Ra phố gặp làng...
Hồi nhỏ ở làng tôi mê nhất món bánh đúc gạo đỏ. Mỗi lần nghỉ học, mẹ tôi đưa ít tiền và cái rổ cho tôi đi chợ. Dặn mua món này món kia. Thực ra là bà đã định sẵn rồi. Tôi chỉ việc đưa cái rổ và tiền cho cô tôi, đang bán trầu cau ở chợ, và thuật lại lời dặn của mẹ. Cô sẽ mua cho và tôi chỉ việc bưng rổ về nhà. Có khi cô mua nhiều hơn những gì mẹ dặn, vì cùng là người buôn bán ở chợ, mua thường rẻ hơn người khác…
Bán bánh đúc và nông sản ở cạnh các bãi tắm Đà Nẵng.Ảnh: T.Đ.T |
1. Cô tôi đi mua các thức món mà mẹ tôi dặn thì tôi phải ngồi trên cái ghế con bằng gỗ trông hàng cho cô. Rất thích. Vì mỗi lần như vậy cô thường mua cho một đồng bánh đúc của bà cụ bên cạnh để tôi ngồi ăn. Trên cái mẹt bằng tre có lót tàu lá chuối là một ổ bánh đúc màu nâu đỏ làm bằng gạo ba trăng. Gạo ba trăng là tên gọi chung thứ gạo làm từ các loại lúa giống truyền thống như lúa đúc, lúa nhe, lúa trì…, đều có thời gian sinh trưởng trên dưới 90 ngày, chưa kể thời gian của tuổi mộng (hay mạ). Gạo không giã ra để lấy cám nên vị gạo rất béo. Người ta ngâm gạo rồi lọc bằng nước vôi và tro bếp để lấy ra bột làm bánh đúc. Nhìn cái dao bằng tre cật cắt bánh ra từng miếng trên cái trẹt, rồi nhìn sang hũ mắm nêm, lọ ớt bột bên cạnh là tôi đã chảy nước chân răng. Một đồng bánh đúc là đầy một cái đĩa con gà. Đổ vào đó ít mắm nêm và dầu phụng chín. Rắc thêm ít ớt bột. Bà cụ đưa cho tôi luôn kèm một nụ cười móm mém: “Ăn đi con. Cô mi đi mua nhanh thôi mà!”. Tôi ăn vừa xong đĩa bánh đúc, đang lúc đưa tay áo lên quệt miệng thì cô tôi về…
Sau này nhiều năm, tôi có thêm nhiều kỷ niệm khác với cái chợ Vải ở làng, nhưng hương vị của những đĩa bánh đúc cô tôi mua cho lúc ngồi trông hàng vẫn luôn chiếm vị trí quan trong trong trí nhớ của tôi về một thời cơ cực. Càng lớn lên, đi đây đi đó nhiều và ăn không thiếu những món cao lương mỹ vị nào, những lát bánh đúc gạo đỏ ấy vẫn cứ cồn cào trong trí nhớ.
Bỗng một hôm đang đi bộ tập thể dục trên bãi biển vào lúc trời chưa sáng tỏ, tôi đứng sựng lại khi ngang qua một chiếc xe máy và người đàn ông đang cắt bánh đúc trên một cái mâm thau. Vẫn miếng lá chuối lót trên mâm. Vẫn cái màu nâu đỏ của gạo quê. Vẫn là chút mắm nêm bỏ sẵn trong túi ni-lon cho khách dễ mang đi… Chỉ khác xưa là cái dao cắt Thái Lan, người bán bánh và cảnh quan chung quanh… Tôi đứng lại nói chuyện với người bán bánh, gọi điện thoại về nhà, gọi cho bạn rồi mua luôn mấy gói mang về. Cùng với tôi là nhiều người khác cũng đến mua. Có người là khách quen của hàng bánh đúc di động này hai ba năm nay. Năm ngàn đồng mỗi gói bánh đúc, đủ cho bữa điểm tâm của một người là quá rẻ.
Anh bán bánh đúc tên Quang, là người Đại Lộc, ở cách Đà Nẵng hơn 40 cây số. Anh rời khỏi nhà mỗi ngày từ 3 giờ sáng trên chiếc xe máy chở hàng chục mâm bánh đúc và đi bỏ mối cho nhiều nơi trước khi ra bán lẻ ở bãi biển cho khách thành thị. Để có xe hàng mỗi ngày, Quang kể anh chỉ ngủ mỗi đêm chưa đầy 3 tiếng, chưa kể ban ngày còn ngâm bột, chuẩn bị gia vị và làm bánh. “Ngủ nhiều thì lấy gì nuôi con ăn học đây!” - Quang chỉ nói gọn lỏn như vậy để trả lời cho sự ái ngại của tôi…
2. Trên đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) có một cụ bà bán khoai và sắn củ suốt nửa thế kỷ. Đó là món quà sáng cho đám học trò và những người lao động nghèo ở thành phố. Bây giờ có lẽ cụ không còn nữa và cái quán nhỏ ấy cũng mất dấu do tốc độ đô thị hóa phi mã lâu nay. Nhưng theo lời kể, con cháu cụ đã lớn lên, ăn học nên người từ cái hàng ăn sáng giản dị và quê mùa ấy kể từ ngày cụ rời quê ra phố trong làn sóng tản cư hồi chiến tranh. Cụ đã mang cái mộc mạc của quê làng theo mình từng ấy năm, không xa rời…
Ra biển, tôi lại gặp một thiếu phụ quê từ một xóm nhỏ ở Miếu Bông. Chị luôn có mặt trước bãi tắm Sao Biển, bên cạnh những resort du lịch cao cấp trên đường ven biển nối Đà Nẵng với Hội An, từ mỗi 5 giờ sáng… Dừng chiếc xe honda cà tàng trước một bãi tắm đông khách, chị bày ra trên hai cái thùng nhựa nào là sắn củ, khoai lang, đậu phụng luộc. Khoai hay sắn đều cắt thành khoanh thơm ngậy, ai mua 5 ngàn, 10 ngàn đều bán còn đậu phụng luộc bán theo lon… Chị kể, chị bán hàng ở đây đã hơn 7 năm, khoai sắn thì phải chọn mua loại ngon ở vườn, mùa nào cũng có; đậu phụng thì đến mùa thu hoạch ra tận ruộng mới mua được đậu tươi. Lấy công làm lời thôi, mà ba đứa con của chị có đứa đã học hết cấp 3. Nhìn nụ cười và đôi mắt tự tin của thiếu phụ bán sắn khoai luộc trên biển, bất giác tôi nhớ đến câu văn Nguyễn Quang Lập vừa viết trong tiểu thuyết Tình Cát của anh: “Về quê mới thấy những nụ cười tươi rói trên khuôn mặt già nua của những người đàn bà… Lam lũ bần hàn đã vắt khô những gương mặt xinh tươi nhưng nụ cười và đôi mắt thì không cưỡng được, vẫn lấp lánh xuân xanh…”.
3. Mỗi sáng bạn ra biển ở Đà Nẵng, từ phía công viên Biển Đông, phía đường Phạm Văn Đồng ngược về hướng nam, qua Mỹ Khê, T20 đến Furama…, bạn có thể gặp nhiều người ở nông thôn ra biển từ rất sớm bằng những chiếc honda chở đầy các món hàng ở quê. Có thể là khoai sắn, bánh đúc, bánh ú tro, cà mướp, chuối bơ, bí đỏ bí đao và cả nước mắm đóng thành chai… Mùa nào thức ấy. Ẩn trong những món hàng từ nông thôn ấy, là những giọt mồ hôi cần lao, là niềm hy vọng họ gửi gắm cho những thế hệ tương lai, con cháu họ trên đường cắp sách đến trường…
Đất nông thôn ngày càng thu hẹp dần do phát triển đô thị hóa. Độc canh cây lúa khó có thể đổi đời. Trong lúc nông sản thực phẩm do canh tác, chế biến cẩu thả ngày càng cho thấy nhiều di hại từ dư lượng hóa chất kháng sinh đang tràn ngập thị trường. Những người mang hồn quê ra phố mà tôi gặp ấy là cả một thông điệp của niềm tin cho chính họ lẫn cho cộng đồng!
Nhưng, tôi lại nơm nớp lo sợ một viễn cảnh có thể xảy ra: các đô thị ngày càng máy móc trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của nó bằng cách cấm việc buôn bán hàng rong. Nghĩa là cơ hội mưu sinh của những người tôi vừa mô tả có thể có nguy cơ bị mất. Vậy thì, tại sao không tổ chức được những điểm bán nông sản tập trung cho họ ngay cạnh các khu du lịch. Mỗi người một quầy hàng nho nhỏ gần các bãi tắm, để họ có thể tiêu thụ được nông sản sạch! Coi như các chợ phiên nông sản mà ta dễ dàng bắt gặp ở các thành phố hiện đại ở cả nước Mỹ và Úc, những nơi tôi may mắn đã đến thăm!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG