Cử tri quan tâm việc bảo vệ môi trường
Trước Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh (khóa IX), cử tri huyện Phú Ninh tiếp tục lo ngại về tài nguyên rừng bị xâm hại nhưng chậm phục hồi; còn ở Núi Thành người dân mong muốn trả lại sự trong xanh cho cánh đồng Thọ Khương.
Tin liên quan
|
Hơn 10 năm nay, cánh cửa vào rừng phòng hộ Phú Ninh rộng mở, cho dù chính quyền các cấp ban hành nhiều chỉ thị quản lý. Cả nghìn héc ta đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Hồ sơ giấy tờ đất thuộc Nhà nước quản lý, nhưng trên thực tế dân đã canh tác, trồng rừng năm này qua năm khác. Tại núi Dương Ba Gò (thuộc thôn Bích An, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) vừa qua có một nhóm người dùng máy cơ giới đào đất mở đường để chặt phá rừng keo, rừng phòng hộ Phú Ninh. Ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 xác nhận, trên địa bàn xã có ít nhất 22,3ha đất do UBND xã quản lý nhưng người dân đã trồng cây hơn 10 năm nay. Chính quyền lúng túng khi tìm cách thu hồi lại diện tích mà người dân trồng cây trên đất của Nhà nước.
Diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh do 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành quản lý. Theo số liệu, năm 2016, riêng địa bàn huyện Phú Ninh, lực lượng chức năng xử lý 51 vụ vi phạm lâm luật. Về ý kiến khôi phục lại rừng tự nhiên đã mất, theo UBND huyện Phú Ninh, đối với diện tích rừng đã bị phá trước đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đã tổ chức trồng lại, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với tiêu chí rừng phòng hộ do Nhà nước hỗ trợ vốn từ các chương trình, dự án. Ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh thông tin, đơn vị đã giao khoán toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có cho đội bảo vệ rừng, nhóm hộ bảo vệ rừng tại các xã có rừng với tổng diện tích hơn 4.897ha từ nguồn vốn Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng và dịch vụ chi trả môi trường rừng. Hiện lực lượng chức năng của huyện Núi Thành và Phú Ninh rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp xâm lấn đất rừng trái phép để mở rộng diện tích trồng rừng.
Trong khi đó, trả lời cử tri Núi Thành về chấn chỉnh việc lén lút xả thải của Khu công nghiệp Bắc Chu Lai ra cánh đồng Thọ Khương (xã Tam Hiệp) gây ô nhiễm nặng môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai giám sát chặt Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai thực hiện các yêu cầu theo Kết luận thanh tra số 349/KL-TCMT ngày 27.3.2017 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT). Trong đó, tập trung cải tạo hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu công nghiệp. Bắt buộc các doanh nghiệp đấu nối triệt để nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, không được rò rỉ vào hệ thống thoát nước mưa, chảy ra cánh đồng Thọ Khương. Được biết, hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 1.900m3/ngày đêm vận hành từ năm 2013, do Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai làm chủ đầu tư. Hiện có 19/19 doanh nghiệp đấu nối thu gom nước thải về hệ thống xử lý tập trung. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, nhiều lần người dân phát hiện nước thải ra cống chảy vào cánh đồng Thọ Khương bốc mùi hôi hóa chất khó chịu, có thời điểm cá chết hàng loạt và lúa không kết hạt.
TRẦN NGUYỄN