Mái nhà chung nghĩa tình

LÊ DIỄM 20/07/2017 08:47

Hai mươi năm qua, Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam (gọi tắt là Trung tâm) là mái nhà chung nghĩa tình, luôn thực hiện đảm bảo sứ mệnh nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)
Người có công đang được điều trị vật lý trị liệu tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh. Ảnh: D.LỆ
Người có công đang được điều trị vật lý trị liệu tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh. Ảnh: D.LỆ

Dưới mái nhà chung

Bà Lê Thị Nam và bà Lê Thị Ngôn (quê xã Đại Thắng, Đại Lộc) là chị em sinh đôi, năm nay đã hơn 88 tuổi, đều là thương binh, có công giúp đỡ cách mạng. Vì tuổi cao, hoàn cảnh neo đơn, nên địa phương đưa chị em bà đến ở Trung tâm. Bà Nam bộc bạch: “Nếu không có các cô hộ lý, y tá, nhân viên ở đây tận tình chăm sóc, chị em tôi chắc không sống được đến từng này tuổi đâu. Sống đến tuổi gần đất xa trời rồi mà còn được hưởng phúc như thế này, chị em tôi rất vui!”. Bao nhiêu năm chị em bà Nam đến ở đây, từng bữa ăn giấc ngủ, từng bộ áo quần, cái gối cái mền... đều do nhân viên của Trung tâm chăm lo.

Năm nay đã 81 tuổi, bà Nguyễn Thị Võ (mẹ liệt sĩ) vẫn còn khá minh mẫn. Bà quê ở xã Quế Phú, Quế Sơn. Hôm chúng tôi đến thăm, bà hỏi tên tuổi, quê ở đâu, có phải ở Quế Sơn không. Bà bảo nhớ quê nên mong gặp được người cùng quê để hỏi han đôi điều cho đỡ nhớ. Ở quê chỉ còn mấy đứa cháu họ, điều kiện không thể sớm hôm trông nom được, nên theo nguyện vọng của bà, chính quyền địa phương đưa đến Trung tâm để có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Đến đây, bà Võ đã có thêm những đứa con lúc nào cũng quan tâm chăm sóc rất chu đáo. “Từ khi vô sống ở Trung tâm, tôi đã xem đây là nhà của mình. Ở đây cũng có nhiều người lớn tuổi, cùng hoàn cảnh, tuổi già có nhau. Sống ở đây, và chết cũng ở đây thôi, các cô chú ở Trung tâm sẽ lo cho chúng tôi. Rứa là mãn nguyện rồi!” - bà Võ tâm sự.

Cần có một tấm lòng

Những cán bộ, nhân viên của Trung tâm dù ở bất cứ vị trí nào đều ghi nhớ và cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc người có công (NCC). Và họ hiểu rằng, chăm sóc NCC không hề dễ, bởi thường xuyên đau ốm, lại thêm tuổi cao nên tính tình khó chịu, nhất là lúc trái gió trở trời, những vết thương thân thể lại hành hạ. Trong chuyện ăn uống hằng ngày, để NCC không bỏ bữa, tổ cấp dưỡng đã nghiên cứu và xây dựng 8 bộ thực đơn, thay đổi thường xuyên thức ăn mỗi bữa phù hợp với mọi độ tuổi, mọi vùng miền, thậm chí còn phải phù hợp với mỗi chế độ bệnh lý, ăn kiêng, ăn chay. Hoặc như tổ hộ lý luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tấm lòng yêu thương.

Có những người làm cấp dưỡng, làm hộ lý ở Trung tâm từ thời còn con gái đến lúc về hưu, nếu không có tấm lòng tận tụy, chu đáo cùng đức tính chịu thương chịu khó, các chị không thể gắn bó với công việc này lâu đến thế. Chị Đinh Thị Minh Hội - Tổ trưởng tổ cấp dưỡng tâm sự: “Chăm sóc NCC là việc không đơn giản, nhưng cũng không phải là khó, nếu biết chiều ý các cô chú, các mẹ. Mỗi người mỗi tính, sáng chiều thất thường nhưng nếu mình biết lắng nghe, nhẹ nhàng, ân cần thì các cô chú, các mẹ cũng sẽ dịu đi, và chịu nghe lời hộ lý trong việc giữ gìn sức khỏe. Hoặc trong các món ăn, cũng phải thuộc lòng tính nết của từng người, biết rõ tình hình sức khỏe, bệnh tật của mỗi người để có thể nấu những món ăn phù hợp, đảm bảo”.

Chu đáo mọi mặt

Đến Trung tâm hôm nay, nhìn qua không khác gì một khu nghỉ dưỡng với bóng cây rợp mát khuôn viên. Toàn khu được xây dựng đồng bộ với những khu nhà nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC rộng rãi, đầy đủ tiện nghi; có đầy đủ khu hội trường, nhà ăn, nhà thể thao đa năng, khu giặt là, khu xử lý chất thải..., với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Đặc biệt, ở Trung tâm còn có phòng vật lý trị liệu được đầu tư mới đầy đủ trang thiết bị trị giá hơn 400 triệu đồng, giúp việc điều trị, phục hồi chức năng cho NCC tốt hơn ngay tại chỗ. Trung tâm có đầy đủ tiện nghi, điều kiện tốt, nên trong năm 2016 ước đón hơn 4,5 nghìn lượt người đến điều dưỡng, gần gấp đôi những năm trước đó.

Công tác điều dưỡng của Trung tâm không chỉ dành cho NCC của tỉnh, mà còn luân phiên thực hiện đối với NCC của các tỉnh trong và ngoài khu vực miền Trung. Công suất tăng gấp đôi, đồng nghĩa với năng suất làm việc của tập thể cán bộ, nhân viên ở đây cũng tăng gấp đôi. Ngoài việc nuôi dưỡng thường xuyên 35 thương bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ neo đơn, công tác điều dưỡng luân phiên dành cho NCC không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn cả ý nghĩa chính trị. Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Kể từ sau giải phóng đến nay, và nhất là trong 20 năm sau khi tái lập tỉnh, nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC luôn được Trung tâm nỗ lực thực hiện đảm bảo. Từ lúc cơ sở thiếu thốn đủ bề, đến cơ ngơi bề thế như bây giờ là cả một chặng đường dài, điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của xã hội dành cho NCC. Khi đến điều dưỡng, không chỉ được chăm sóc về sức khỏe, Trung tâm còn tổ chức cho NCC tham gia các hoạt động như đi tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh, giao lưu hát dân ca bài chòi, biểu diễn văn nghệ, nghe thời sự... Những hoạt động tinh thần giúp NCC vui hơn, tinh thần vui vẻ thì sức khỏe cũng sẽ tốt hơn”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM