Nhớ ông Phan Duy Nhân

LƯU ANH RÔ 09/07/2017 18:26

(QNO) - Nhà thơ Phan Duy Nhân tên thật là Phan Chánh Dinh (còn có tên gọi khác là Nguyễn Chính) sinh ngày 6.10.1941; nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, chuyên viên cao cấp Ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cựu tù chính trị Côn Đảo (1968-1973)... vừa qua đời vào đêm 8.7.2017. Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ThS. Lưu Anh Rô, Hội Sử học Đà Nẵng, như một nén tâm nhang...

Nhà thơ Phan Duy Nhân, vợ Ngân Hà và hai con gái
Nhà thơ Phan Duy Nhân, người vợ Ngân Hà và hai con gái. 

Tài hoa ra trận

Tôi biết Phan Duy Nhân lần đầu tiên vào năm 2008, khi ông về Đà Nẵng, ghé lại cơ quan tôi, để cùng chúng tôi thực hiện tập sách “Đà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968”. Từ cái độ gặp nhau đó, tôi có dịp gặp Phan Duy Nhân đều đặn hơn. Càng về sau này, dường như ông về ở hẳn tại tại Đà Nẵng và tá túc tại chùa Quán Thế Âm, chỗ thầy Huệ Vinh. Từ dạo ấy, ông hay thường xuyên ghé chỗ tôi, bởi theo ông thì “mình thích mấy cậu làm sử”!

Phan Duy Nhân sinh tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Quê ở Quảng Trị nhưng Phan Duy Nhân sống từ nhỏ ở Đà Nẵng và trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và Đà Nẵng. Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, cả đời ông đã trải qua 3 lần bị thương và 3 lần bị địch bắt, tù đày, trong đó có 6 năm bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo (1968-1973). Người ta không những biết đến ông là Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, mà còn là một nhà thơ nổi tiếng, trong phong trào đô thị miền Nam. Năm 1965, khi đang làm nhà giáo dạy Văn tại Vĩnh Điện - Điện Bàn, Quảng Nam, Phan Duy Nhân có bài thơ kêu gọi mọi người xuống đường đòi tự do. Bài thơ này được ông gửi từ Hội An ra Huế để in trên tờ Nhận Thức. Bài thơ có đoạn: “Hãy đứng dậy tất cả/ Đấu tranh không mất gì/ Trừ cái gông trên cổ/ Trừ cái xiềng trên tay/ Hãy chiếm mọi ngã tư/ Trái tim làm khí giới/ Xông lên triệu triệu đồng bào”. Biết Phan Duy Nhân là tác gải bài thơ, thiếu tướng chế độ cũ Tôn Thất Xứng - Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật, gọi lên tra hỏi, vì bài thơ rất giống “Tuyên ngôn cộng sản”. Họ Phan tỉnh queo, cho rằng ông từng đọc Tuyên ngôn Cộng sản bằng tiếng Pháp ở Thư viện Đại học Huế! Vì bài thơ này mà ông bị giam đến nửa năm.

Phan Duy Nhân tại cuộc Họp mặt Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng (1970 - 1975), tháng 3.2010.
Phan Duy Nhân (người thứ 3) tại cuộc họp mặt Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (1970 - 1975), tháng 3.2010.

Với tôi, Phan Duy Nhân là một “hiệp sĩ Việt cộng”, có vốn học vấn sâu rộng, lại là người rất tôn trọng lịch sử và yêu mến những vấn đề lịch sử. Những lần gặp nhau, tôi ngồi nghe ông nói suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không hề tỏ ý mệt mỏi hay cắt lời ông. Tôi ngạc nhiên về trình độ học vấn uyên thâm, kiến văn sâu rộng của ông, nhất là về vấn đề tôn giáo, về các dòng thơ cổ điển và hiện đại, cùng với khả năng quan sát, chiêm nghiệm, phân tích cuộc sống xã hội đương đại.

Ai đã đọc “Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục sẽ thấy bóng dáng “hiệp sĩ” của Phan Duy Nhân trong nhân vật Phan Trịnh. Tuy nhiên, lần theo cuộc đời ông, tôi thấy chất hiệp sĩ thể hiện rõ qua các hành động độc đáo của ông trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đích thị là một “tài hoa ra trận”. Một Phan Duy Nhân là một “ngọn cờ” của phong trào nổi dậy chống chính quyền Thiệu - Kỳ tại Đà Nẵng, đường bệ, tự tin và thêm chút “bất cần đời” của một trí thức, đấu trí tay đôi với Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Quân đoàn 1, kết giao với bác sĩ, Thị trưởng Đà Nẵng là Nguyễn Văn Mẫn, nhằm âm thầm “lèo lái” phong trào đấu tranh theo hướng có lợi cho cách mạng, trong sự kiện “Đà Nẵng 76 ngày đêm”.

Ít người biết rằng Phan Duy Nhân chính là người đã nhận sự chỉ đạo của các ông Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng để thành lập “Bộ Tư lệnh ly khai Trần Hưng Đạo”, “quậy nát bươm” cái thị xã Đà Nẵng trong suốt phong trào đấu tranh làm rung chuyển miền Trung, làm chính quyền Sài Gòn kinh sợ! Phan Duy Nhân cũng chính là linh hồn của phong trào thanh niên tranh đấu trong cuộc tiến công, nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 tại Đà Nẵng, do chính ông Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà trực tiếp chỉ đạo từ bên trong. Trong sự kiện oai hùng đó, ông đã bị địch bắn nát chân phải tại chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng. Địch bắt được Phan Duy Nhân song ông không hề hé răng khai báo, mà vẫn cương cường đối đáp tay đôi với địch. Những ai từng ở các căn cứ cách mạng miền tây Quảng Nam đều hiểu rõ, khi Phan Duy Nhân “dinh tê” ra căn cứ, ông được lãnh đạo Quảng Đà là ông Hồ Nghinh hết sức thương mến. Có lần ảnh kể với tôi: “Có lần, mình theo anh em đốn củi đốt than, gùi xuống Hà Nha (tây huyện Đại Lộc) quê của cậu, để bán cho bà con. Có tiền, mình mua mấy bát đường táng đem về nấu chè đãi anh em ăn. Nghe chuyện, ông Hồ Nghinh gọi lên và nói: “Cậu là trí thức! Cậu không được làm vậy, lỡ bọn điệp báo địch mà chụp được tấm hình “bán than” của cậu, chúng lu loa lên là Việt cộng đối xử với trí thức thế này đây. Thì tôi biết ăn nói làm sao với bà con!”.

Vẹn tấm lòng son

Phan Duy Nhân khi làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính Phủ đã tham mưu cho Đảng nhiều quyết sách quan trọng về vấn đề tôn giáo, về quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Vatican… Ông có nhiều đóng góp đáng ghi nhận, nhất là việc ông vận động sự ủng hộ của nhiều chức sắc tôn giáo trong nước và là cầu nối cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các tôn giáo lớn trên thế giới, trong buổi đầu nước ta thực hiện đường lối “mở cửa”. Tuy là một chính khách lớn, song với nhân cách của mình, cùng phong thái như một “hiệp sĩ”, Phan Duy Nhân có những cách hành xử ít ai ngờ là sẵn sàng can thiệp, giúp đỡ mọi người gặp nạn hay gặp lúc khó khăn, bất kể họ là thuộc giai tầng nào, bất luận là “phía bên này” hay “phía bên kia”. Ông đã can thiệp và thuyết phục để chính quyền các địa phương đối xử một cách công bằng, quan tâm một cách tích cực hơn cho những người từng cộng tác với ông trong các phong trào đấu tranh trước 1975 hoặc những người thuộc “thành phần thứ 3” mà ông biết chắc họ là mẫu người “nặng lòng với dân tộc”, chứ không phải là người “chống cộng”. Tình cảm của ông đối với các Hòa thượng Thích Trí Quang, Thích Quang Thể… đều theo cái phong cách độc đáo này.

Những năm cuối đời, Phan Duy Nhân thường về Đà Nẵng và tá túc tại chùa Quán Thế Âm như một cư sĩ. Giải thích cho tôi về cách ăn bận và “ở ẩn” trong chùa của mình, ông kể rằng: Đâu khoảng năm 1992, Hòa thượng Thích Quang Thể ra Hà Nội họp, gặp ông đang công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ, khi nghe Phan Duy Nhân bộc bạch mình vẫn là phật tử và muốn theo gót các vị cư sĩ Phật giáo, Hòa thượng bèn nói: “Anh bôn ba việc đời cũng nhiều mà tâm chí vẫn muốn làm cư sĩ, như rứa là tốt!”. Vì lẽ đó, khi về hưu, Phan Duy Nhân thường thích ở các chùa và sinh hoạt như một cư sĩ thực thụ.

Từ chùa Quán Thế Âm, Phan Duy Nhân đã khởi xướng nhiều hoạt động bổ ích vừa liên quan đến văn hóa - lịch sử, lại vừa gắn bó với truyền thống Phật giáo xứ Quảng, nhất là gắn kết với sự phát triển chung của Đà Nẵng. Ông cùng thầy Huệ Vinh đề xuất cùng quận Ngũ Hành Sơn và Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng chúng tôi tổ chức các cuộc tọa đàm về Khu di tích, danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn liền với văn hóa Phật giáo xứ Quảng, về thân phận Huyền Trân Công chúa; đề xuất và vận động anh Nguyễn Bá Thanh bố trí một diện tích đất rất lớn tại xã Hòa Ninh (Hòa Vang) để xây dựng một Tàng Kinh Các, hay thành lập khu nghỉ dưỡng chữa bệnh của các Phật tử hảo tâm tại khu Suối Hoa, thuộc xã Hòa Phú (Hòa Vang) hoặc ông tích cực vận động thành lập Câu lạc bộ Thiện nguyện tại chùa Quán Thế Âm…

Nhiều lần ông Phan Duy Nhân kiến nghị với chính quyền TP.Đà Nẵng và bản thân ông đã tìm cách “xâu chuỗi, bắt mối” liên lạc lại, giúp đỡ, hỗ trợ các anh, chị từng cùng ông xuống đường đấu tranh thuở nào. Một dạo, theo đề nghị của tôi, ông đã dành cả một buổi chiều để cùng chúng tôi tìm nhà ông Hà Xuân Kỳ - từng là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo tranh đấu TP.Đà Nẵng”, trong sự kiện “Đà Nẵng 76 ngày đêm”. Khi hai người gặp nhau, họ ôm lấy nhau, nước mắt lưng tròng. Tôi xúc động, tần ngần đứng nhìn hai con người tiêu biểu của một thế hệ “xuống đường” tại Đà Nẵng ấy, và nghe câu nói nao lòng của ông Kỳ: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới được người của chính quyền đến thăm và nhắc lại chuyện xưa của anh em chúng mình! Cám ơn anh nhiều lắm!”. Phan Duy Nhân là vậy, vẫn cháy bỏng trong tim những kỷ niệm “xuống đường”.

Nay, ông Phan Duy Nhân đã đi xa, tưởng nhớ một người cách mạng trung kiên, một nhà thơ đấu tranh nhiệt huyết, một người nặng nghĩa thương yêu, tôi xin viết đôi dòng để bái vọng về ông…

LƯU ANH RÔ

LƯU ANH RÔ