"Xụt bệ lò rèn"
Dân Quảng Nam hễ chê ai làm ăn không ra chi thì thường nói thẳng: thằng/con ấy “làm ăn như xụt bệ”, hay: “cái thứ xụt bệ lò rèn”. Trai tráng mà để bị người ta chê “xụt bệ” có nghĩa là khó mà… xụt bệ được!
Một lò rèn ở Quế Phú. Ảnh: L.T |
Tra Google thử thì chẳng thấy cụm từ này. Đây chắc là từ địa phương, biến âm từ “thụt bệ”? Nhưng mà khen hay là chê người xụt bệ? Tôi nghĩ là khen.
Hồi trước ở quê làng nào chẳng dựng lò rèn. Bởi đã đúc rút kinh nghiệm rõ ràng: Làng nào thêm gánh hát thì có ngày xách bị đi ăn xin, chỉ có làng nào dựng thêm lò rèn chắc chắn trước sau làng ấy sẽ khấm khá. Hồi xưa làm nông theo kiểu tự cung tự cấp nên nhà nào cũng sắm cho mình bao nhiêu thứ nông cụ và vật dụng trong nhà. Khá nhiều thứ làm bằng (hoặc có yếu tố) sắt/thép như: cày, cuốc, liềm, rựa, dao, câu liêm, giằng, hái, đục… Riêng dao có các thứ: dao phay, dao phát, dao lỡ, dao nhíp…, cuốc thì: cuốc bàn, cuốc chỉa, cuốc chim… Tóm lại là đủ thứ hằm bà lằng.
Những làng ở xa xôi, nhà cửa thưa thớt lại cần phải đủ lệ bộ hơn nơi khác bởi khó có thể đi mượn đồ dùng. Mà mượn thì cũng khó xử, vì là “đồ làm ăn” của người ta. Có giai thoại rằng, ở làng tôi hồi trước có ông Xã G., nhà rất khá giả. Một hôm có người sai con đến mượn cái câu liêm về “giựt” mấy ngọn tre đang sà xuống mái nhà, sợ khi gió máy mái nhà sẽ bị tốc. Ông Xã G. vui vẻ ra sau chái nhà lấy câu liêm xuống nhưng không đưa ngay cho con ông hàng xóm mà cứ thuyết minh rằng cái câu liêm được rèn thế này thế nọ, nó bén thế nọ thế này, rèn ở chỗ nọ chỗ kia vân vân và… hạ một câu: “Dề nói cha mi lên lò rèn ông Hai L. rèn một cái nghe! Ông ấy rèn câu liêm bén ngọt”! Rồi lẳng lặng đem câu liêm vô sau nhà… cất! Hồi nhỏ, tôi sợ nhất món… ba tôi sai đi mượn đồ hàng xóm. Nó cứ ngài ngại thế nào ấy! Có lẽ vì ngại mượn nên người lớn toàn sai con cái… đi mượn(?). Và có lẽ vì hiểu cái sự ngại ngùng ấy nên dùng xong là ông bắt phải đi trả ngay, rất kỵ phải để sang ngày khác. Nhiều khi đang chơi bị sai đi trả đồ cũng rất ức nhưng thấy ba tôi trợn mắt là lập tức vác đồ mang sang trả hàng xóm ngay. Còn “đồ nhà” hình như năm nào cũng phải tu sửa. Khi gần bắt đầu mùa là phải đi rèn lại rựa bờ để dọn, phát cỏ các bờ ruộng cho sạch sẽ. Rồi đi rèn cuốc mới hoặc “cặp” lại cuốc cũ để dùng thêm một vài mùa nữa. Trước mùa gặt lúa thì đi “cắt chấu” lại mấy cái liềm. Khác với các loại kia, liềm được “cắt chấu” nghiêng theo chiều cắt lúa, sau một mùa là bị mòn chấu nên năm nào cũng phải cắt lại chứ để cùn thì khi cắt liềm sẽ “cù nhầy” không thể nào cắt lúa được hoặc năng suất sẽ rất thấp, tốn nhiều công.
Ở vùng tôi có nhiều ông thợ rèn nổi tiếng như ông Hai L., ông H., ông T... Tay nghề cao như ông Hai L. rèn dao rựa dùng đến mấy chục năm trời còn bén! Ba tôi bảo ông giỏi nghề nhờ cái “nước thép” ông chọn. (Không biết “nước thép” nó như thế nào, tôi chỉ thấy mấy cô con gái của ông “nước người” mới… thiệt hay! Có cô sau này theo học trường văn hóa nghệ thuật và ra làm ca sĩ trên thành phố hẳn hoi). Gần mùa, các lò rèn đông đen những người, rèn/cặp cuốc, “cắt chấu” liềm… nên phải bám chặt lấy ông chủ lò rèn may chi mới xong trước, mới “có cái về làm”. Lò thường là một ngôi lều nho nhỏ lợp tranh hoặc tôn. Trong cái không gian chật chội ấy chủ lò rèn bày biện nào đe, búa, sắt vụn, nhíp xe, dụng cụ làm xong, làm lở dở, rồi bao đựng than, tre già làm cán, cái bình đun nước uống... Trung tâm là cái lò lúc nào cũng ánh hồng lửa than, hai cái kìm dài để kẹp sắt. Sau một hồi vùi sắt định rèn dưới than hồng, khi sắt bắt đầu đỏ thì nhanh chóng được anh thợ rèn kẹp bằng kìm đặt lên đe. Anh ta dùng cái búa nhỏ ghè lên thanh sắt như định chỗ để người còn lại quai tay búa thật lực xuống để thanh sắt mỏng dần ra. Khi sắt nguội lại tiếp tục được vùi trong lửa than. Để nhanh chóng xong “việc của mình”, người tới phiên sẽ ngồi vào “bệ thụt”. Đó là một chiếc ghế cao đặt gần hai cái ống nhôm dài dựng đứng trong có chứa hai cây pít-tông, phía dưới có ống thông hơi nối với bếp than. Người “xụt bệ” ngồi trên chiếc ghế cao hai tay liên tục kéo lên/thụt xuống tạo thành hơi để thổi bừng ngọn lửa trong lò than. Sau khi thanh sắt đủ mỏng anh thợ dùng kéo cắt để định hình vật dụng cần rèn. Sau đó lại tiếp tục vùi trong lửa để đánh mỏng một bên làm sắc phần lưỡi… Công đoạn “trui” bằng cách vùi trong lửa xong nhúng vào nước năm, bảy lần như thế trước khi tra cán vào, để dao/rựa… “lên nước”. Có thể đây là cái bí quyết làm đẹp cho cái “nước thép” mà ba tôi hay nhắc.
Đang mùa, ai cũng vội, mà nông dân thì ai cũng muốn… tranh phần làm trước. Có thể do hiểu tâm lý ấy nên các chủ lò rèn thường không sắm sẵn người thổi lửa mà dành cái chuyện… “xụt bệ” ấy cho khách hàng, tức là ưu tiên phần mệt nhọc cho… thượng đế. Nếu cứ quẳng đại cuốc, liềm… ở lò rèn kèm câu “mai lấy” có khi tới đời Tám Hoánh mới có. Muốn nhanh, phải “xụt bệ” thôi, quan cũng như dân. Vì thế, tôi bảo người ta thường… khen cái thằng “xụt bệ lò rèn” thì có gì là sai, nhỉ? Có điều bây giờ chơi toàn quạt gió gắn mô tơ điện nên có muốn “xụt bệ” cũng chẳng có bệ đâu mà xụt!
LÊ TRÂM