Cần có chính sách hỗ trợ cộng tác viên dân số cơ sở
Là những người “vác tù và hàng tổng”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cộng tác viên (CTV) dân số đã nhiệt tình tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến với người dân, nhưng chế độ, chính sách cho đội ngũ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam có 3.699 CTV dân số/3.699 địa bàn, luôn có mặt từ nông thôn, thành thị đến vùng sâu, vùng xa. Đây là lực lượng đông đảo giúp ngành DS-KHHGĐ triển khai công tác đến tận cơ sở. Họ có mặt ở tất cả tổ dân phố, thôn, bản giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật thường xuyên về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe vị thành niên - thanh niên, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Cụ thể: giảm tỷ suất sinh thô từ 16,14% năm 2010 xuống còn 13,39% năm 2016; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 24,21% năm 2010 xuống còn 13,03% năm 2016, ổn định quy mô dân số, số con trung bình của một phụ nữ 2,11 tiệm cận dần mức sinh thay thế; cơ cấu dân số theo độ tuổi có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Hiện nay, mỗi tháng CTV dân số được hưởng phụ cấp 100.000 đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ không còn, thay vào đó là Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ không còn nên công tác DS-KHHGĐ đối diện với không ít khó khăn, CTV dân số là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, thù lao năm 2016 đến cuối tháng 10 mới có. Năm 2017 hiện nay đã qua 6 tháng đầu năm nhưng chưa có nguồn chi trả. Thực tế cho thấy, mức phụ cấp ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ CTV dân số. Bởi số tiền nhận được chưa tương xứng với công sức và chi phí đi lại họ đã bỏ ra. Chưa kể không có một cơ chế gì động viên chẳng hạn như thẻ bảo hiểm y tế để họ gắn bó với công việc. Qua trao đổi nhiều CTV dân số chia sẻ: “Chúng tôi làm CTV dân số cũng chỉ bởi lòng yêu nghề, mà đó còn là nghiệp đã chọn”. “Nói về thù lao hàng tháng chẳng thấm vào đâu, có khi không đủ đổ xăng”... Tâm nguyện của CTV dân số cũng chính là mong ước của ngành. Để tháo gỡ bài toán về nguồn lực phụ cấp cho CTV dân số có lẽ tùy điều kiện cụ thể từng nơi chúng ta nên kiêm nhiệm các CTV như: dân số, gia đình, trẻ em hay nhân viên y tế thôn bản, hiện nay ở cơ sở thành một người làm các nhiệm vụ nêu trên, đồng thời chi trả thù lao hàng tháng cho họ ở mức 0,3 lương cơ sở và hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện hàng năm trong thời gian làm CTV.
Thời gian tới, để đội ngũ CTV dân số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện hơn nữa để xây dựng đội ngũ CTV cơ sở có năng lực, lòng nhiệt tình trong công tác. Cùng với đó, cần nghiên cứu tổ chức đội ngũ CTV theo hướng lồng ghép, xem xét nâng mức phụ cấp hằng tháng, mua thẻ bảo hiểm y tế. Thiết nghĩ đó cũng là việc làm giúp CTV yên tâm công tác, đặc biệt là nguồn cổ vũ động viên sự nhiệt tình, để công tác DS-KHHGĐ thời gian đến đạt được hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng dân số của cộng đồng dân cư ở hiện tại và tương lai.
BS. PHAN ĐÌNH NHÂN