Sơn Trà và Sơn Chà

VÕ VĂN THẮNG 23/07/2017 09:49

LTS: Báo Quảng Nam, số Cuối tuần (15&16.7.2017) đăng bài viết “Sơn Trà hay Sơn Chà?” của tác giả Hồ Trung Tú. Ngay sau khi báo phát hành, Tòa soạn nhận được bài viết dưới đây của tác giả Võ Văn Thắng, nội dung đưa ra những cách giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của tên gọi trên. Báo Quảng Nam Cuối tuần xin giới thiệu đến bạn đọc để thêm một cách nhìn nhận về vấn đề này.

Bán đảo Sơn Trà. (Ảnh nguồn: BQL bán đảo Sơn Trà)
Bán đảo Sơn Trà. (Ảnh nguồn: BQL bán đảo Sơn Trà)

Trong bài viết “Sơn Trà hay Sơn Chà”, tác giả Hồ Trung Tú nêu vấn đề đáng chú ý: “hai âm trà và chà đều là cách phát âm khác nhau của cùng một chữ gốc nào đó của người Chàm xưa, hoặc thậm chí là người Cơ Tu xưa chủ nhân vùng đất này 2.000 năm trước. Vấn đề là âm nào có trước và đâu là cách phát âm sau, do những yếu tố nào tác động mà thành”. Tuy nhiên đến cuối bài là cái kết chưa thỏa mãn: “Tóm lại, trên là tất cả tài liệu cho đến nay và cả những giả thiết về tên gọi núi Sơn Trà hay núi Sơn Chà. Vẫn chưa có một cơ sở chắc chắn nào để có thể kết luận tên gọi nào đúng”.

Cách nêu vấn đề của tác giả đã cho thấy sự khác nhau của tên gọi hòn núi này chủ yếu là ở cách viết. Nhưng chọn cách viết nào thường chỉ mang tính quy ước nhiều hơn tính chính xác khoa học, do vậy cũng không tranh luận nhiều về việc viết thế nào cho đúng. Chỉ xin tham gia ý kiến về nguyên nhân, quá trình dẫn đến sự khác biệt đó với hy vọng góp cho câu chuyện chữ nghĩa thêm phần lý thú.

Trước hết, các địa danh được ghi chép bằng tiếng Việt hiện nay ở miền Trung Việt Nam thường có các nguồn gốc: (1) đặt tên có ý nghĩa chỉ một đặc điểm địa lý, thực vật (ví dụ: Thanh Khê, Bàu Tràm); (2) đặt tên có ý nghĩa chỉ một nhân vật, một công trình đặc thù ở một thời điểm nhất định (Cai Lang, Bến Ván); (3) đặt tên bằng một từ ngữ thể hiện mong ước điều tốt đẹp (Hòa Bình, Đại Lộc); (4) đặt tên có cách phát âm tương tự theo cách phát âm tên gọi đã có của người địa phương (Đắk Lắk, Phan Rang).

Riêng với nhóm thứ 4, con đường diễn biến qua thời gian có khi ngoằn ngoèo và có thể bị biến dạng. Ví dụ ban đầu người địa phương có thể gọi vùng đất của mình là Vũng Quất (phát âm địa phương/dzũng qwat/), người Mỹ ghi vào bản đồ là Dung Quat, nay đi vào văn bản hành chính mới với tên Dung Quất. Một ngôi tháp có thể đã được dân địa phương gọi là “tháp mắm”, người Pháp đã ghi vào tài liệu thống kê là “Tháp Mám”, nay các tài liệu dịch ra quốc ngữ là “Tháp Mẫm”.

Chúng tôi tán thành phân tích của Hồ Trung Tú để không xem tên gọi Sơn Trà/ Sơn Chà là một tên gọi chỉ đặc điểm thực vật, và cho rằng tên gọi này thuộc nhóm thứ 4 nói trên, tức là người ta đã đặt tên hòn núi theo âm tên gọi của người địa phương trước đó, theo công thức “Núi/Hòn + âm địa phương chỉ hòn núi này”. (Để tránh định kiến bởi chữ Hán và chữ quốc ngữ, sau đây xin tạm thời ghi âm của tên núi này là “ja” thay vì Trà hay Chà).

Các nhà Nho trước đây ghi chép hoặc viết sách bằng chữ Hán, khi muốn ghi một danh xưng địa phương, thường dùng chữ Hán có cách phát âm tương tự theo cách mà họ nghe được từ người địa phương. Ví dụ dùng chữ Hán có phát âm “Chiêm Bà” để ghi tên nước Chămpa, dùng chữ Hán phát âm “Phan Rang” để ghi tên xứ Panduranga. Theo cách này, khi ghi tên núi/ja/, các nhà Nho đã dùng chữ Hán 茶. Âm của chữ Hán - Việt này nếu ghi bằng chữ quốc ngữ theo cách đọc của người miền Trung Việt Nam thì ghi là “Trà”, nhưng nếu theo cách đọc của người miền Bắc (như trường hợp Lê Quý Đôn) thì có thể phiên âm bằng chữ quốc ngữ là “Trà” hoặc “Chà” đều đọc giống như nhau. Chỉ có khác là, về quy ước thống nhất chính tả của quốc ngữ đối với âm Hán - Việt của chữ 茶 thì phải ghi là “Trà”.

Câu hỏi tiếp theo, nếu muốn ghi ghép tên sông, tên núi bằng chữ Hán thì phải theo trật tự cú pháp Hán, theo kiểu “Hương Giang” (không ghi “Giang Hương”), “Ngũ Hành Sơn” (không ghi “Sơn Ngũ Hành”), vậy phải ghi là “/ja/ Sơn”, trong khi Lê Quý Đôn lại ghi là “Sơn /ja/”?

Chúng ta biết rằng các từ đơn tiết nguồn gốc ngoại lai khi đã Việt hóa cao thì cũng có các thuộc tính ngữ pháp như từ thuần Việt, nghĩa là có thể tham gia cấu tạo tổ hợp từ định danh với trật tự chính trước phụ sau, ví dụ DINH Chiêm (thay cho Chiêm Dinh), SẢNH trước (thay cho Tiền Sảnh). Trường hợp chưa Việt hóa cao thì chỉ xuất hiện theo trật tự phụ trước chính sau, ví dụ Chiêm QUỐC, Hồng HÀ. Nhưng trong quá trình tiếp xúc văn hóa, khi trực giác bản ngữ lấn át kiến thức hàn lâm thì người sử dụng có khi vẫn áp đặt quy tắc ngữ pháp bản ngữ lên từ ngữ ngoại lai. Có thể thấy nhiều ví dụ trong tiếng Anh, tiếng Pháp của người Việt. Đối với từ ngữ Hán Việt, có thể  thấy ví dụ trong trường hợp “THỦ Long tự bi” ở Đà Nẵng, lẽ ra là “Long THỦ”, nhưng người làm bia vẫn khắc trên bia là “THỦ Long”. Bia được khắc cuối thế kỷ 17 với một trật tự từ Việt hóa, đến đầu thế kỷ 20, các trí thức hàn lâm không chấp nhận cách viết này và đã “chuẩn hóa” bằng trật tự “chùa Long Thủ” khi dịch ra chữ quốc ngữ.

“Sơn Trà” là một ví dụ khác của trật tự từ kiểu này. Để ghi chép bằng chữ Hán tên gọi “hòn /Ja/”, núi /Ja/”, các nhà trí thức thế kỷ 18, 19 đã ghi theo một trật tự Việt “Sơn Trà” (Phủ biên tạp lục). Nhưng từ “sơn” đã không gia nhập được vào hệ thống từ đơn tiết Việt vì đã có từ “núi” thông dụng. Đến đầu thế kỷ 20, các trí thức Hán học đã “chuẩn hóa” thành “Trà SƠN” (Đại Nam nhất thống chí). Tuy vậy, trật tự bản ngữ của “Sơn Trà” xem ra đã có sức sống mạnh mẽ, và được củng cố nhờ các văn bản hành chính và sách báo từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, làm lu mờ tên gọi “Trà Sơn” của Đại Nam nhất thống chí.
Đồng thời với dòng bác học, ở dòng dân gian, người địa phương có thể không quan tâm đến “Sơn Trà” hay “Trà Sơn” trong các sách sử chữ Hán hay trong văn bản hành chính mà vẫn ung dung gọi tên hòn núi theo truyền khẩu từ bao đời là “Sơn Chà”, tức là phát âm theo tiếng Quảng Nam của âm /ja/ xa xưa, ghép với chữ “sơn” theo một trật tự thuần Việt.

Như vậy tên gọi Sơn Trà/Sơn Chà đã đi theo hai con đường:

- Tên gọi nghe được từ người địa phương ngày xưa/ja/ - ghi bằng chữ Hán 茶 - phiên ra chữ quốc ngữ “Trà”, dùng trong nhiều văn bản hành chính và sách vở chữ quốc ngữ, nhiều người cũng đọc theo là “Trà”.

- Tên gọi nghe được từ người địa phương ngày xưa/ja/ - người địa phương thời kỳ sau tiếp tục phát âm tương tự /ja/ và khi có chữ quốc ngữ thì ghi là “Chà”.

Từ đâu có tên gọi /ja/ (phát âm gần giống Trà hoặc Chà, Đà) và con đường từ /ja/ đến Trà, Chà, Đà là câu chuyện tiếp theo của từ nguyên học và ngôn ngữ học lịch sử, chúng tôi cũng đã đề cập một phần ở một bài khác (http://nguoiquangxaque.com/dat-va-nguoi-xu-quang/201606/mot-con-duong-ngoan-ngoeo-nhieu-loi-re-683642/).

Nhân đọc sách Đại Nam nhất thống chí, thấy người xưa đánh giá về ngọn núi này trong chương về sông núi tỉnh Quảng Nam: “tối danh thắng tắc Ngũ Hành, thứ tắc Trà Sơn dã” (danh thắng bậc nhất là Ngũ Hành Sơn, thứ nhì là Trà Sơn vậy), chợt nghĩ rằng, những luận bàn từ nguyên chỉ là tiêu khiển, còn có những việc quan trọng hơn cần dành cho hòn núi này để xứng tầm là đệ nhị danh thắng của Quảng Nam như người xưa đã gửi gắm.

VÕ VĂN THẮNG

VÕ VĂN THẮNG