Còn đây mối tình bang giao
Những ngày này, di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ (gọi tắt là Khu kháng chiến; ở thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) dường như rộn ràng hơn. Câu chuyện cũ được lần giở. Ở đây, có một tình bang giao Việt - Lào vượt qua những giới hạn thời gian…
Bia di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ. Ảnh: LÊ QUÂN |
Khu kháng chiến này vốn được xây dựng trên phần đất và nhà của ông Nguyễn Soạn (tục gọi ông Xã Thám). Hơn chục năm nay, khu vườn và căn nhà lưu niệm của di tích do ông Đặng Văn Lệ - cháu ngoại ông Nguyễn Soạn chăm nom. Mỗi năm, đến dịp giữa tháng 7, ông Lệ lại nôn nao chờ tiếp đón khách đến thăm khu di tích, nhất là những người bạn Lào.
Khu vườn với những gốc nhãn cổ thụ xanh ươm mỗi ngày. Đầu ngõ, là hai cây thiên tuế đã cao vượt gấp đôi đầu người. Một dãy nhà nằm trong khuôn viên khu di tích, dễ khiến người ta hình dùng về một khu kháng chiến những năm 1948-1954. Ông Lệ nói, quanh đây 12 gia đình đều là con cháu của cụ Nguyễn Soạn. Riêng mình, ông nói, sống ngay bên cạnh nhà thờ tộc Nguyễn của ông ngoại, hàng ngày chăm sóc vun xới hàng cây quanh nhà. Mỗi năm, những cựu quân tình nguyện Việt - Lào tìm về, thắp một nén nhang nơi vùng đất thiêng - nơi họ đã có những ngày tuổi trẻ đặc biệt. Ông Lệ kể lại câu chuyện của những người đã từng sống ở khu căn cứ này, qua những lần họ tìm về, ngồi cùng ông và những cựu binh người Lào. “Đại tá Châu, rồi bác sĩ Ý, giờ già hết rồi, nhưng mỗi lần họ về đây lại kể đủ thứ chuyện của hơn 60 năm về trước. Họ nói ngày xưa ở đây là nơi đào tạo, luyện tập cho con em nước bạn Lào. Ở ngay trong khu vườn của ông ngoại tôi là nơi luyện tập, ăn ở của rất nhiều cán bộ Lào và Việt Nam” - ông Lệ nói.
Tìm lại dấu xưa
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phú Ninh nói, địa danh này trở thành nơi hội ngộ mỗi năm của những cựu binh Lào và Việt. Ông Hoàng nói rằng, từ ký ức của những chiến sĩ Lào lẫn cựu binh Việt Nam, toàn bộ khu vườn nhà của ông Nguyễn Soạn khi ấy được bao bọc bởi lũy tre dày tạo thành một địa thế bí mật, chỉ có một lối vào từ hướng tây nam được canh phòng cẩn mật. “Về nơi ăn nghỉ và làm việc cho cán bộ cao cấp Lào - Việt, theo đề nghị của chính quyền địa phương, ông Xã Thám đồng ý nhường dãy nhà chính để các cơ quan Khu Hạ Lào làm việc, ngôi nhà đầu tiên ở phía tây kiến trúc truyền thống 3 gian 2 chái được bố trí cho ông Xi-thôn-com-ma-đăm. Ngôi nhà liền kề bố trí cho ông Xổm-mang-nô-viêng, các chuyên gia quân sự và cán bộ cao cấp Lào - Việt. Tiếp theo là khu nhà của các ban quản trị, hành chính, hậu cần và kỹ thuật làm việc. Ngôi nhà cuối cùng về hướng đông gồm 2 tầng xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp do ông Nguyễn Chính Giao (Nguyễn Chính Cầu) - Bí thư Ban cán sự Hạ Lào và ông Đoàn Huyên - Chỉ huy trưởng quân tình nguyện Việt Nam làm việc” - ông Hoàng cho biết. Chính trong khu vườn nhà cụ Nguyễn Soạn, các đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Việt Nam và Lào đã đề thảo cụ thể những kế hoạch đào tạo lực lượng vũ trang.
Các chiến sĩ bộ đội Lào - Việt được bố trí ở xen kẽ với nhà dân địa phương trong vùng. Dưới những tán cây cổ thụ trong vườn là nơi bộ đội 2 nước Lào - Việt Nam học tập chính trị, phương pháp chiến tranh du kích, học tiếng Lào, tiếng Việt. Mỗi đợt huấn luyện như vậy có đến 600 chiến sĩ Việt Nam và Lào luyện tập. “Từ năm 1949 đến hết năm 1950, phần lớn lực lượng ta và nước bạn Lào tập trung tại Thạnh Đức để học tập chính trị, quân sự, huấn luyện nghiệp vụ quân sự, học tiếng Lào, tiếng Việt. Kết thúc một đợt huấn luyện, mỗi chiến sĩ chuẩn bị ra chiến trường được phát 10kg gạo, 3kg thực phẩm và muối. Cuối năm 1949, liên quân Lào - Việt triển khai hoạt động chiến tranh du kích, dân vận, xây dựng vùng cách mạng sâu rộng tại Hạ Lào, liên tiếp thu được thắng lợi giòn giã tại nhiều nơi như cánh đồng Chum, cao nguyên Bôlôven, Sê Kông, Chămpasắc” - ông Hoàng nói.
Kỳ vọng phục hồi
Hiện tại, ở Nghĩa trang liệt sĩ TP.Tam Kỳ (phường Tân Thạnh) vẫn còn 2 ngôi mộ của chiến sĩ Lào. Nhiều người nói, trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khu kháng chiến đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Đến năm 2011, với vai trò lịch sử của Khu kháng chiến, sau nhiều năm chuẩn bị hồ sơ, di tích Khu kháng chiến được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Từ nguyện vọng của các cựu binh quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào và nhân dân địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Lào - Việt, đầu năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất cho tỉnh Quảng Nam lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trên diện tích 5ha của khu di tích, các hạng mục bao gồm khôi phục lũy tre xưa bao bọc khu di tích, cánh đồng lúa, trồng cây xanh bố trí trong khuôn viên tạo không gian làng quê thanh bình, cũng như việc phục hồi, tôn tạo cụm di tích gốc trong đó có nhà ông Xã Thám, phục hồi dãy nhà cổ kiến trúc truyền thống Quảng Nam với các khu nhà in báo - tài liệu, khu kỹ thuật, ban hậu cần; khu nhà ở cho cán bộ cao cấp chuyện gia quân sự Việt - Lào; nhà làm việc của Trưởng khu Hạ Lào Xi-thôn-com-ma-đăm kết hợp với phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật của khu di tích; xây dựng quảng trường tượng đài hữu nghị Việt - Lào với sức chứa khoảng 1.000 người phục vụ cho các chương trình gặp mặt giao lưu hữu nghị tổ chức hàng năm tại khu di tích… được đưa ra bàn bạc. Bên cạnh đó việc phục dựng các khu học tập chính trị cũng được chú ý để góp phần tái hiện một cách phong phú quá trình hoạt động của cán bộ, bộ đội hai nước Lào - Việt tại khu di tích trong kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, việc triển khai tu bổ di tích Khu kháng chiến vẫn đang gặp khó khăn về tài chính khi kinh phí lên đến cả chục tỷ đồng, nên đến nay vẫn chỉ đang triển khai những hạng mục nhỏ. “Di tích quốc gia Khu kháng chiến Hạ Lào được trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị sẽ làm thỏa lòng người dân ở mảnh đất Phú Ninh anh hùng, là biểu hiện tuyệt đẹp về tình đoàn kết đặc biệt cùng chiến đấu chống kẻ thù chung giữa 2 nước Việt - Lào anh em” - ông Nguyễn Huy Hoàng nói.
LÊ QUÂN