Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Đại Cường (Đại Lộc)
|
(QNO) - Sáng nay 5.7, xã Đại Cường long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã (5.7.1947-5.7.2017)
Chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Cường. Ảnh: KHẢI KHIÊM |
Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, ở Đại Cường lúc bấy giờ, tiêu biểu có cụ Đỗ Đăng Tuyển, người con làng Ô Gia cùng với Phan Bội Châu và các nhà yêu nước đương thời đã tập hợp lực lượng đấu tranh dưới nhiều hình thức.
Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào cách mạng lần lượt lan tỏa đến Đại Cường. Nhiều tổ chức bí mật cũng hình thành. Cách mạng tháng Tám thành công, trên quê hương Đại Cường, các tổ chức chuyển ra hoạt động công khai. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, ngày 5.7.1947, tại nhà đồng chí Nguyễn Quý Cách (làng Quảng Đại), diễn ra lễ kết nạp Đảng cho 4 đồng chí là Nguyễn Quý Cách, Võ Miễn, Võ Thái Hùng và Võ Xuân Lan. Chi bộ Đảng lấy tên là Ngô Trung Tiết chính thức ra đời và chỉ định đồng chí Nguyễn Quý Cách làm Bí thư, là tiền thân của Đảng bộ xã Đại Cường ngày nay. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất và con người Đại Cường là nơi mà địch chà đi, xát lại, đàn áp, khủng bố vô cùng khốc liệt. Họ vẫn bền gan chiến đấu, là điểm sáng của Đại Lộc về chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, diệt ác.
Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Phan Xuân Quang tặng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: KHẢI KHIÊM |
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thi hành chính sách cực kỳ man rợ đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Đại Cường. Mặc cho gươm kề tận cổ, súng kề tai, nhiều người luôn trung kiên “sống vì Đảng, chết không rời Đảng” để bảo vệ Đảng, nuôi dưỡng phong trào cách mạng, anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng để giải phóng hoàn toàn huyện Đại Lộc vào ngày 28.3.1975. Chiến tranh đi qua, Đại Cường có 1.015 liệt sĩ, gần 1.000 gia đình có công với cách mạng, 243 mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ghi nhận những chiến công của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đại Cường, ngày 30.8.1995, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ xã Đại Cường tặng bức hoành phi cho Ban Chấp hành Đảng bộ đương thời. Ảnh: KHẢI KHIÊM |
Bước vào thời bình, với bao khó khăn chồng chất trước mắt, Đảng bộ phải tập trung khắc phục hậu quả nặng nề, hàn gắn vết thương chiến tranh. Song, nhờ bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ đã đề ra những giải pháp thích hợp, tập trung toàn lực đẩy mạnh sản xuất, kịp thời ổn định đời sống nhân dân. Khi mới giải phóng, tổ chức đảng chỉ có 7 đồng chí, đến tháng 4.1976 số lượng đảng viên tăng lên 32 người và được Huyện ủy quyết định cho thành lập Đảng bộ. Tháng 5.1976, Đại hội Đảng bộ xã Đại Cường lần thứ I sau ngày đất nước thống nhất được tiến hành. Trong quá trình xây dựng, hệ thống chính trị ở Đại Cường luôn được củng cố, kiện toàn và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng cực kỳ quan trọng. Để từ một xã chủ yếu thực chất là độc canh cây lúa, kinh tế Đại Cường bây giờ tăng trưởng khá. Năm 2016, hộ nghèo còn dưới 3,5%, thu nhập bình quân đầu người là 27 triệu đồng. Năm 2015, Đại Cường được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tại buổi lễ, Đảng bộ xã Đại Cường đã trao tặng quà cho đồng chí Nguyễn Hồng Phụng, đảng viên 65 tuổi Đảng. Nhân dịp này, Đảng bộ xã chính thức phát hành cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Đại Cường (1930-2015)”.
CÔNG TÚ