Khó khăn triển khai bệnh án điện tử

NGUYỄN DƯƠNG 19/07/2017 10:04

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám chữa bệnh rất hữu ích cho các cơ sở y tế nhất là trong vấn đề tìm kiếm thông tin bệnh nhân, nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.

Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại nhiều cơ sở y tế đang gặp khó khăn khi hệ thống chưa đồng bộ. Ảnh: N.D
Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại nhiều cơ sở y tế đang gặp khó khăn khi hệ thống chưa đồng bộ. Ảnh: N.D

Hoàn chỉnh bệnh án điện tử

Việc triển khai bệnh án điện tử là xu hướng thiết yếu của những bệnh viện lớn trong cả nước. Qua đó, các cơ sở y tế sẽ dễ dàng quản lý tình hình khám chữa bệnh, tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị. Nhất là việc kết nối thông tin giữa các cơ sở y tế với Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân sẽ được thuận tiện, minh bạch hơn. Tại Quảng Nam, thời gian qua, các ngành chức năng cũng như UBND tỉnh đã đẩy mạnh kết nối với các nhà mạng để tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác khám chữa bệnh BHYT. “Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với VNPT Quảng Nam, Viettel Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh và chỉ đạo toàn ngành thực hiện nội dung này. Đây là việc ở tầm vĩ mô, nên cần phải có sự tham khảo đánh giá từng bước cụ thể, từ đó rút ra được những gì cần thiết phải làm lúc này, từng bước hoàn thiện phần mềm quản lý ở các cơ sở y tế” - ông Nguyễn Văn Văn - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết. Phần mềm được đưa vào áp dụng trong thời gian gần đây  do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp với tên gọi là VNPT-HIS. “Phần mềm này nhằm phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thanh toán BHYT theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong việc thực hiện bệnh án điện tử, nhưng về lâu dài sẽ là cơ sở để hoàn thiện quản lý y tế”- ông Văn cho biết thêm.

Ông Lương Mạnh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc VNPT Việt Nam cho rằng, để phần mềm phát triển ổn định, không có sự cố thì cần phải có sự chia sẻ giữa các bên. “Ví dụ như vết thương ở trên tay phẫu thuật 3 - 4 lần phải thể hiện như thế nào để khi thanh quyết toán cho trùng khớp, vì chỉ cần sai một chữ, một từ là hệ thống sẽ không chấp nhận” - ông Hoàng nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, việc nảy sinh những bất cập như hiện tại là do chưa tìm được sự thống nhất giữa ngôn ngữ y tế và công nghệ thông tin. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải có sự quan tâm triển khai, làm thế nào để sự phối hợp giữa các bên tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tốt nhất.

Đến thời điểm hiện tại, trong 8 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh thì đã có 4 đơn vị sử dụng VNPT-HIS (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ, Trung tâm Da liễu và Bệnh viện Tâm thần). Ở tuyến huyện đã có 18 đơn vị sử dụng phần mềm này; ở tuyến xã, đã có 237/237 cơ sở y tế sử dụng VNPT-HIS. Tính đến ngày 19.6.2017, đã có 283/283 (100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT gửi dữ liệu sang Hệ thống thông tin giám định BHYT với 618.572 hồ sơ ngoại trú và 61.007 hồ sơ nội trú. Số hồ sơ hệ thống từ chối toàn bộ là 13.920 hồ sơ với hơn 1,3 tỷ đồng; số hồ sơ từ chối một phần là 145.844 hồ sơ với hơn 27 tỷ đồng.

Theo bác sĩ Phạm Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, phần mềm VNPT-HIS giúp lãnh đạo bệnh viện dễ dàng quản lý, nắm bắt tình hình khám chữa bệnh hàng ngày tại cơ sở khám chữa bệnh; thuận tiện hơn trong vấn đề tìm kiếm thông tin bệnh nhân và những lần khám chữa bệnh trước đó. Đồng thời giúp cơ sở khám chữa bệnh phát hiện và kiểm soát được một phần những trường hợp trùng đợt điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. “Ngoài ra, phần mềm giúp khoa Dược của trung tâm quản lý dễ dàng hơn tình hình sử dụng thuốc tại các đơn vị trực thuộc thông qua chức năng liên thông kho dược. Cùng với việc bổ sung thêm chức năng bệnh án ngoại trú, đáp ứng được nhu cầu điều trị ngoại trú tại khoa Đông y - Phục hồi chức năng và đơn vị trực thuộc...” - bác sĩ Thông cho biết.

Còn nhiều khó khăn

Những thuận tiện cũng như xu hướng chung trong cả nước về việc ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều bất cập nảy sinh cần khắc phục. Như bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, việc ứng dụng phần mềm VNPT- HIS ở các cơ sở y tế trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hệ thống mạng ở miền núi yếu, có nơi phải dùng mạng 3G để truy cập nên xảy ra nhiều lỗi hệ thống. “Đôi khi chỉ sai một dấu chấm, dấu phẩy cũng đã bị lỗi rồi nên rất khó khăn. Như đợt vừa rồi, trung tâm gửi xuống thanh quyết toán gần 2,5 tỷ đồng nhưng chỉ mới được thanh toán hơn 1,1 tỷ đồng. Số còn lại còn phải đợi xác minh, làm rõ rồi mới được thanh toán sau” - bác sĩ Long cho hay. Cũng theo bác sĩ Long, việc yêu cầu cập nhật thông tin lên mạng là rất khó khăn đối với một huyện miền núi khi các cơ sở y tế xã hệ thống chưa đầy đủ, mạng lại yếu thậm chí không có sóng thì không thể truy cập và cập nhật thông tin được.

Còn theo bác sĩ Phạm Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, trong quá trình sử dụng phần mềm này đã nảy sinh một số bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. “Lỗi ở cả phần nhập danh sách bệnh án ngoại trú, điều trị nội trú hay liên thông các kho dược; không chú trọng nhiều về vấn đề quản lý thuốc khoa Dược, không tổng hợp được báo cáo khi cần thiết, có quá nhiều menu con để tổng hợp cho một loại báo cáo nhưng cho ra kết quả không trùng khớp nhau. Có nhiều lỗi nhỏ nhưng phải chờ hỗ trợ từ phía VNPT mới khắc phục được...” - bác sĩ Thông nói. Là một trong 2 đơn vị mặc dù đã được áp dụng phần mềm này từ đầu năm nhưng đến nay Trung tâm Y tế huyện Nam Giang vẫn chưa thể triển khai được. Theo bác sĩ Chơrum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, hệ thống ở đây chưa được đồng bộ với nhau, cộng thêm việc mạng yếu nên việc xử lý dữ liệu của trung tâm bị quá tải, sai lệch ở nhiều danh mục khiến cho việc quản lý rất khó khăn. “Muốn làm được trước tiên phải đầu tư hệ thống đồng bộ và cải thiện chất lượng của mạng chứ nếu tiếp tục như thế này thì còn khó để áp dụng lắm” - bác sĩ Vòm kiến nghị.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG