Hồ Viết Lý - kẻ mê lụa

SONG ANH 16/07/2017 08:37

Dứt áo đi tìm một con đường sống khác, xa quê hương, đã ngót nghét nửa đời người. Rồi mang cả cái khí chất của người kẻ chợ bên sông Thu, dong ruổi từ bắc chí nam. Cuộc đi đầy chông gai. Cũng bởi lẽ, ông trót đã quá mê những sợi tơ, vuông lụa…

Ông Hồ Viết Lý trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Nam.
Ông Hồ Viết Lý trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Nam.

Hồ Viết Lý đĩnh đạc trong phong thái của một doanh nhân. Nhưng bắt chuyện về lụa, lại đúng như kiểu một con tằm cứ mải rút hết… chính mình. Say sưa. Thậm chí quên cả chuyện mình từng đau đớn, để có cho đời những dải lụa đẹp… “Lụa Lý” - một cách gọi thân thương mà giới thời trang đặt cho những sản phẩm của Toàn Thịnh - cơ nghiệp mà Hồ Viết Lý đã dày công vun đắp.

1.Hồ Viết Lý nói, ông đã chọn đi một con đường khó. Nhưng chính trên những thử thách đó, mới biết hết năng lực của mình. Một người đàn ông rời xa quê nhà khi ở độ tuổi đẹp nhất. Đi, để tìm một con đường sống khác, bằng chính cái “hồn vía” của quê xứ mình.

Tôi nhìn ông thơ thẩn ve vuốt cho thẳng thớm từng vuông lụa mình bày biện ở không gian Làng Lụa Hội An, mà thán phục về tình yêu bền bỉ mà Hồ Viết Lý dành cho lụa. Đã lâu rồi, như một mặc định, lụa là dành cho giới thượng lưu với chính cái tính năng đòi hỏi luôn luôn phải được nâng niu. Với lụa, Hồ Viết Lý có lẽ đã chọn lòng ngưỡng mộ và sự công phu, nên với thiết kế đặc biệt, dòng “lụa Lý” mặc nhiên được nâng lên hàng nghệ phẩm. Và không phải dễ dầu để có được sự công nhận này.

Tính thượng hạng của một dòng sản phẩm tạo nên những thử thách cho người tạo ra nó. Và Hồ Viết Lý, chừng như đã vượt qua giấc mơ của người làng, để vươn tới một điểm nhìn cao hơn. Một con dốc mà rất nhiều đời làm nghề ươm tơ dệt lụa của người dân xứ Quảng chưa từng mơ đặt chân lên. “Ngày nhỏ, tôi nhìn họ hàng làng xóm quanh mình vội vã từng bữa cơm, để canh từng nong tằm cái kén. Tiếng thoi kẽo kẹt ám ảnh cả vào những giấc ngủ trẻ con. Nhưng mãi rồi cũng chỉ dừng ở đó. Làng của mình từ bao đời nay vẫn chỉ những sản phẩm thô bán với giá rẻ để chỉ có thể làm nguyên liệu cho một dòng sản phẩm nào đó mềm dịu hơn. Tôi ôm trong lòng cái khắc khoải này mà đi thôi” - Hồ Viết Lý chia sẻ.

Một chuyến đi từ hơn 30 năm trước, chắt chiu nhọc nhằn, để tự nhắc, tự răn mình trước mỗi cơ hội của thương trường. Cái cụm từ đang “hot” thời gian gần đây: Khởi nghiệp, với Hồ Viết Lý, không chỉ mang ý niệm của sự bắt đầu. Đó là sự gầy dựng, sự nỗ lực và... sự cảm nhận. Ông nói nếu không cảm nhận được những sợi tơ, thì không thể nào làm ra lụa. Nếu không bắt đầu sự nghiệp bằng những cảm xúc tưởng như ngưng lại, thì không thể nào vượt lên mọi chông gai mà cuộc đời này đặt ra. Như viên đá ném đi, tiếng vọng lại sau đó mới là thứ khiến mình đau đáu. Chính từ sự mãnh liệt này, mà bao lần đốt khung dựng lại, bao phen bị vùi dập bởi thế cuộc, Hồ Viết Lý vẫn giữ được cho mình sự điềm tĩnh… đủ để bắt đầu.

2. Mỗi sản phẩm của Toàn Thịnh bao giờ cũng được bao gói rất đẹp, kèm với tờ giấy in hướng dẫn cách sử dụng. Rồi mỗi dịp festival tơ lụa ở Hội An, Hồ Viết Lý bươn bả trở về. Về với hàng nghìn vuông lụa đã khiến người đàn ông can trường bạc tóc. Và già đi. Về với cái khát khao cháy bỏng là biến xứ Quảng trở thành một trung tâm tơ lụa Việt, hay xa hơn, mang tầm thế giới. Cuộc trở về vì thế không thể nào thong dong. Có bận, người ta nhìn thấy một Hồ Viết Lý tất bật với hơn  gần 10 nghìn mét tơ lụa thiên nhiên, với một đội ngũ người mẫu và bộ sưu tập áo dài lụa. Sản phẩm trưng bày đặc ken một gian của không gian làng lụa. Đó cũng là lần đầu tiên lụa Lý trở về với quê nhà xứ Quảng. Cũng lần đầu tiên một đêm thời trang phương Đông đặc quánh và huyền hoặc cuốn hút mắt nhìn của người đang ở Hội An. Người ta kháo nhau về Lụa Lý - ở Hội An. Cứ thế những năm sau này, Hồ Viết Lý bớt ồn ã hơn, nhưng sâu chín hơn ở mỗi bận trở về. “Lần đầu tiên đó, tôi muốn khuấy động giới thời trang để động viên Lê Thái Vũ - một người đàn ông chịu chơi với lụa. Những năm về sau, khi biết Vũ đã đứng vững, thì mình lùi sau, đứng nhìn cậu ta đi” - Hồ Viết Lý nói. Hình như đó cũng là cái tình của một người đã mê đến cùng cạn vết dấu quê hương, lại nhìn thấy một kẻ khác, cũng say sưa như mình.

Người ta nói, ông Lý rất tài tình sắp đặt ký ức vào từng thớ vải. Người ta nhớ đến những khoảnh khắc, cảm xúc, không gian, kỷ niệm có thật, khi chạm tay vào “lụa Lý”. Và Hồ Viết Lý nói đó không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn. Tất cả cảm nhận như một bản năng về lụa, đều qua sự luyện tập, nghiên cứu hàng ngày hàng giờ của mình. Đó không hẳn chỉ là một đoạn đường của đời người. Là cả một hành trình miệt mài cố gắng dù đã qua bên kia con dốc đời. Hồ Viết Lý vào Nam năm 1981. Cũng là cái thời đoạn làng dệt Bảy Hiền của người xứ Quảng lập nghiệp Sài Gòn ăn nên làm ra. Hơn 10 năm xê dịch, để tới năm 1994, Hồ Viết Lý cùng vợ có một xưởng dệt đầu tiên, tại khu Bảy Hiền. Năm 2000, xưởng dệt phát triển thành Công ty TNHH Toàn Thịnh, nơi bắt đầu đưa giấc mơ về lụa của Hồ Viết Lý đi xa hơn.

3. Làm sao để hiểu được sợi tơ? Suốt năm này tháng nọ, Hồ Viết Lý đau đáu với trăn trở này. Cuối cùng, những ẩn số về cách xử lý để sợi tơ đạt độ mềm mượt, dai, khắc phục được những lỗi trên bề mặt vải… đã được ông Lý tìm ra sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, đi khảo sát nhiều nơi cả trong và ngoài nước. Và cũng là thời điểm Hồ Viết Lý gặp một nhà thiết kế nổi tiếng trong ngành thời trang Việt Nam. “Minh Hạnh hỏi tôi, ông có cảm nhận được những sợi tơ? Và Minh Hạnh đưa ra những yêu cầu, những cái khó chưa ai làm được. Nhưng tôi gật đầu nhận những cái khó này!” - Hồ Viết Lý nói. Cuộc gặp này như một cơ duyên để lụa Lý tiến thêm một bước rất xa - một cuộc đi mới mà bản thân Hồ Viết Lý vẫn không thể hình dung nổi. “Minh Hạnh không rào đón, đặt ngay vấn đề, tôi cần một loại vải damask silk có hoa văn hình rồng. Kích thước bề ngang là 18cm, dài 60cm. Trong khi, tại thời điểm đó, kỹ thuật dệt hoa văn chỉ đạt bề ngang tối đa là... 6cm. Hình tượng rồng trên vải phải là lưỡng long triều nguyệt - hai con rồng chầu mặt trăng, một di sản về hội họa và kiến trúc của triều Nguyễn còn lưu lại trên những bản khắc gỗ” -  Hồ Viết Lý kể. Lúc ấy, là năm 2004. Ngược xuôi mọi nẻo để tìm cho ra công nghệ dệt hiện đại, cùng lúc phải thực hiện hoa văn theo đúng yêu cầu của nhà thiết kế, trong suốt tám tháng trời, mỗi giây phút Hồ Viết Lý đều trải nghiệm cùng với lụa. Cuối cùng, vượt qua 20 bản mẫu trang phục, mẫu áo điểm xuyết hoa văn lưỡng long triều nguyệt đã chính thức được Chính phủ lựa chọn. Những chính khách danh giá nhất của thế giới đã hài lòng khi khoác lên mình trang phục đậm bản sắc Việt Nam. Cho đến Hội nghị APEC năm 2006, thêm một lần nữa Minh Hạnh bắt tay cùng Hồ Viết Lý để may trang phục cho nguyên thủ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Những bộ áo dài truyền thống Việt Nam được may bằng loại vải dệt từ sợi tơ tằm cao cấp của Lâm Đồng với hoa văn hình hoa sen cách điệu. “Khác biệt lớn nhất của loại vải này là có không gian ba chiều óng ánh và màu sắc thay đổi theo mỗi chiều quan sát khác nhau. Lúc đó, tôi nghĩ phải làm ra những vuông lụa bằng tất cả tâm huyết và niềm tự hào dân tộc” - Hồ Viết Lý nói.

Bây giờ, lụa Lý đã đi rất xa, mê hoặc cả những tín đồ thời trang sành điệu và khó tính nhất ở các quốc gia Âu Châu. Nhưng Hồ Viết Lý thì vẫn vậy, giữ nguyên căn cốt của một người sinh ra từ vùng Phú Bông, Gò Nổi, luôn “giữ lửa” trong lòng mình. “Hàng năm Toàn Thịnh nhận thực tập sinh và tôi luôn khuyên họ, phải có lửa, sự tận tụy lẫn những điều nhẹ nhàng, để đi đến với ngành lụa. Muốn vươn ra chợ lớn, phải luôn để lòng mình ấm nóng cảm xúc với đam mê của mình” - Hồ Viết Lý nói. Lẽ vậy, nên cuộc chinh phục ngược dòng thời gian theo dấu những đường tơ, với Hồ Viết Lý, vẫn chưa tới hồi ngơi nghỉ…

SONG ANH

SONG ANH