Những "điểm tựa" của người có công

26/07/2017 09:37

Để xoa dịu phần nào nỗi đau, chia sẻ mất mát hy sinh, tri ân người có công,… các ngành, địa phương ở thị xã Điện Bàn luôn chăm lo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)

HỖ TRỢ AN CƯ

Thực hiện chủ trương hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua thị xã Điện Bàn đẩy mạnh hoàn thành chi trả khoản hỗ trợ cho người có công. Sau khi Đề án 3363 của UBND tỉnh về hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công (theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ) khởi động trở lại từ cuối năm 2016, thị xã Điện Bàn đã nỗ lực thực hiện và đến nay cơ bản hoàn thành khâu hỗ trợ đối với trường hợp triển khai xây dựng, trừ một vài trường hợp bất khả kháng do nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Xuân Hà cho hay, từ cuối năm 2016 đến nay, UBND thị xã đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Đồng thời chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH thị xã tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Sau khi tiến hành rà soát, số lượng người có công đăng ký cam kết làm nhà là 1.853 nhà (trong đó xây mới 94 nhà và sửa chữa 1.759 nhà). Trên cơ sở đó, UBND thị xã Điện Bàn đã cấp kinh phí bổ sung, tạm ứng 27,258 tỷ đồng triển khai thực hiện.

Bằng nguồn xã hội hóa, nhà bà Đào Thị Phó (xã Điện Phước) được hỗ trợ xây mới. Ảnh: CÔNG TÚ
Bằng nguồn xã hội hóa, nhà bà Đào Thị Phó (xã Điện Phước) được hỗ trợ xây mới. Ảnh: CÔNG TÚ

Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn, trong số hộ người có công đăng ký cải thiện nhà ở được phê duyệt, đã có 1.833 nhà triển khai xây dựng và được hỗ trợ 70% nguồn kinh phí trong năm 2017 (95 nhà xây mới - có 1 trường hợp chuyển từ hỗ trợ sửa chữa sang xây mới - và 1.738 nhà sửa chữa). Tính đến đầu tháng 7.2017, toàn thị xã có 1.802 nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Trần Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài 24 nhà đang xây dựng, trên địa bàn hiện còn 7 trường hợp chưa thực hiện được do có phần đất nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa. Đơn vị đã tham mưu UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh cho các hộ trên vẫn nằm trong diện hỗ trợ, bởi đó là nguyện vọng chính đáng của người có công.

Bên cạnh chính sách của Nhà nước, thời gian qua Điện Bàn đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với hàng trăm trường hợp được hỗ trợ. Trong đó, riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có 35 người có công được các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng mức đầu tư khoảng 1,75 tỷ đồng. (QUỐC TUẤN)

VÙNG CÁT “ĐỀN ƠN”

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Điện Nam (nay là các phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông) là chiến trường ác liệt. Ra khỏi chiến tranh, toàn vùng Điện Nam có hơn 1.800 gia đình có người thân tham gia kháng chiến, với hơn 1.800 liệt sĩ; 430 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 28 mẹ còn sống. Dù số lượng người có công lớn, nhưng chế độ chính sách hàng tháng luôn được các phường giải quyết kịp thời, không để xảy ra sai sót; tổ chức thăm hỏi chu đáo người có công neo đơn, già yếu, Bà mẹ Việt Nam anh hùng các dịp lễ tết. Ngoài ra, phát động và thực hiện hiệu quả phong trào áo lụa tặng bà, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức bữa cơm tri ân nhân dịp ngày 27.7, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa…

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Điện Nam Trung) viếng hương nghĩa trang liệt sĩ.  Ảnh: THU HẰNG
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Điện Nam Trung) viếng hương nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: THU HẰNG

Tại phường Điện Nam Trung, vào những dịp cuối tuần, căn nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mại (có chồng và con là liệt sĩ) rộn rã tiếng nói cười. Khách của mẹ là học sinh, đoàn viên thanh niên đến dọn dẹp nhà cửa, khi thì chăm sóc lúc ốm đau. Mẹ Mại nói: “Mẹ chưa bao giờ có cảm giác đơn độc, vì ở bên đã có những đứa cháu hiếu thảo (học sinh, đoàn viên thanh niên địa phương - NV) luôn thăm hỏi, chăm nom. Tụi nó đến quây quần bên mẹ, nói chuyện cùng mẹ, xua đi nỗi đơn độc của tuổi già”. Chị Lê Thị Kiều Trinh - Bí thư Đoàn phường Điện Nam Trung chia sẻ, qua những việc làm cụ thể, giúp học sinh, đoàn viên thanh niên được nghe, chia sẻ và hiểu rõ hơn sự mất mát của các mẹ, của gia đình người có công. Qua đó tác động đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của các bạn đối với thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Còn ông Đàm Quang Trung - Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc cho biết, địa phương luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đến nay, trên địa bàn phường không còn trường hợp gia đình người có công ở nhà tạm bợ; cả 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, UBND phường tổ chức gặp mặt, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh…

Điện Nam hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Trên vùng đất bị bom đạn cày xới năm xưa nay rộn ràng nhịp sống mới sôi động. Trên hành trình phát triển đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vẫn sẽ tiếp tục có những việc làm thiết thực nhằm tri ân những người đã ngã xuống, xoa dịu nỗi đau của gia đình chính sách, người có công để thực hiện trọn vẹn đạo lý Uống nước nhớ nguồn. (CÔNG TÚ - THU HẰNG)