Tri ân bằng hành động

CÔNG TÚ (thực hiện) 26/07/2017 09:24

Hôm nay 26.7, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) với nhiều hoạt động ý nghĩa. Dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương trong những năm qua, Bí thư Thị ủy Điện Bàn - ông Lê Thân cho biết:

Trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền thị xã luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những phần việc, hành động cụ thể, mang ý nghĩa thiết thực. Chính điều này đã góp phần động viên thương bệnh binh, gia đình người có công vươn lên trong cuộc sống, nâng cao mức sống cùng quá trình phát triển của thị xã.

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)
Tuổi trẻ thị xã Điện Bàn tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: CÔNG TÚ
Tuổi trẻ thị xã Điện Bàn tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: CÔNG TÚ

PV: Ông có thể nói rõ hơn kết quả đạt được của địa phương trong các chương trình, hành động của mình?

Ông Lê Thân: Mỗi chương trình, hành động chúng tôi triển khai đều hướng đến mục tiêu: thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Nhờ đó kết quả đạt được rất nhiều, có thể điểm một vài nét lớn: Trong 5 năm 2012-2017, từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa, Điện Bàn đã đầu tư nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đến nay, thị xã đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ 12.547 mộ liệt sĩ là người con quê hương và các tỉnh thành trong cả nước hy sinh trên mảnh đất Điện Bàn. Bên cạnh đó, còn có hơn 5.000 mộ liệt sĩ do gia đình quản lý tại các nghĩa trang gia tộc.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, Điện Bàn có 18.920 liệt sĩ; 7.240 thương bệnh binh; 8.928 người có công cách mạng... Toàn thị xã có 2.991 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó 161 mẹ còn sống); 61 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thực hiện chương trình “hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công” theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013 đến nay Điện Bàn đã hỗ trợ xây dựng 3.412 nhà (xây mới 380 nhà, sửa chữa 3.032 nhà) với tổng kinh phí hỗ trợ gần 76 tỷ đồng. Trong công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả mẹ còn sống đều được phụng dưỡng với mức bình quân hàng tháng 1 triệu đồng/mẹ; được quan tâm chăm sóc chu đáo lúc ốm đau bệnh tật. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ việc làm, vay vốn tín dụng và nhiều chính sách ưu đãi khác đối với người có công và gia đình được triển khai ngày càng hiệu quả; tập trung cho công tác tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, rà soát giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa được Điện Bàn thực hiện khá hiệu quả, trở thành phong trào nhân văn sâu rộng, tác động tích cực đến tâm tư tình cảm của người có công. Riêng phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, đến nay Điện Bàn vận động được hơn 600 sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Điện Bàn xây dựng, đưa vào khánh thành nhà bia, tháp chuông và đại hồng chung tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã…

PV: Trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn, thiếu sót nhất định, thưa ông?

Ông Lê Thân: Những phong trào, hoạt động có ý nghĩa và thiết thực mà tôi vừa nêu chính là tấm lòng biết ơn sâu sắc của những người con Điện Bàn hôm nay đối với lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Tất nhiên, công tác này không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Đến nay vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, chưa được quy tập; nhiều liệt sĩ chưa xác định được danh tính; có trường hợp xác định được danh tính nhưng lại không tìm được thân nhân.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công còn những vướng mắc vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, người có công hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên số tiền hỗ trợ không đủ để xây mới hoặc sửa chữa; đau ốm hoặc nằm trong vùng giải tỏa trắng. Những sai sót, tiêu cực trong thực hiện chi trả chế độ chính sách còn xảy ra ở một vài địa phương đã gây không ít phiền hà cho người được hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

PV: Thưa ông, định hướng của Thị ủy Điện Bàn trong thời gian tới như thế nào để công tác thương binh liệt sĩ, người có công được tiếp tục thực hiện tốt?

Ông Lê Thân: Trước hết, Thị ủy Điện Bàn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách đối với người có công. Làm cho toàn xã hội nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách và tổ chức thực hiện, tham gia hưởng ứng một cách có hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có công, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện. Thị xã phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành việc xóa nhà tạm cho người có công. Tiếp tục đầu tư sửa chữa, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Thị ủy Điện Bàn quán triệt đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng cách vận động cán bộ công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Vận động các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài thị xã nhận đỡ đầu gia đình chính sách già yếu, neo đơn. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Tạo điều kiện thuận lợi để người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

CÔNG TÚ (thực hiện)

CÔNG TÚ (thực hiện)