Khủng hoảng vùng Vịnh có dấu hiệu hạ nhiệt
Nhiều tín hiệu tích cực liên tục được phát đi trong những ngày gần đây đang làm dịu đi sức nóng của cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh.
Bà Federica Mogherini (trái) trong cuộc gặp với Quốc vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah của Kuwait. Ảnh: AP |
Trong cuộc gặp với Quốc vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah của Kuwait vào cuối tuần qua, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini kêu gọi các quốc gia khối Ả rập và Qatar tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp để giải quyết khủng hoảng ngoại giao tại khu vực. EU sẵn sàng ủng hộ tiến trình đàm phán và hỗ trợ việc thực thi kế hoạch nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng, đặc biệt trong vấn đề chống khủng bố. Ngoài ra, bà Mogherini cho biết sẽ ủng hộ nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait đối với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Trước đó, Quatar cũng mong muốn Kuwait đứng ra làm trung gian hòa giải để xoa dịu cuộc khủng hoảng này.
Trong bài phát biểu lần đầu tiên trên truyền hình ngày 21.7 kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao khu vực hơn một tháng qua, Quốc vương Qatar Al-Thani cho biết, Doha sẵn sàng đối thoại để giải quyết căng thẳng ngoại giao với 4 nước Ả Rập. Tuy nhiên, Quốc vương Qatar nhấn mạnh mọi thỏa thuận phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, nguyện vọng từng quốc gia và có tính ràng buộc với tất cả các bên. Ông Al-Thani tuyên bố đã đến lúc đưa người dân thoát khỏi bất đồng về chính trị giữa các chính phủ. Để hiện thực hóa mong muốn của mình, ngày 20.7 vừa qua, Qatar tuyên bố chính thức sửa đổi luật chống khủng bố năm 2014 của Qatar. Bao gồm: các nguyên tắc xác định chủ nghĩa khủng bố, hành động khủng bố, phong tỏa việc tài trợ và cung cấp tài chính cho khủng bố. Bên cạnh đó, luật chống khủng bố sửa đổi cũng đề ra 2 danh sách khủng bố nhà nước và đặt ra các quy định về việc liệt cá nhân và tổ chức vào mỗi danh sách này. Động thái mới của Qatar được các quốc gia khối Ả rập và nhiều nước khác hoan nghênh.
Tương tự, một bước tiến được cho là nhường bước rõ rệt và hết sức bất ngờ, 4 nước khối Ả rập vốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đã giảm số lượng yêu sách từ 13 xuống còn 6 yêu cầu Qatar phải thực hiện. Cụ thể: chống khủng bố cực đoan, cắt tài trợ cho các tổ chức khủng bố, không tạo nơi trú ngụ an toàn cho các tổ chức này, chấm dứt kích động thù ghét, bạo lực và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Trước đó vào ngày 5.6, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrain tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ gây bất ổn trong khu vực. Qatar từng nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này. Sau đó, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền đông Libya, rồi Maldives, Mauritania - thành viên Liên đoàn Ả rập cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Đến nay, các nước vùng Vịnh đã phong tỏa toàn bộ đường biển, đường hàng không, đường bộ với Qatar trong hơn một tháng qua. Cuộc khủng hoảng được cho sẽ gây thiệt hại kinh tế tất cả các bên hàng tỷ USD do làm chậm thương mại và các khoản đầu tư… Ngược lại, Qatar lên án Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất tấn công mạng hãng thông tấn quốc gia của Qatar, châm ngòi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tồi tệ nhất nhiều năm qua.
QUỐC HƯNG