Tấm lòng của ông Tâm

NGÂN ÁNH - THY CHINH 11/07/2017 08:55

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng ông Hoàng Ngọc Tâm ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh (Thăng Bình) vẫn luôn quan tâm với công việc thiện nguyện và sống có trách nhiệm với xã hội.

Ông Hoàng Ngọc Tâm đang dọn dẹp vệ sinh khu vực chợ Bình Minh.
Ông Hoàng Ngọc Tâm đang dọn dẹp vệ sinh khu vực chợ Bình Minh.

Quản trang tự nguyện...

Nhìn ông Tâm chăm chút cho từng ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã, ít ai nghĩ rằng ông tự nguyện với công việc làm đẹp nơi an giấc nghìn thu của bao người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tôc. Hàng ngày, ngoài sửa xe đạp, công việc đầu tiên của ông vào mỗi buổi sáng là ra nghĩa trang tắt đèn điện rồi nhổ cỏ, dọn vệ sinh, đến chiều tối ông lại lo hương khói cho các liệt sĩ và bật đèn lên. Với ông, công việc đó như đã được lập trình sẵn, bởi ông nghĩ rằng mình và bao người có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Vì vậy, hơn 15 năm nay, ông tự nguyện trông coi nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Minh mà không đòi hỏi một quyền lợi gì cho riêng mình. Ông tâm sự: “Có người bảo tôi là gàn dở, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng tôi mặc kệ và cũng chẳng cần suy nghĩ gì, bởi nghĩa trang là nơi an nghỉ của các liệt sĩ - những người đã quên mình, hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhà tôi ở gần nghĩa trang liệt sĩ xã nên tôi xem việc hương khói, chăm lo phần mộ cho những người đã hy sinh vì nước vì dân như công việc của mình, tôi chỉ mong việc làm nhỏ nhoi của tôi sẽ  làm vơi bớt nỗi đau của thân nhân những liệt sĩ, đồng thời để vong linh họ bớt phần quạnh hiu”.

Bao năm qua, dù trời mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè, ngày thường hay mỗi dịp lễ tết, người dân quanh đấy vẫn bắt gặp ông ngày ngày vẫn lặng lẽ chăm chút, trông nom các phần mộ liệt sĩ. Những ai đến và đi ngang qua nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Minh đều cảm thấy ấm lòng vì nơi tôn nghiêm luôn được giữ gìn sạch đẹp. Đây là nơi yên nghỉ của gần 300 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông luôn tâm nguyện rằng còn sống ngày nào ông sẽ còn tiếp tục công việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của xã, dù không được chi trả một khoản phụ cấp nào.  

Quản lý chợ tận tụy, trách nhiệm

Ông Tâm được nhiều người yêu quý vì ông luôn giúp đỡ mọi người. Chính vì thế, khi chợ Bình Minh hoạt động trở lại, chính quyền xã đã tin tưởng, giao cho ông trông coi và quản lý khu chợ. Công việc tương đối vất vả, phụ cấp hằng tháng không nhiều nhưng ông nghĩ để phát triển kinh tế - xã hội của xã việc đông chợ trở lại là một việc đáng mừng nên ông đồng ý với công việc được giao. Dù mới gắn bó với chợ nhưng ông Tâm đã được nhiều tiểu thương quý mến bởi tinh thần trách nhiệm trong công việc và tính xốc vác, hay giúp đỡ mọi người. Từ 5 giờ sáng ông đã có mặt ở chợ, ngoài việc bơm nước, bật điện phục vụ các tiểu thương, ông còn giúp đỡ những ai gặp khó khăn như kéo cửa sắt, khuân đồ, đẩy xe… Nhận thấy ý thức chung của người dân chưa cao, ở ngã ba đầu chợ từ lâu trở thành nơi tập trung rác, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường ở khu chợ, ông đã không ngại khó ngại khổ, túc trực ở ngã ba chợ để nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức bảo vệ môi trường chung. Với sự cần mẫn, tận tụy của ông  đã có kết quả, ngã ba bây giờ đã thông thoáng, sạch sẽ, không còn rác, bởi người dân đã bỏ rác đúng nơi quy định.

Chị Phan Thị Kinh - một tiểu thương buôn bán ở chợ Bình Minh, chia sẻ: “Chú Tâm là người rất nhiệt tình, ở chợ này ai cũng quý chú cả, có chú tụi tui yên tâm buôn bán, bởi chú luôn giúp đỡ mọi người, lại thật thà, siêng năng. Chợ được sạch sẽ, thông thoáng như thế này cũng là nhờ có chú Tâm”. Làm được nhiều việc như thế, song hỏi chuyện ông chỉ cười: “Chính quyền đã giao việc, bà con tin tưởng thì mình phải cố gắng hoàn thành, vậy thôi”. Ông Trương Công Thuấn - Trưởng thôn thôn Hà Bình cho biết thêm: “Ông Tâm là một người rất có tâm, sống gần gũi hòa đồng với mọi người, từ việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã một cách tự nguyện đến làm công tác quản lý chợ, ông đều làm việc đầy trách nhiệm”.

NGÂN ÁNH - THY CHINH

NGÂN ÁNH - THY CHINH