Cần đổi mới cách làm để miền núi phát triển bền vững

ALĂNG NGƯỚC 07/07/2017 09:14

Hôm qua 6.7, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và  Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương miền núi để triển khai thực hiện Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Quyết định 2265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2020 và Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021. Tham dự còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư cho thấy, năm 2017 tại 9 huyện miền núi có đến 9.471 hộ dân có nhu cầu hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư với tổng kinh phí gần 119 tỷ đồng; bao gồm các kế hoạch về san lấp nền, di chuyển nhà ở, điện, nước sinh hoạt, đường dân sinh và đất sản xuất. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị cơ bản đồng ý theo hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư (ban hành kèm theo Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND) của HĐND tỉnh. Theo đó, đối tượng áp dụng được hỗ trợ, gồm: các hộ dân vùng thiên tai cần di dời khẩn cấp; hộ dân sống trong các khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã khu vực III, vùng đặc biệt khó khăn và các hộ dân khác cần thiết phải sắp xếp, bố trí lại chỗ ở. Trên cơ sở đó, quy mô điểm sắp xếp dân cư được quy định phải ít nhất 25 hộ/điểm; mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ một lần, với mức tối thiểu 200m2 đất ở/hộ và không được chuyển nhượng diện tích đất hỗ trợ trong thời gian 10 năm. Ngoài ra, mức quy định hỗ trợ di chuyển nhà là 20 triệu đồng/hộ; san lấp nền nhà 30 triệu đồng/nền nhà/hộ; nước sinh hoạt không quá 1,5 triệu đồng/hộ; đường dây điện đấu nối đến từng hộ tối đa không quá 100m/hộ hoặc không quá 3,5 triệu đồng/hộ; làm đường dân sinh tối đa không quá 100m/hộ hoặc không quá 10 triệu đồng/hộ và đất sản xuất nếu địa phương không đủ quỹ đất để bố trí sẽ thực hiện theo cơ chế hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/hộ. Riêng chính sách khuyến khích đối với hộ nghèo về tiêu chí thu nhập có khả năng thoát nghèo và có đăng ký cam kết thoát nghèo bền vững được nâng mức vay tối đa 50 triệu đồng có hỗ trợ lãi suất 100% trong thời gian 36 tháng. Đồng thời các hộ dân đã thoát nghèo bền vững được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện trong 36 tháng, cấp bù 100% học phí cho học sinh sinh viên đến khi kết thúc khóa học, thưởng 5 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất, kinh doanh,…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, mặc dù công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội miền núi luôn được quan tâm nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Do vậy, đã đến lúc cần phải đổi mới tư duy, cách làm cụ thể trong việc tìm hướng thoát nghèo bền vững cho miền núi. Cùng với việc tiếp tục rà soát, khảo sát lại toàn bộ tỷ lệ hộ nghèo một cách chính xác để có cơ sở hỗ trợ tìm cách giúp người dân thoát nghèo, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang lưu ý cần xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác giảm nghèo, cụ thể theo từng hộ dân và đổi mới cách tuyên truyền đem lại hiệu quả bằng hình thức tờ rơi, kèm các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Trong đó, lãnh đạo cơ sở phải phát huy trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh đến với người dân và khuyến khích người dân cùng phát triển, tìm hướng thoát nghèo bền vững.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC