Chuyện ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn
Trong những ngày tháng 7, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thị xã Điện Bàn - nơi yên nghỉ của hơn 5.200 liệt sĩ và người có công, ghi lại nhiều câu chuyện về lòng người và tình người.
Khuôn viên NTLS thị xã Điện Bàn. Ảnh: CÔNG TÚ |
1. Ông Hà Phước Hiền - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cho biết, NTLS Điện Bàn khánh thành tháng 10.1994, nhưng từ năm 1983 các xã đã quy tập mộ vào đây. Nghĩa trang được tôn tạo, nâng cấp vào các năm 2001 và 2011. Để giúp chúng tôi nắm rõ hơn câu chuyện về nghĩa trang này, ông Hiền giới thiệu cho chúng tôi gặp quản trang Phan Văn Hóa. Ông Hóa nguyên là cán bộ trinh sát an ninh Điện Bàn, làm quản trang NTLS Điện Bàn từ năm 2004. Sinh ra ở vùng cát Điện Ngọc, cư trú tại Điện Thắng Bắc, ông Hóa cho biết: “Để được như ngày hôm nay, NTLS Điện Bàn phải trải qua quá trình dài được vun đắp, tô bồi nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, đặc biệt là tấm lòng của người dân làng Viêm Tây xưa, nay là thôn Viêm Tây 1, xã Điện Thắng Bắc” - ông Hóa nói.
2. Lần theo hồi ức của mình, ông Hóa kể, sau năm 1975, lãnh đạo Điện Bàn quyết tâm quy hoạch lập một nghĩa trang quy mô làm nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn người con quê hương đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Địa điểm được chọn là nghĩa địa của các gia tộc làng Viêm Tây, vì vừa thuận lợi về giao thông, lại là vùng đất cao ráo. Địa phương lập tức vận động và nhân dân đồng tình di dời mồ mả người thân xuống chôn cất tại các xã vùng cát đông Điện Bàn mà không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ. Sau khi giải phóng mặt bằng, năm 1978 Điện Bàn khởi công xây NTLS huyện. Từ năm 1981, mộ liệt sĩ bắt đầu được quy tập dần vào đây; đến năm 1983 các địa phương trên địa bàn tập trung cất bốc mộ liệt sĩ vào nghĩa trang. Tuy nhiên, do số lượng mộ liệt sĩ quá đông, Điện Bàn thành lập thêm 8 NTLS tại các địa phương trên địa bàn.
Ông Hà Phước Hiền - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cho biết, từ nguồn xã hội hóa, địa phương xây dựng nhà bia, tháp chuông và sẽ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27.7. Trong đó, đại hồng chung nặng khoảng 2 tấn (treo tại tháp chuông) đã được Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương) đúc thành công. Ngoài ra, trong đợt này 8 NTLS và 10 nhà bia tưởng niệm cấp xã đều được thị xã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp. |
Ông Hóa cho biết, thời gian đầu, các mộ chỉ đắp bằng đất, dễ bị bào mòn, xói lở, do đó năm 2002 Điện Bàn quyết định đầu tư nâng cấp toàn bộ. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, NTLS tuy được nâng cấp song hệ thống cây xanh hầu như chưa có gì; tường rào xây tạm bợ và chủ yếu rào chắn mặt trước. Sau đó, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam hỗ trợ 6,2 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục chính như: 2 nhà bia tưởng niệm, cải tạo các phần mộ liệt sĩ, nâng cấp khuôn viên nghĩa trang, xây dựng tường bao quanh nghĩa trang và một số hạng mục khác. Công trình tôn tạo, nâng cấp NTLS Điện Bàn hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) năm 2011. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau cũng có sự đóng góp thiết thực để NTLS thêm xanh - sạch - đẹp và trang nghiêm”.
3. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, bất ngờ có một người vào tìm gặp ông Hóa và tự giới thiệu: “Tôi là Lê Tưởng, em ruột của liệt sĩ Lê Lưỡng ở thôn Văn Ly, xã Điện Hồng. Mộ của anh tôi được quy tập vào đây từ năm 1985. Gia đình tôi đi kinh tế mới ở Đắk Lắk từ năm 1989. Nay cha đã qua đời, tôi muốn đến mộ anh mình thắp nén nhang để báo tin. Xin nhờ anh chỉ giúp”. Nghe xong, quản trang Phan Văn Hóa lập tức đứng dậy lấy trong tủ lưu trữ thẻ quản lý mộ chí, rồi dẫn ông Lê Tưởng đi một mạch đến đúng mộ liệt sĩ Lê Lưỡng.
Không chỉ nắm rõ vị trí mộ của từng liệt sĩ ở nơi mình đang làm quản trang, ông Hóa còn cho biết, thời gian trước đã đến các NTLS trên địa bàn thị xã ghi chép đầy đủ tên tuổi, quê quán từng liệt sĩ. Cho nên, ai đến đây tìm mộ liệt sĩ, nếu không có, ông có thể trích xuất tìm tại các nghĩa trang khác ở Điện Bàn mà không cần phải đi đến nơi. Khi tìm được, ông đều tận tình chỉ dẫn cho thân nhân liệt sĩ nơi cần đến. Như năm 2013, một người quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào NTLS Điện Bàn tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Láng, bộ đội thuộc đơn vị D3, hy sinh tại Gò Nổi. Sau khi kiểm tra, biết mộ liệt sĩ không có tại nghĩa trang, ông Hóa lần theo danh sách liệt sĩ ở các nghĩa trang cấp xã mà mình đã ghi chép và xác định mộ liệt sĩ Láng đang nằm tại NTLS xã Điện Trung. Ông Hóa hướng dẫn thân nhân liệt sĩ về địa phương tìm đúng mộ, làm các thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Sau đó, gia đình liệt sĩ Láng có viết thư vào cảm ơn ông Hóa.
4. NTLS thị xã Điện Bàn cũng là nơi yên nghỉ của nhiều người anh hùng hình mẫu về lý tưởng tuổi trẻ, về sự bất khuất, truyền thống vùng đất cách mạng, điển hình như Trần Thị Lý, Võ Như Hưng… Mộ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ cũng được an táng ở vị trí trang trọng tại đây. Ngoài ra, nằm bên phải NTLS là Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Các cá nhân, tổ chức mỗi lần vào viếng hương NTLS hầu hết đều thăm Nhà lưu niệm anh Trỗi. Đối với thế hệ trẻ nói riêng, được lớn lên trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim, nghe những câu chuyện kể. Tại nghĩa trang này, nhiều chương trình cấp quốc gia kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ từng diễn ra. Riêng với tuổi trẻ thị xã, mỗi năm đến ngày 27.7 đều đặn tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân”.
Trở lại câu chuyện của quản trang Phan Văn Hóa, ông cho biết bản thân thấy rất có ý nghĩa trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc đồng chí, đồng đội đã nằm xuống để đất nước nở hoa độc lập. Một lý do nữa ông tâm nguyện gắn bó với công việc quản trang, rằng để lòng mình lắng đọng về một thời đã xa. Đó là thời điểm năm 1965, người thanh niên ở thôn 1, Điện Ngọc đã hưởng ứng tòng quân cùng các bạn trẻ trong xã. Trong số 32 người ở thôn 1 ra chiến trường năm ấy, sau chiến tranh chỉ có 2 người sống sót trở về. Và nay, ông vẫn tiếp tục sống với phần việc đảm nhận để hàng ngày lại nhổ cỏ, tỉa cành, tưới nước, chăm sóc bia mộ, thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội, nhớ về một thời khói lửa.
CÔNG TÚ