”. Một người khác thì viết: “Một đống đổ nát, rác rưởi, bùn lầy, trông như một thành phố chết”.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhiều thành phố châu Á nhất là các siêu đô thị lại được xây dựng tại các vùng đồng bằng sông ngòi lớn, nơi có thể nối các thành phố với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khi những cơn mưa kéo dài, mực nước các con sông này dâng lên đáng kể, gây lũ lụt ở các thành phố và thị trấn lân cận. Ông Abhas Jha, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nói, nhiều nhà quy hoạch đô thị ngày nay “yêu chuộng” bê tông, cốt thép hay đầu tư cho những công trình, hạ tầng hoành tráng mà quên đi việc cân bằng về vấn đề lũ lụt tại đô đi, khi mưa trút xuống thì nước ứ đọng, không biết chảy về đâu. Trong 5 năm qua, những thành phố lớn của khu vực như Mumbai (Ấn Độ), Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Phnom Penh (Campuchia) chứng kiến ít nhất một trận lụt kinh hoàng, gây thiệt hại lớn về người và của. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, tình hình đang xấu đi. Biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ nóng hơn, mực nước biển dâng cao hơn và mưa nhiều hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó việc đầu tư hệ thống cảnh báo sớm là vô cùng quan trọng, cứ 1 USD đầu tư vào hệ thống này sẽ cứu được từ 4-8 USD chi phí thiệt hại sau. 

NAM VIỆT

NAM VIỆT