Thiếu nhân lực du lịch
Với tốc độ tăng trưởng khách hàng năm hơn 10%, cùng sự cạnh tranh từ các thị trường lân cận, du lịch Quảng Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn lực lao động.
Du lịch Quảng Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.Ảnh : V.L |
Dạo một vòng các cơ sở lưu trú, công ty du lịch tại Hội An, dễ dàng nhận thấy việc treo bảng tuyển dụng nhân viên rất nhiều, từ lễ tân, buồng phòng đến bếp, pha chế, bảo vệ… Khảo sát một số đơn vị, hầu hết cho hay số lượng tuyển dụng vẫn chưa đáp ứng. Nơi dễ tuyển dụng thì mức lương không cao nên ứng viên không mặn mà. Nơi chế độ đãi ngộ tốt thì yêu cầu khắt khe, ứng viên chưa đáp ứng. Chính những điều này dẫn đến có độ “chênh” giữa doanh nghiệp và người lao động.
Thiếu và yếu
Dự kiến cuối năm nay khách sạn Phú Thịnh (Hội An) sẽ bổ sung khoảng 20 phòng vào hệ thống dịch vụ lưu trú của mình. Tuy nhiên, nỗi lo hiện tại của bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh không phải là khách lưu trú mà là lực lượng nhân viên tăng thêm. Theo tính toán của bà Anh, với việc tăng thêm số phòng lưu trú, số lao động bổ sung ít nhất cũng khoảng 20 người tại các bộ phận. Dù vậy, đến nay việc tuyển dụng của khách sạn vẫn trong quá trình sàng lọc, một số vị trí như pha chế đang tiếp tục tuyển dụng. “Không chỉ lao động có chuyên môn, kể cả lao động chưa qua kinh nghiệm chúng tôi cũng sẵn sàng nhận vào để đào tạo, nhưng xem ra vẫn khó tìm được nguồn lực như ý, do một số lao động không thật sự yêu nghề hoặc không nhiệt tình với công việc” - bà Anh chia sẻ. Hiện tại, mức lương thấp nhất khách sạn Phú Thịnh trả cho nhân viên chừng 4 triệu đồng/tháng (cùng các chế độ theo quy định); với các trưởng bộ phận, tiền lương cao hơn rất nhiều; riêng vị trí giám đốc điều hành mức lương không dưới vài nghìn đô la. Bà Anh cho rằng, trong lĩnh vực lưu trú, nếu người lao động không thật sự cầu tiến và có trách nhiệm với công việc sẽ dễ dẫn đến chán nản bỏ việc hoặc chuyển việc, đây cũng là một trong các nguyên do khiến lực lượng lao động luôn chuyển dịch và hao hụt tại các doanh nghiệp du lịch.
Tương tự, hơn một tháng nay Công ty CP Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) thông báo tuyển dụng 4 vị trí điều hành và kinh doanh nhưng vẫn chưa tìm ra nhân sự thích hợp. Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho hay, lao động hoạt động trong lĩnh vực lữ hành ngoài chuyên môn phải có kinh nghiệm thực tế, kể cả ngoại ngữ nên rất ít người đáp ứng. “Với bộ phận kinh doanh, chúng tôi trả lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng cùng phần trăm hoa hồng trích trên hợp đồng nhưng vẫn không tuyển được người đạt yêu cầu. Những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao thì không nhiều hoặc đang làm ổn định tại các doanh nghiệp, còn người mới ra trường lại yếu các kỹ năng nên khó tuyển dụng, dù chúng tôi chấp nhận cho thử việc, học việc cũng như đào tạo lại nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu” - ông Lộc nói.
Cạnh tranh chất lượng lao động
Việc thiếu hụt nhân lực lao động trong ngành du lịch không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được cảnh báo từ vài năm nay. Đặc biệt, dự báo khi các dự án du lịch nam cầu Cửa Đại đi vào hoạt động thời gian tới, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch sẽ gay gắt hơn. Trong đó, chỉ riêng khu phức hợp 5 sao Vinpearl nam Hội An khi hoàn thành (năm 2019) sẽ cần khoảng 1.000 lao động. Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định, lao động trong ngành du lịch đang trong tình trạng thiếu hụt, khi các dự án du lịch nam Hội An hoàn thành tình hình sẽ càng trầm trọng. “Trong chức năng của mình hiệp hội cũng chỉ khuyến nghị các trường nên đào tạo những ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu như lễ tân, buồng phòng, bar, bếp, bảo vệ du lịch,… chứ hiệp hội không có kinh phí để làm việc này. Mấy năm trước chúng tôi cũng đã đứng ra tổ chức một vài đợt tập huấn ngắn hạn nhờ kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, còn về lâu dài chủ yếu vẫn là sở VH-TT&DL hoặc các trường có đào tạo chuyên ngành văn hóa du lịch chủ động việc này” - ông Vân nói.
Dù phần lớn doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lao động sẽ tự đào tạo lại cho phù hợp với điều kiện công việc nhưng không phải chất lượng nguồn lao động đều đảm bảo. Riêng với nguồn nhân lực cao cấp, đang diễn ra quá trình cạnh tranh gay gắt chủ yếu do việc dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, điều này khiến không ít đơn vị “đau đầu” để giữ lao động của mình. “Lao động bây giờ đã trở thành một dạng hàng hóa nên nơi nào có lương cao, chế độ chính sách tốt, có thể phát huy được năng lực thì lao động tìm tới. Do đó số lao động du lịch ở Hội An cũng dịch chuyển liên tục, nhất là trong tình hình nhiều cơ sở, doanh nghiệp mới ra đời như hiện nay. Doanh nghiệp bây giờ không chỉ cạnh tranh về chất lượng dịch vụ mà còn cạnh tranh cả chất lượng lao động” - ông Vân cho biết thêm.
Xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch Theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017-2020 do Sở VH-TT&DL soạn thảo (đang trình UBND tỉnh thông qua), với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, nhất là khi các dự án du lịch đầu tư hoàn tất, dự kiến đến năm 2020 du lịch Quảng Nam sẽ cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo đến năm 2020 chỉ khoảng 10 nghìn lao động. Theo bà Lê Thị Châu Trinh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú Sở VH-TT&DL, bên cạnh giải pháp như thực hiện liên kết với các trường ngoài tỉnh có uy tín, chất lượng để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghề du lịch, UBND tỉnh cũng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam. Nếu đủ điều kiện, phấn đấu đến năm 2018 nâng cấp thành trường cao đẳng, cùng với đó sẽ đăng ký mở một số mã ngành đào tạo về nghề du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% số lao động tại các doanh nghiệp du lịch, khu - điểm du lịch trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề cơ bản, thiết yếu như nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, phục vụ bàn, thuyết minh viên. Phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo cơ bản hình thành đội ngũ nhân lực ngành du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. “Để đạt mục tiêu đặt ra, đề án cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình đào tạo. Trong đó, tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh” - bà Trinh nói. |
VĨNH LỘC