Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Cuộc hạnh ngộ đặc biệt
Máu của tuổi hai mươi đã đổ bên ngoài Tổ quốc. Gần 40 năm sau, những “người con xa quê” có cuộc hạnh ngộ đặc biệt trước giờ lên đường về với đất mẹ Quảng Nam.
Tin liên quan
|
Lễ cầu siêu anh linh các liệt sĩ tại chùa Tuệ Châu (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: T.C |
Vọng tiếng kinh cầu
Trong tiếng kinh cầu trầm mặc, chùa Tuệ Châu (nằm ở huyện Hóc Môn, ngoại ô TP.Hồ Chí Minh) đón hài cốt các liệt sĩ về trong chiều cuối cùng của tháng 6. Những chuyến xe, sau hành trình dài đưa thân nhân liệt sĩ và các đồng đội đi khắp nghĩa trang quy tập từng bộ hài cốt, đã lặng lẽ trở về đây, chuẩn bị cho lễ cầu siêu trước khi lên đường. Chiều Sài Gòn, bỏ mặc mây xám giăng ngang trời, rất đông người đã lặng lẽ đến, sẵn sàng chờ đón các anh. Họ là thành viên trong Chi hội 5 Nghĩa tình đồng đội ở TP.Hồ Chí Minh, cũng là những người đồng đội đã cùng các anh gửi lại tuổi xuân cho cuộc chiến bên kia biên giới và may mắn được trở về. Một dãy bàn dài phủ vải điều được sắp sẵn, những đóa hoa tươi đặt ngay ngắn trên bàn, và một bàn cầu siêu do các nhà sư ở chùa chuẩn bị cho lễ cầu siêu đã yên vị chờ 64 hài cốt liệt sĩ về đoàn tụ. Khi đoàn xe trở về, đồng đội ra tận cửa đón từng chiếc quách, đặt đóa hoa tươi lên lá cờ Tổ quốc, xếp thành dãy dài trước bàn cầu siêu. Sau gần 40 năm, ngày về, các anh được ở bên nhau, những người lính cùng quê hương, cùng đơn vị rồi cuối cùng cũng có ngày hạnh ngộ…
Chi hội 5 Nghĩa tình đồng đội tại TP.Hồ Chí Minh được Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 309 thành lập vào tháng 11.2014. Chi hội có nhiệm vụ kết nối thông tin đồng đội, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ trong công tác tìm kiếm, di dời hài cốt. Kể từ khi thành lập, chi hội đã 10 lần phối hợp với các ban liên lạc để đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà. Với Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam, đây là lần thứ 3 họ cùng thực hiện việc làm ý nghĩa này. |
Cơn mưa dông cuối ngày không át được tiếng kinh cầu linh diệu, vang lên lời tịnh độ. Dưới chân tượng Phật, nhiều thân nhân nắm chặt trong tay tấm bài vị, không giấu được dòng nước mắt lăn dài trên gò má. Đêm, trong tiếng kinh cầu siêu dưới màn mưa đen đặc, chúng tôi nhớ mãi dáng hình khắc khổ của bà Phạm Thị Sáu (ở xã Đại Quang, Đại Lộc), chị ruột liệt sĩ Phạm Văn An. Tuổi đã ngoài 60, bà Sáu lặn lội đi tìm hài cốt của người em trai duy nhất trong gia đình, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đi suốt hai ngày ròng rã, vừa trở về chùa, dự lễ cầu siêu cho liệt sĩ, mắt bà vẫn đau đáu hướng về nơi đặt hài cốt em trai. Khi tâm nguyện hoàn thành, sương gió thời gian đã phủ trắng mái đầu người chị liệt sĩ. Từ lúc này, bà hẳn đã có thể an yên với tuổi già của mình ở nơi quê nhà, khi em trai mình sắp được trở về quê hương sau bao năm xa cách.
Cuộc hạnh ngộ giữa Sài Gòn tại ngôi chùa nhỏ ở Hóc Môn, bắt nguồn từ một cơ duyên giữa thành viên Ban liên lạc Chi hội 5 Nghĩa tình đồng đội và sư thầy Thích Chí Giác Châu - trụ trì chùa Tuệ Châu. Thầy Châu là người Quảng, đã sẵn lòng tiếp đón toàn bộ liệt sĩ và các thân nhân về chùa để tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh các anh. Ngày đón đoàn, các sư thầy và phật tử chùa Tuệ Châu đã chu toàn mọi việc, từ đón tiếp thân nhân, bố trí chỗ ăn nghỉ, chuẩn bị cho lễ cầu siêu. “Chúng tôi đón các anh bằng niềm tri ân, bằng lòng biết ơn những hy sinh xương máu của các anh cho Tổ quốc. Đây cũng là chút tình của các sư thầy, phật tử của chùa dành lại cho quê nhà Quảng Nam, mong cho anh linh của các anh nay trở về với cội nguồn, yên nghỉ vĩnh hằng cùng đất mẹ” - sư thầy Giác Châu nói.
Vòng tay đồng đội
Khi chúng tôi theo đoàn xe trở về chùa, đã thấy những cựu binh chờ sẵn. Đồng đội năm xưa của các liệt sĩ hay tin về cuộc di dời, đã lặn lội tìm đến, dù chỉ để thắp một nén tâm nhang. Ông Dương Trường - cựu binh Trung đoàn 96 Sư đoàn 309 - cũng là người đồng hương Quảng Nam đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh, đón từng hài cốt đồng đội từ những chuyến xe. “Hàng chục nghìn liệt sĩ, những người anh em đồng đội với chúng tôi, đã nằm lại sau cuộc chiến suốt gần 40 năm. Chúng tôi, là những người diễm phúc được sống sót, tự thấy mình phải góp chút sức lực để tìm kiếm, đưa đồng đội trở về từ các nghĩa trang. Chừng đó năm xa cách quê nhà, người thân mòn mỏi ngóng chờ không tung tích, đã đến lúc các anh được trở về trong vòng tay đồng đội, quê hương” - ông Trường tâm sự. Người cựu chiến binh già mang theo suy nghĩ ấy đi suốt những cuộc quy tập, di dời hài cốt từ nhiều năm nay, lặn lội theo những đoàn xe về tận Quảng Nam dự lễ truy điệu. Chiều ở chùa Tuệ Châu, đón đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ, ông lại ra tiếp từng đồng đội đến thăm, những câu chuyện, hồi ức về cuộc chiến cứ thế miên man trong nỗi mừng tủi của những người một thời sinh tử…
Phương Nam, đêm hạnh ngộ. Một cuộc gặp đặc biệt của người đã nằm xuống, người gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường, và người may mắn trở về lành lặn. Ám ảnh về cuộc chiến, lằn ranh sinh tử, và hồi ức máu xương của một thời đậm đặc trong những câu chuyện. Cựu chiến binh Lê Trung Chánh (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) - sĩ quan Sư đoàn 5 trong cuộc chiến tại Campuchia giữa quân tình nguyện Việt Nam và chế độ diệt chủng Pol Pot - lặng lẽ len qua dòng người, thắp nén nhang tại bàn cầu siêu. Một cánh tay ông Chánh đã gửi lại chiến trường Campuchia, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Ông Chánh, khi hay tin, đã cùng người bạn của mình là cựu chiến binh Đinh Văn Trí (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đến chùa Tuệ Châu tiễn đưa các liệt sĩ. Hai người bạn, hai người đồng đội, một trong bộ quân phục sĩ quan, một người khoác chiếc áo sơ mi cũ bạc màu, khoác vai nhau đi giữa sân chùa sau khi thắp nhang cùng đồng đội, hàn huyên bao chuyện vui buồn. Ông Trí là cựu chiến binh Trung đoàn 82 của Sư đoàn 309, cuộc sống khá chật vật ở quê nhà Kiên Giang với nghề thợ hồ. Nhưng trong những lần quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Campuchia, người cựu chiến binh già lại lặn lội bắt xe lên thành phố, đến để gặp lại anh em, đồng đội, dù chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Những cái siết tay thật chặt, những cái ôm không trọn khi chỉ còn một cánh tay… Họ đến từng chiếc quách đặt hài cốt đồng đội, khẽ chạm tay vào một cái tên quen, rồi lặng lẽ thắp nhang, ngồi lại với nhau trong góc sân chùa cùng ôn lại hồi ức. Trong vài tiếng ngắn ngủi trùng phùng ấy, là biết bao cảm xúc, bao câu chuyện về thời xưa, thời nay, về từng đồng đội mà không ít người đã vĩnh viễn ra đi không trở về…
Nối dài nghĩa tình
Trong đêm hạnh ngộ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thạnh được đồng đội đưa đến thắp nhang trên chiếc xe lăn. Ông Thạnh từng là người lính cao 1m78, nhưng khi từ cuộc chiến trở về ông chỉ còn… 1m, khi đôi chân đã để lại ở Pailin (Campuchia) vào năm 1980. Ông Thạnh trầm ngâm rất lâu, nhìn khói hương nghi ngút trước hài cốt 64 người đồng đội. Họ đã trở về. Gặp nhau nơi này, khi người còn, người mất, nhưng xúc cảm và nghĩa tình thì vẫn vẹn nguyên như ngày khói lửa, như vẫn cùng nhau hành quân dưới rừng khộp mùa khô, chia cho nhau từng vốc gạo rang, từng hốc nước mưa chống khát. Sau làn khói nhang, 64 liệt sĩ đồng đội, chắc cũng đang hiện hữu đâu đó trong câu chuyện của những cựu binh, trong ký ức về những chiến trường xa xôi bên kia biên giới của ngày tháng cũ… Ít người biết rằng, để có những cuộc hạnh ngộ đặc biệt, như đêm này, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thạnh và đồng đội vẫn ngày ngày mải miết theo hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ khắp các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Những cuộc hạnh ngộ sẽ nối dài qua các chuyến đi, trong nghĩa tình đồng đội… |
_________
Kỳ cuối: Nước mắt trùng phùng
Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ