Việt Nam - Hà Lan: Quan hệ đối tác năng động và hiệu quả

QUỐC HƯNG (theo VNA/Diplomat) 11/07/2017 08:33

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan - một quốc gia châu Âu, được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả và toàn diện  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại La Haye, Hà Lan. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại La Haye, Hà Lan. Ảnh: VGP

Chuyến thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ ngày 9 đến 11.7 theo lời mời của Thủ tướng Mark Rutte nhằm tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Những lĩnh vực này là thế mạnh của Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, có thể tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan. Đến nay, nhiều địa phương của hai nước đã thúc đẩy các chương trình hợp tác nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các đô thị xanh, cung cấp nước sạch, cải thiện xử lý nguồn nước cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng và năng lượng. Đây là chuyến thăm Hà Lan lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ của mình trong khi đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan vào tháng 3 vừa qua. Trong cuộc hội đàm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

Kể từ khi Việt Nam - Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4.1973, mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả. Trong đó, quan hệ kinh tế gia tăng liên tục trong những năm gần đây và Việt Nam luôn xuất siêu. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Trong 5 tháng đầu năm 2017, thương mại hại chiều Việt Nam - Hà Lan đạt 2,9 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hà Lan chủ yếu là các mặt hàng hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, các sản phẩm hóa chất trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng ô tô, sữa và các sản phẩm từ sữa, tân dược. Hà Lan nằm trong số các nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam, đứng thứ 11 trong tổng số 119 quốc gia, vùng và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 287 dự án, tổng đầu tư 7,7 tỷ USD. Ngoài ta, Hà Lan cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong các hoạt động nhân đạo, đào tạo - giáo dục và y tế. Theo Cơ quan thống kê Hà Lan, hiện nay có khoảng 20.600 người Việt Nam đang sinh sống tại xứ sở hoa tulip này.

Năm 2017 được xem là năm sinh động trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan với nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các quan chức cấp cao hai nước cùng với việc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, có 55 thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3 vừa qua của bà Marjolijn Sonnema - Thứ trưởng phụ trách nông nghiệp của Bộ Kinh tế Hà Lan. Vào tháng 4 vừa qua tại Hà Lan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì Phiên họp lần thứ sáu Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hà Lan.

QUỐC HƯNG (theo VNA/Diplomat)

QUỐC HƯNG (theo VNA/Diplomat)