Trở về đất mẹ - Kỳ 2: Trên chuyến xe đêm
Đêm, trên chuyến xe đang lặng lẽ lăn bánh về phương Nam, xen giữa giấc ngủ chập chờn của các cựu chiến binh là những mảnh ký ức về chiến trường K, về tuổi đôi mươi nằm lại phía bên kia biên giới, và cả nỗi hoài mong của thân nhân liệt sĩ. Tacô, Pailin, Phnôm Mêlai… những cái tên được nhắc nhớ trong hồi ức về Battambang, về nơi biết bao chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân vì đại nghĩa…
|
Chiếc xe lăn bánh rời Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, đưa hài cốt các liệt sĩ trở về đất mẹ Quảng Nam. Ảnh: T.C |
Ký ức nơi “giữ” tuổi đôi mươi
“Mười năm bộ đội Việt Nam chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt, Battambang được xem là chiến trường đẫm máu nhất. Những binh đoàn, sư đoàn thiện chiến nhất đều đã chiến đấu trên địa bàn này” - nhà báo Lưu Nhi Dũ, cựu binh Trung đoàn 812 Sư đoàn 309, viết về Battambang trong bài “Hoa thanh thản ở Pailin”. Với ông Dũ và những cựu binh cùng thời ở Sư đoàn 309, nơi này như một miền ký ức không thể lãng quên, cất giữ những tuổi đôi mươi bất tử của đồng đội. “Nhớ những đêm phục địch dưới tán thốt nốt lao xao gió lạnh sương đồng, những ngày cáng thương mệt mỏi, những trận đánh dữ dội, hỏa lực sáng rực trời đêm, có khi làm những tán cây thốt nốt cháy như những ngọn đuốc giữa trời…”, ngày tháng cũ vẫn sống đâu đó trong lòng những cựu binh như ông Dũ, để cháy lên niềm nhớ mỗi khi ai đó khẽ gọi tên Battambang. Miền nhớ, có đồng đội, có những trận đánh oai hùng, nhưng cũng là nơi chất chứa bao ám ảnh.
Chúng tôi ngồi cùng cựu binh Võ Văn Dũng (Trung đoàn 96 Sư đoàn 309, hiện sống ở xã Duy Sơn, Duy Xuyên), lặng nghe ông kể những kỷ niệm về chiến trường Campuchia, về những chuyến hành quân dưới rừng khộp, không có nước, phải nhúng chiếc khăn mặt vào hốc nước mưa đọng lại nơi gốc cây khô rồi vắt uống. Cái chết, có thể đến bất cứ lúc nào, khi bước vào cuộc chiến. Đồng đội của ông Dũng, có người hy sinh khi trong miệng vẫn đang còn nửa lát bánh tét chưa kịp nuốt. Có những người liều mình băng qua làn đạn, chỉ để lấy cánh tay còn nguyên vẹn của đồng đội tử thương vì dẫm phải mìn. Ông Dũng đưa cho chúng tôi xem danh sách liệt sĩ được quy tập hài cốt trong đợt đi này, toàn tuổi mười tám, đôi mươi. Những thanh xuân bất tử…
Xe rời nghĩa trang, ngoảnh lại vẫn thấy khói nhang còn thấp thoáng dọc những ngôi mộ. “Về thôi, ông!”. Bà Thự ôm lấy chiếc quách đựng hài cốt chồng - liệt sĩ Võ Ngọc Lắm, nói khẽ. Đã thấy nụ cười trên khóe mắt in hằn dấu chân chim của người vợ liệt sĩ, trên chuyến xe trở về… |
Battambang là cái tên chúng tôi được nghe nhiều nhất trên chuyến xe. Những địa danh xa lạ của Battambang hiện lên trong câu chuyện đứt gãy của từng cựu binh, về một trận đánh, một chuyến hành quân, hay chỉ giản đơn là trí nhớ về “phum” (làng) nào đó của người bản địa mà họ từng dừng lại một lần trong những năm tháng chiến đấu ở xứ người. Nỗi nhớ về một thời tuổi trẻ. Ai đó nhắc lại vài câu thơ trong bài “Chiều sân ga” của nhà thơ Lê Văn Vọng: “Con tàu đi đi xuyên đêm/ Những người lính bước vào trận mới/…/ Những người lính mười tám, đôi mươi/ Bàn tay như bàn tay con gái/ Những chiến sĩ như ban mai/ Chia tay/ Không hẹn ngày trở lại…”. Là họ, những người lính ngày ấy, và cả những người đồng đội đang ở đâu đó trong các nghĩa trang Tây Ninh, Bà Rịa, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh…, hay phía bên kia biên giới chưa kịp trở về.
Trên chuyến xe đêm, những cựu binh đã hội ngộ cùng đồng đội, cùng tuổi trẻ chính mình, qua những câu chuyện miên man của miền ký ức. Những câu chuyện được nối dài, như cánh cổng vô hình mở về quá khứ, về Battambang xa xăm bên kia biên giới của hơn 30 năm về trước…
Chờ đợi trùng phùng
Chúng tôi theo chuyến xe số 4, lên Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), cách Sài Gòn hơn 120 cây số. Chiều Tân Biên mưa ướt cây lá, thăm thẳm gợi nhớ những chuyến hành quân xuyên rừng ở đất Campuchia như lời kể của các cựu binh. Ngồi trên xe có bà Lâm Thị Thự, vợ liệt sĩ Võ Ngọc Lắm (quê xã Đại Thạnh, Đại Lộc). Hài cốt liệt sĩ Lắm đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên. Bà Thự kể, tháng 8.1980, chồng nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 812 Sư đoàn 309. Ông cùng đồng đội sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Bà Thự khi ấy đang mang thai đứa con đầu lòng, tiễn chồng đi với niềm tin rằng chỉ vài năm nữa sẽ lại đoàn viên. Những lá thư đi, báo tin đứa con trai đầu lòng chào đời, càng tăng thêm niềm mong ngày đoàn tụ. Không may, cháu bé sinh ra được vài tháng thì lên cơn sốt cao và mất. Bà Thự chỉ còn mình chồng để chờ đợi, cho nguôi đi nỗi đau quá lớn của cuộc đời. Vậy mà, đến tháng 12.1983, chồng “trở về” bằng vỏn vẹn cái tên trong giấy báo tử, ghi nơi hy sinh là một địa danh bà chưa từng được nghe trong đời: “Tacô, Battambang, Campuchia”. Chắc hẳn, người lính quê xã Đại Thạnh năm ấy không bao giờ nghĩ lần vẫy tay chào tạm biệt quê nhà để lên đường nhập ngũ là lần cuối cùng được nhìn thấy người thân. Còn bà Thự, suốt gần 35 năm vẫn nghĩ chồng mình đang nằm ở nghĩa trang Skê Contiếc ở Campuchia. Ý nghĩ ấy, theo bà suốt chuyến xe, vì bà vẫn đinh ninh nơi mình đang đến trong chuyến đi lần này, là bên kia biên giới…
Cựu binh Võ Văn Dũng kết nối điện thoại cho bà Thự gặp ông Bảy, một đồng đội cũ cùng đơn vị của liệt sĩ Lắm ở quê nhà. “Anh ơi, anh nhớ gì về anh Lắm không anh. Em vợ Lắm đây. Anh Lý Phương (liệt sĩ Lý Phương) cũng về đợt này đó anh. Phương vừa qua, là chết. Anh Lắm thì đến cuối năm tám ba (năm 1983 - PV) em mới nhận được tin ảnh hy sinh. Anh ơi, sao chỉ cách nhau có mấy chục cây, mà gần 40 năm nay em không biết anh để đi tìm anh Lắm. Ngày xưa, ảnh có kể gì về vợ con không anh. Sao mà ảnh chết…” - những câu hỏi tuôn ra, trong tiếng nấc nghẹn của bà Thự. Nước mắt, cứ thế chảy dài trên gương mặt người phụ nữ, trong màn mưa đen đặc vây lấy chuyến xe đêm ngược về biên giới.
“Về thôi, ông!”
Xe đến nơi, cánh cổng Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên đã khép, chỉ có ánh đèn sáng nhờ nhờ hắt lên, không đủ xuyên qua những tàn cây rậm rịt phía trên đầu. Bà Thự tần ngần đứng trước cánh cổng. Nhưng trong đêm tối trời, giữa màn mưa, biết anh ở đâu giữa 14.000 ngôi mộ liệt sĩ đang nằm tại nghĩa trang vùng biên giới, cách cửa khẩu Xa Mát chỉ chừng mươi cây số này?
Trời chưa sáng hẳn, bà Thự đã dậy thật sớm, nhờ thành viên ban liên lạc liên hệ để vào nghĩa trang. Người quản trang lật sổ lần tìm danh sách liệt sĩ, rồi đưa chúng tôi đi vào sâu khu D. Túi đồ bà Thự mang theo tuột khỏi tay, chân bà không thể đứng vững trước ngôi mộ nhỏ ghi tên chồng. Tiếng khóc vỡ ra, tan trong mênh mông những hàng mộ, như chất chứa những mong chờ mòn mỏi suốt bao nhiêu năm. Bà đã chờ cuộc trùng phùng này rất lâu rồi. Bàn tay lần theo từng dòng chữ khắc trên bia mộ, những tủi hờn theo dòng nước mắt tuôn rơi. “Anh ơi, con bỏ em, đến anh cũng bỏ em đi…”. Bóng người đàn bà đổ xuống bên ngôi mộ lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của nghĩa trang, trong làn khói hương nghi ngút. Đồng đội liệt sĩ Lắm lặng lẽ trải lá cờ bên trong quách, chuẩn bị bốc mộ. Những tiếng nấc nghẹn không dừng lại, vỡ theo làn khói nhang, loang trong buổi sớm vùng biên đẫm sương lạnh. Nắm hài cốt bọc kín trong tấm tăng cũ được đồng đội gói kỹ bằng tấm vải đỏ đặt vào quách, đóng kín, phủ lá cờ Tổ quốc vuông vức lên trên. Chúng tôi dìu bà Thự theo chân hai người đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Lắm ra đài tưởng niệm để thắp hương, bàn tay bà vẫn với theo chiếc quách đựng hài cốt người chồng đã lìa xa bà và đồng đội suốt gần 35 năm ròng.
Buổi sáng gần cửa khẩu Xa Mát, trời xanh trong. Xe rời nghĩa trang, ngoảnh lại vẫn thấy khói nhang còn thấp thoáng dọc những ngôi mộ. “Về thôi, ông!”. Bà Thự ôm lấy chiếc quách đựng hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lắm, nói khẽ. Đã thấy nụ cười trên khóe mắt in hằn dấu chân chim của người vợ liệt sĩ, trên chuyến xe trở về…
-------------
Kỳ 3: Nghĩa cử từ trái tim
Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ