Nhọc nhằn đời nữ phu gạch
Trên nền đất đỏ của lò nung gạch, những phụ nữ quên phận chân yếu tay mềm, khoác trên mình tấm áo đã sờn của đời phu gạch. Họ là người cùng chung xóm, hoặc là chị em ruột rà, tập trung lại; họ đều gắn bó với nhiều bãi gạch ở khối phố Tứ Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) ngót nghét hơn 20 năm…
Hơn 20 năm qua, chị Võ Thị Tiện (bên trái) và em dâu là Nguyễn Thị Lan (bên phải) theo nghề làm “phu gạch” có tiếng ở Tứ Hà, Điện Ngọc. |
1. Phận nữ gồng mình bốc gạch lên, rồi nhặt gạch xuống, cứ thế thả đời mình theo những chuyến xe chở gạch, các chị gọi đó là cái duyên. Nhờ thế, sau chuỗi thời gian oằn mình vác gạch, họ lại nhìn lò đốt gạch nhả khói trắng lên trời cao, nghe cái mùi đặc trưng phả ra từ lò nung, họ lại nhớ về nghề để yêu và gắn bó với gạch hết ngày này sang tháng khác. Công việc phu gạch của các chị chẳng bao giờ cố định rõ ràng mốc thời gian nào, họ bảo nhau cứ hễ chủ thầu gọi khi nào thì đi khi nấy. Mới ngồi cùng chúng tôi kể vài ba câu chuyện nghề, mấy nữ phu lại chia nhau nhận gạch rồi đi ngay, bất kể cái nắng chang chang đến rát da thịt đúng khoảng giờ người ta ngồi sum vầy bên bữa cơm trưa. Rồi từ gian bếp lò gạch cũ nhuốm đầy đất sét, cụ Bùi Thị Hồng (SN 1947, người làng Phong Ngũ Tây, Điện Thắng Nam) vội nói với ra phía cửa bếp: “Hết mấy vạn gạch thì về đây tập trung dọn cơm ăn nghe bay!”. Quay sang phía tôi, cụ Hồng tặc lưỡi than rằng tiếng động cơ xe ầm ầm, biết mấy nữ phu có nghe rõ lời mời của cụ hay không?
Thì ra, bữa cơm là do cụ Hồng chắt chiu dành dụm sau khi chuẩn bị xong phần cho công nhân lò gạch. Là vì thương phận đời nữ phu nhọc nhằn, lam lũ và khoảng thời gian đằng đẵng hai mươi năm gắn bó cùng nhau tại bãi gạch nên cụ Hồng xem họ như con cái của mình, giúp đỡ họ phần cơm trưa hay chén nước trà ấm bụng mà tiếp tục theo xe bốc - nhặt gạch. Thời son trẻ, từng là thợ làm gạch thủ công, cũng từng trải đời phu gạch, cụ Hồng hiểu rõ cái nghề khó nhọc, chuyên dùng đôi tay gầy bấu víu từng viên gạch đỏ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được đồng tiền lo cho mấy đứa con đủ đầy miếng cơm, manh áo. Hẳn vì từ lúc sinh ra đã gắn bó với nghề gạch cùng đời cha, đời mẹ, nên cụ Hồng chẳng nỡ đành đoạn bỏ theo nghề khác. Tuổi già, cụ xin chủ lò cho nấu cơm phục vụ công nhân trong gian bếp, chiều chiều ra phía sau lò nung nghe mùi gạch “chín” và ca vài điệu hò cùng đám thợ. Thi thoảng, lò nhập công nghệ sản xuất gạch kiểu mới về, cụ Hồng lại ra xem chất lượng gạch có bằng gạch kiểu mẫu mà cụ làm thủ công khi xưa. Rồi cụ lại nhớ về ký ức gắn bó với gạch hợp tác xã, nhắc nhớ “mấy đứa con phu gạch” còn nhớ, hay đã quên?
2.Những phụ nữ khoác trên mình tấm áo “phu gạch” mà cụ Hồng xem như con từ mối duyên lò gạch, mỗi người là một câu chuyện về phận đời éo le. Cuộc sống dù nghiệt ngã bao nhiêu, họ vẫn theo từng chuyến gạch để kiếm tiền xây đắp tương lai cho đàn con thơ. Với tấm áo cũ sờn hàng ngày khoác lên mình, các nữ “phu gạch” ra vào bãi gạch, đôi tay thoăn thoắt bốc gạch lên rồi theo từng chuyến xe ra TP.Đà Nẵng bốc gạch xuống. Có lần, chúng tôi theo những nữ phu ấy trên chuyến xe chở gạch ra tận Nam Ô (TP.Đà Nẵng), đồng hồ điểm đúng 3 giờ sáng, trong ánh đèn nhập nhoạng họ thay nhau nhặt gạch xuống đều tay. Họ chuyền cho nhau cả chục viên gạch nặng trĩu theo từng nhịp thở thốc và mồ hôi đầm đìa đủ cho chúng tôi cảm nhận được bao vất vả, gian lao. Trời vừa hửng sáng, cả vạn gạch đã chất xong, chiếc xe tải lầm lũi quay đầu, các chị lại vội leo lên xe rồi tựa lưng, thả người vào bửng xe nghỉ ngơi lấy sức. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi lại có dịp nghe chị Nguyễn Thị Xuân khoe thành tích học tập giỏi của ba đứa con, trong đó có đứa vừa đỗ vào đại học. Niềm hân hoan dấy lên trong lòng được vài giây, chị lại nghĩ về phận mình, giọng chùng xuống: “Chẳng biết kiếp trước làm nghề gì nặng nợ với mấy viên gạch, mà kiếp này theo nghề phu gạch nhọc nhằn quá. Nhiều ngày xếp gạch đến phồng rộp đôi tay, chuyện đứt tay, đứt chân hay khi tháo bửng nếu sơ ý, cả bửng lẫn gạch đè lên người trở thành chuyện bình thường”.
Lem luốc trong bộ quần áo bạc phếch, chị Lê Thị Cơ là người có thâm niên 15 năm theo nghề phu gạch cho biết, hồi mới giải phóng là lúc các chị mới dấn thân vào nghề. Ngày đó, tiền công phu gạch có giá 5.000 đồng/1.000 viên gạch, rồi theo thời gian lên 7.000, 10.000… đến nay là 40.000 đồng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì tính ra tiền công bốc nhặt một viên gạch từ trên xe xuống chất ngay ngắn ở trước công trình chỉ vỏn vẹn 4 đồng bạc. Mỗi ngày, các chị cố gắng lắm bốc được mỗi người chừng 3 - 5 ngàn viên gạch, tính ra tiền thù lao chỉ 200 ngàn đồng là nhiều. Chị Cơ cười buồn: “Biết là đồng tiền kiếm được bèo bọt lắm nhưng tôi vẫn làm. Bởi nghề gạch đã nuôi sống tôi, rồi con cái của tôi có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn cũng nhờ vào gạch. Mà hình như, chỉ có khi bốc gạch, đôi tay tôi mới nhanh lên được, làm việc khác không quen, tay nó đơ cứng thế nào ấy!”. Nói rồi chị thiếp đi trong miên man, giữa cái chật chội, bụi bặm của gạch đỏ ngập ngụa trên xe. Nhìn các chị tranh thủ ngủ trong thời gian xe chạy về, nhìn những đôi tay chai sần mệt mỏi đến rệu rã, tôi lại nghĩ về phận gạch, đời phu gạch…
3.”Phận gạch” từ lúc bắt đầu đến khi ra lò phải qua các công đoạn trộn đất, lên khuôn, phơi nắng rồi cho vào lò nung. Đời người phu gạch đâu chỉ quẩn quanh công việc tạo nên phận gạch như hồi các chị làm chung lò gạch hợp tác xã. Ấy còn là lúc các chị mới vào nghề, theo bưng bê, bốc nhặt gạch lên xuống theo công trình xây đắp tương lai. Sống với gạch, cầm viên gạch lên ngửi mùi gạch, hay gõ nhẹ ngón tay vào viên gạch, họ đoán biết được chất lượng gạch tốt xấu ra sao. Chị Võ Thị Tiện theo nghề hơn 20 năm, chồng mất sớm, một mình chị dãi nắng dầm sương bôn ba làm phu gạch lo cho các con ăn học. Đâu chỉ thế, chị còn nhận thêm phần thổi hồn gạch, gieo duyên nghề đến người em dâu là Nguyễn Thị Lan, những mong cuộc sống của em mình bớt túng thiếu. Từ đó, hai chị em kẻ ngồi trước, người ngồi sau đi theo xe bốc gạch chẳng kể ngày đêm. Thậm chí, có khi đang đứng trên xe bốc gạch chuyền xuống cho em, chị Tiện chóng mặt đến ngất xỉu, ngã té nhào từ xe xuống đất gãy chân, trầy trụa hết mặt mày. Nhưng rồi, sau vài tháng “dưỡng thương”, chị lại tiếp tục làm nghề phu gạch.
Ai đi qua tuyến đường từ Điện Ngọc ra TP.Đà Nẵng, hẳn chẳng xa lạ gì với hình ảnh những người phụ nữ trung niên làm phu gạch, đầu đội khăn, tay cầm mũ bảo hiểm đứng vẫy xin “quá giang” một đoạn đường để đến chỗ xe bốc gạch, hoặc từ điểm bốc gạch trở về nhà. Đoạn đường ấy, đâu phải dễ xin ai cho “quá giang”, bởi đời bây giờ đếm sao cho hết cạm bẫy lừa lọc, người đi đường sợ mà tránh cũng là lẽ thường tình. Biết bao lần, tôi kịp nhận ra họ - những phu gạch, vội dừng xe chở họ. Và tôi nghe các chị kể biết bao chuyện nghề. Mùi mồ hôi nhễ nhại ướt nhèm khăn đội đầu hay chiếc mũ. Hơi thở thều thào sau một đợt bốc - nhặt cả ngàn viên… Tất cả nhọc nhằn, lam lũ đời phu gạch các chị, tôi rõ mồn một. Và trong đầu tôi lại dấy lên niềm thương cảm, khâm phục những người phụ nữ giàu nghị lực biết chịu thương, chịu khó mưu sinh với từng gánh gạch xây đắp tương lai cho đàn con!
Ghi chép của NHƯ TRANG