Làm lại cuộc đời sau lầm lỗi

VĂN TOÀN -  TRUNG THỰC 13/07/2017 08:29

Tại huyện Thăng Bình, những người chấp hành xong án phạt tù được sự giúp đỡ của người thân và cộng đồng xã hội, đã làm lại cuộc đời trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Sau thời gian kiên trì học nghề mộc, anh Nhường đã có một cơ sở sản xuất nội thất với mức thu nhập ổn định.
Sau thời gian kiên trì học nghề mộc, anh Nhường đã có một cơ sở sản xuất nội thất với mức thu nhập ổn định.

Trở về địa phương sau 3 năm ở trại giam với tội danh cố ý gây thương tích, anh Nguyễn Văn Thìn (thôn Thái Đông, xã Bình Nam) quyết tâm làm lại cuộc đời trên  mảnh đất quê. Vượt qua mặc cảm và những khó khăn, thiếu thốn ban đầu, anh mở tiệm sửa xe máy, điều mà ngay cả trong giấc mơ anh cũng không dám nghĩ tới, nhất là sau những lỗi lầm trong quá khứ. Với anh, sự khoan hồng của pháp luật, sự động viên giúp đỡ của chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở địa phương đã giúp anh làm lại cuộc đời. Nhớ lại những ngày đầu chập chững học nghề tại Đà Nẵng, sau khi được đặc xá cách đây khoảng 10 năm, anh kể lúc đó khó khăn lắm, không có phương tiện đi lại phải cuốc bộ gần 5km mới tới địa điểm học nghề. Không nản chí, với sự kiên trì, chịu khó học hỏi, chỉ trong 6 tháng anh đã cơ bản thuần thục công việc. Hiện nay, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng từ công việc sửa xe máy, cuộc sống của gia đình anh Thìn đã khấm khá hơn trước. Ngoài ra, anh còn nhận giúp đỡ, dạy nghề miễn phí cho 2 “học trò” theo học nghề tại tiệm sửa xe máy của mình.

“Sau khi được đặc xá trở về địa phương, tôi quyết tâm từ bỏ rượu chè, cờ bạc, thuốc lá để quyết tâm làm nghề. Bởi những ngày tháng trong trại giam đã giúp tôi hiểu được thế nào là giá trị của cuộc sống” - Anh Thìn chia sẻ.

Vừa tỉ mỉ chạm khắc những họa tiết hoa văn của các bộ bàn ghế nội thất cho khách, anh Trần Văn Nhường (thôn Thái Đông, xã Bình Nam) vừa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện mà anh cho đó là một phép màu. Trở về địa phương sau 10 năm chấp hành án phạt tù, có lẽ với anh, khoảng thời gian ấy cũng đủ để anh thấm thía được giá trị đích thực của cuộc sống. Nhưng điều mà anh Nhường không dám đối mặt chính là sự kỳ thị của một số người dành cho anh. Đó cũng chính là tâm lý hiển nhiên khi một người mới mãn hạn tù như anh, chưa ai có thể tin tưởng được việc làm lại cuộc đời.  “Ngày ra tù, tôi chỉ có đôi bàn tay trắng. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự động viên, hỗ trợ từ gia đình, sau hơn 4 năm theo học nghề mộc, năm 2013 tôi đã tự mở được một cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất cho riêng mình” - anh Nhường nhớ lại. Anh chuyên tâm vào công việc với mong muốn được bù đắp lại những sai lầm trước đây, nhất định cộng đồng xã hội sẽ có cái nhìn bao dung hơn đối với những người từng chấp hành án phát tù như anh. Thượng tá Phan Văn Ngạt - Phó trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết, hiện nay, đơn vị quản lý hơn 900 đối tượng chấp hành xong án phạt tù về sinh sống, lao động tại địa phương. Họ đều chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó có nhiều cá nhân có mô hình kinh tế hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

“Các địa phương ở huyện Thăng Bình đang tiến hành thành lập mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm giúp các trường hợp này có thêm điều kiện học nghề, giao lưu học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là việc tuyên truyền cho người dân có cái nhìn thiện cảm hơn, nhân văn hơn đối với người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương, qua đó giúp các trường hợp này tái hòa nhập cộng đồng, sớm có một cuộc sống ổn định” -  Thượng tá Phan Văn Ngạt cho biết thêm.

VĂN TOÀN -  TRUNG THỰC

VĂN TOÀN -  TRUNG THỰC