Sử liệu quan trọng việc đổi tên làng xã Quảng Nam thời Minh Mạng
(QNO) - Bản tấu của bộ Hộ trong tập sử liệu Minh Mạng tấu nghị giới thiệu sau đây là một văn bản hiếm gặp, góp phần bổ khuyết được phần nào khoảng trống về thông tin hệ thống làng xã vùng đất Quảng Nam.
Tên Nôm và tên Hán - Việt của làng
Giống như mỗi người đều có tên cúng cơm và tên ghi trên giấy khai sinh, hầu như làng Việt nào cũng có hai cái tên: tên Nôm và tên Hán - Việt (tên chữ). Tên Nôm thường có trước, tên chữ có sau. Tên Nôm thường chỉ lớp tên gọi làng xã do tiền dân đặt ra đầu tiên, mang tính trực quan cao, phản ánh quá trình khai khẩn lập làng, các hoạt động kinh tế của họ ở các địa bàn sinh tụ khác nhau, từ vùng đồi núi đến đồng bằng, vùng ven sông ven biển. Vì vậy, tên Nôm của làng thường không chỉ tái hiện một cách sinh động bức tranh tự nhiên đương thời mà còn là dấu ấn văn hóa, nhất là tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ quen thuộc, gần gũi, gắn liền với cộng đồng cư dân sinh sống ở mỗi vùng đất. Tên chữ của làng thường được gửi gắm các hoài bão tốt đẹp, ước vọng của con người về cuộc sống bình an, sung túc, hưng thịnh...
Một trang trong bản tấu về việc đổi tên làng ở Quảng Nam thời vua Minh Mạng (Ảnh sao chụp từ thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội) |
Tên làng ở vùng đất Quảng Nam cũng mang những đặc điểm chung như vậy. Điều đáng tiếc là, trải qua hàng thế kỷ với thêm bao nhiêu lần cải đặt, ngày nay, chỉ có các bậc cao niên hoặc nhớ được cả tên Nôm và tên chữ của làng, hoặc chỉ nhớ tên Nôm (tên xưa, tên cũ), thường kể lại, nhắc nhớ về những cái tên do tiền nhân để lại. Cũng có trường hợp hợp chỉ nhớ mang máng thậm chí không nhớ hoặc không giải thích được, giải thích không chính xác ý nghĩa tên chữ của làng. Trong lúc đó, lớp trẻ hầu như bàng quan, hoặc không có khả năng truy tìm lại cội nguồn sâu xa của tên làng để tiếp tục công việc truyền lại cho thế hệ sau.
Ký ức càng lùi xa càng mơ hồ. Vì vậy, nguồn sử liệu thành văn ghi chép lại tên làng và việc đổi tên làng đối với mỗi vùng đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vùng đất Quảng Nam với đặc trưng là địa bàn giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong lịch sử là một vùng đất có nhiều biến thiên về danh xưng, diên cách địa lý, nhất là lớp địa danh làng xã. Những lần thay đổi địa danh lớn ở Quảng Nam được chép lại ngắn gọn dưới hình thức biên niên trong các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục tiền biên… hoặc cụ thể hơn, các sách địa phương chí như Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục… đều có chép lại hệ thống tên làng xã đương thời. Chỉ tiếc là, các nguồn sử liệu này không chép lại đầy đủ, cụ thể thời gian, lý do, các địa danh được thay đổi cụ thể hay nói rõ các văn bản thể hiện quyết nghị/mệnh lệnh của triều đình Trung ương khiến việc nghiên cứu nguồn gốc địa danh, quá trình thay đổi địa danh qua các thời kỳ của vùng đất này gặp nhiều khó khăn.
Xác định tên Nôm, tên chữ một số làng ở Quảng Nam
Minh Mạng tấu nghị hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là một văn bản Hán Nôm chép tay, chép lại 603 bài dụ, biểu, tấu soạn dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840). Đó là một sử liệu ghi chép lại, phản ánh cụ thể nhiều phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến quân sự, đối ngoại của nước ta dưới thời Minh Mạng, trong đó có vấn đề thay đổi địa danh ít được giới nghiên cứu để ý đến.
Nằm trong tập sử liệu Minh Mạng tấu nghị này, bản tấu về việc thay đổi các địa danh trên phạm vi cả nước có “quốc âm tịnh bất nhã” thành các “gia danh” do bộ Hộ soạn, được hoàng đế chuẩn y thi hành vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), đánh dấu một bước chuyển căn bản trong hệ thống địa danh của nhiều vùng đất, trong đó có Quảng Nam.
Phần mở đầu bản tấu đề thời gian vào ngày mùng 5 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5 (tức năm 1824), nội dung đại thể cho biết hoàng đế đã soi xét, chuẩn y bản tấu do các quan của bộ Hộ đem những chỗ cần cải chính trong tên hiệu của các xã thôn trình lên. Bộ Hộ xem tên hiệu của các phường, thôn, xã, tổng thuộc các trấn, dinh, thành, xét thấy trong tên cũ có âm Nôm và không hay (“cựu xưng danh tự gian hữu quốc âm tịnh bất nhã đẳng tự”), bèn trích ra bàn thảo, đệ xin cải chính danh hiệu; nay được trên y chuẩn nên chép lại các tên được đổi, các địa phương theo bản tấu nghị này phải đổi dùng các tên đẹp đặng mãi mãi lưu truyền (“dụng hoán gia danh, dĩ thùy vĩnh cửu”). Và ở trang cuối của bản tấu cho thấy các tên làng xã cũ sẽ bị bãi bỏ để thay dùng tên mới từ ngày 26 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5.
Phần chính của bản tấu liệt kê cụ thể số lượng gồm tên các xã, thôn, phường, tộc… phụng nghị cải đổi từ tên cũ sang tên mới của 28 phủ, dinh, trấn. Việc thay đổi được chép theo hình thức: đầu tiên đề tên phủ, dinh hoặc trấn; đến các đơn vị cấp huyện, thuộc trực thuộc phía dưới; tiếp theo liệt kê các địa danh được thay đổi của chúng. Các địa phương có địa danh được thay đổi nhiều tập trung ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…, trong đó dinh Quảng Nam (địa phận gồm tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng nay) là địa phương có số lượng địa danh được thay mới nhiều nhất. Xếp liền sau phủ Thừa Thiên, dinh Quảng Nam có gần 100 địa danh (trên tổng số hơn 500 địa danh được đổi của cả nước) được thay đổi, phân bố số lượng địa danh ở các huyện, thuộc như sau: 5 huyện với 52 địa danh gồm Lễ Dương (21 địa danh), Duy Xuyên (12 địa danh), Hòa Vang (10 địa danh), Diên Phước (6 địa danh), Phú Châu (3 địa danh); 6 thuộc với 47 địa danh gồm Liêm Hộ (21 địa danh), Hoa Châu (13 địa danh), Hà Bạc (5 địa danh), Hội Sơn Nguyên và Võng Nhi (mỗi thuộc 3 địa danh), Phụ Tuyền (2 địa danh).
Như vậy, với tính chất quan phương của bản tấu trong Minh Mạng tấu nghị, ở đầu thế kỷ XIX, hệ thống địa danh làng xã Quảng Nam chính thức có bước chuyển đổi căn bản về danh xưng: các tên Nôm, ý bất nhã đều được đổi dùng tên chữ tức các nhã xưng, mỹ tự Hán - Việt. Qua bản tấu, lớp trẻ sống trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nay như chúng tôi có thể biết được những cái tên “nôm na” như Ba Chinh, Bàu Ấu, Hàm Rồng, Nồi Rang, Bàu Tre (Trước), Bến Ván, Đá Ngang, Chợ Quán, Bà Bồi, Bà Mã, Bãi Ổ, Cây Duối, Sông Tiên, Bàu Toán, Bãi Ngao, Bến Cỏ, Cây Sơn, Cây Mít, Hà Tre, Bàu Đán... và các tên làng như Hữu Trinh, Phương Trì, Long Châu, Nhơn Chưng, Trước (Trúc) Bào, An Tân, Thạch Bích, An Quán, Nhơn Bồi, Mã Châu, Phụng Châu, Kim Đới, Tiên Giang, Hạc Toán, Ngao Tân, Phương Tân, Tất Viên, La Mật, Trúc Hà, Hoa Đán... chính là tên chữ tương ứng của các làng ấy.
Ngoài ra, bản tấu đổi tên làng trong Minh Mạng tấu nghị cũng giúp xác định thời điểm ra đời của các tên chữ của các làng xã này là vào năm Minh Mạng thứ 5. Suốt thế kỷ XIX, ngoài một số lần đổi tên do tị húy (ví dụ tị húy chữ Hoa thời vua Thiệu Trị), các tên chữ ra đời từ thời điểm này vẫn được bảo lưu phần lớn cho đến ngày nay. Theo thống kê cho thấy, số lượng địa danh mới ra đời từ bản tấu nghị này có trong Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1887) chiếm khoảng 80%. Trong thế kỷ XX, do sự biến thiên của hoàn cảnh lịch sử quy định, tên làng ở Quảng Nam trải qua thêm nhiều lần thay đổi nữa. Hiện nay, lớp địa danh mới chính thức ra đời vào năm 1824 trong bản tấu nghị, được lưu giữ qua Đồng Khánh địa dư chí đã có một “đời sống mới” khi một phần trong số chúng trở thành tên gọi của các “làng văn hóa”, “thôn văn hóa”, “khối phố văn hóa”...
Lớp địa danh làng xã cũ theo thời gian đã trở thành địa danh cổ ở Quảng Nam. Con người Việt là con người của làng xã. Con người Việt ở đất Quảng cũng thế. Tên làng là căn cước văn hóa của chính vùng đất nơi mỗi người dân Quảng được sinh ra. Ngày nay, dù một bộ phận người ở thôn quê rời làng ra phố, người ta vẫn thường “gặp làng trong phố”, “hương làng giữa phố”... Nhớ về làng, về quê hương bản quán, đầu tiên người ta nhớ về tên làng và càng tự hào khi biết được nguồn gốc tên làng (cả tên Nôm và tên chữ) là những dòng đầu tiên trong lịch sử làng. Vì vậy, dù đối với người ở làng hay người ở phố thì tên làng vẫn là ký ức xa xưa của mỗi vùng đất, là sợi dây kết nối tâm thức của các thế hệ, mỗi một con người với nguồn cội, xứ sở.
HY GIANG