"Giàu có" vì cho yêu thương
Cả một cuộc đời sống để cho đi, để mở rộng tấc lòng yêu thương và chia sẻ. Thế nên thương binh Trần Phú Ninh (SN 1946, tên thật là Trần Đăng Phục, lúc ở tù có tên Võ Quyết Đức; hiện ở tại khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) thấy mình thật “giàu có”. Ông bảo, mình “giàu có” vì cho đi yêu thương, vì sẻ chia với những phận đời bất hạnh, và nhận lại được những tấm chân tình thuần hậu, chân chất.
Ông Trần Phú Ninh thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: D.LỆ |
Ông Trần Phú Ninh chia sẻ, trong quãng đời chiến trận của mình, không bao giờ quên thời khắc cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc tỉnh đường Quảng Tín vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, báo hiệu tỉnh lỵ Quảng Nam đã được giải phóng. Hết chiến tranh, ông lại cống hiến cuộc đời mình xây dựng quê hương.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Ninh được cử đi học, rồi về lại quê hương, trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống còn nhiều khó khăn sau chiến tranh. Là người chuyên làm công tác dân vận trong thời chiến, ông Ninh đã phát huy lợi thế này trong thời bình. Ông tích cực động viên, kêu gọi nhân dân tin tưởng ở cách mạng, cùng chính quyền xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no… Nghỉ hưu năm 2002, nhưng ông Ninh vẫn chưa thể nghỉ ngơi khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khối phố Mỹ Thạch Bắc. Đến năm 2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Tam Kỳ ra đời, theo lời mời của thành phố và tiếng gọi của con tim, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội. Từ đây, ông đồng hành với nạn nhân chất độc da cam bằng cả tấm lòng sẻ chia, yêu thương.
“Bản thân tôi đã nhận được nhiều sự động viên, khích lệ bằng sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội dành cho những việc tôi đã làm. Nhưng cho đi thì không bao giờ là đủ cả. Có cho đi cả cuộc đời này cũng không đủ so với sự hy sinh của cha ông, đồng đội cho đất nước này”. (Thương binh Trần Phú Ninh) |
Nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị mới, ông cùng tổ chức hội tập trung thực hiện tuyên truyền về sự ra đời của hội, nói về hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ông vận động cùng nhiều người khác tổ chức lấy hơn 10 nghìn chữ ký ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong vụ kiện do bà Trần Tố Nga (người Pháp gốc Việt) kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất độc hóa học để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Để tổ chức hội ngày càng vững mạnh và có sức lan tỏa, ông tham mưu UBND TP.Tam Kỳ thành lập hội cơ sở ở cả 13 xã, phường trên địa bàn thành phố, kết nạp được 1.137 hội viên. Có tổ chức hội thì phải làm sao chăm lo cho đời sống tinh thần và vật chất của hội viên được tốt hơn. Ông lại vào cuộc, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập đến nay, số tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam của thành phố thông qua hội đạt gần 2 tỷ đồng; qua đó hỗ trợ cải thiện nhà ở, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình (cao nhất 15 triệu đồng, thấp nhất 5 triệu đồng, không lãi suất), tặng xe lăn, xe lắc, trao quà nhân các dịp lễ, tết... cho hơn 2.420 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể kể đến nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp để làm ăn, như ông Trần Đăng Cảnh (phường Hòa Hương) được vay 15 triệu đồng phát triển chăn nuôi; hay ông Lê Xuân Thủy (phường An Mỹ) vay 5 triệu đồng có thêm nguồn vốn mở tiệm sửa chữa điện tử. Hoặc chị Lê Thị Hằng (phường An Mỹ) là nạn nhân thế hệ thứ hai, từ sự vận động tài trợ, một tổ chức ở Hàn Quốc đã hỗ trợ 45 triệu đồng cải thiện nhà ở. Chị Hằng còn được hội cho vay 5 triệu đồng để mở tiệm may… Ông Ninh chia sẻ, sự giúp đỡ đó tuy không nhiều, nhưng đem lại nguồn động viên rất lớn đối với nạn nhân chất độc da cam, giúp họ có thêm niềm tin vươn lên ổn định cuộc sống.
“Đến bây giờ, tôi thực sự “giàu” vì có quá nhiều tấm lòng yêu thương của hội viên dành cho mình. Sức khỏe nay cũng yếu rồi, nhưng thấy đồng đội, hội viên còn vất vả, tôi cầm lòng không đặng. Vận động mọi sự giúp đỡ, làm cầu nối cho sự giúp đỡ ấy đến với hội viên, nghĩa là cho đi, cũng khiến tôi “giàu có” hơn. Bản thân tôi đã nhận được nhiều sự động viên, khích lệ bằng sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội dành cho những việc tôi đã làm. Nhưng cho đi thì không bao giờ là đủ cả. Có cho đi cả cuộc đời này cũng không đủ so với sự hy sinh của cha ông, đồng đội cho đất nước này” - ông Ninh tâm sự.
LÊ DIỄM