Chuyển giao Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Lo thiếu nhân sự
Sau gần 15 năm hoạt động dưới sự quản lý của UBND tỉnh, bắt đầu từ ngày 1.7, Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được chuyển giao về UBND thị xã Điện Bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Một góc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Q.T |
Chiều 3.7, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức cuộc họp nhằm triển khai công tác tiếp nhận Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc về UBND thị xã quản lý với sự tham gia của nhiều bên liên quan như lãnh đạo ban quản lý cũ, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các phòng ban của thị xã Điện Bàn… Tại buổi họp, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trong những năm qua luôn là một phần “máu thịt” của Điện Bàn và việc chuyển giao đơn vị này về cho thị xã quản lý là hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc chuyển giao vẫn còn một số vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ vì lợi ích chung của địa phương và của chính các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Khu đô thị mới Điện Ngọc - Điện Ngọc, trong đó nổi cộm nhất là việc “hạ cấp” đơn vị trong khi vẫn đảm nhiệm một khối lượng công việc rất lớn.
Nếu như trước đây, ban quản lý trực thuộc tỉnh và quản lý các trung tâm để hoạt động thì giờ đây chỉ còn là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc thị xã. Do chỉ được giao 18 biên chế trong đơn vị mới, trong đó có nhiều cán bộ phụ trách các mảng chủ lực đã được điều động đi nơi khác khiến áp lực công việc tăng cao. Theo ông Đặng Hoàng Duy - nguyên Trưởng ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Ngọc - Điện Ngọc (hiện đã được điều động về làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng) cho biết, trước đây trung bình 1 người tại ban quản lý phụ trách 5 dự án, cá biệt có người tới 15 dự án trong khi trung tâm giải phóng mặt bằng trực thuộc ban quản lý giờ giảm từ 9 xuống còn 6 người, nếu không cân đối kỹ lưỡng thì thực trạng khuyết người phụ trách hoàn toàn có thể xảy ra.
Một số vướng mắc khác là các tài sản công của ban quản lý như xe ô tô sẽ không thể chuyển giao về thị xã Điện Bàn bởi thị xã đã có tiêu chuẩn riêng, hay công tác bảo vệ tài sản của ban quản lý trong giai đoạn chuyển giao cũng được đề cập. Ông Nguyễn Hữu Tích - nguyên Phó ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Ngọc - Điện Ngọc nêu ra một tồn đọng khác là thị xã sẽ không thể nhận được khoản tiền gần 50 tỷ đồng mà các doanh nghiệp ký quỹ với ban quản lý trước kia, bên cạnh đó công tác làm lại giá đất, điều chỉnh quy hoạch cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Theo số liệu của Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Ngọc - Điện Ngọc, hiện trên toàn Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có hơn 70 dự án, trong đó ngoài các dự án đã hoàn thành thì có một số dự án khởi động từ năm 2004 nhưng vẫn dở dang, có dự án đã giải phóng mặt bằng và cũng có dự án triển khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có một thực trạng khiến nhiều doanh nghiệp ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc băn khoăn là trước kia khi trình quy hoạch đầu tư thì đến thẳng UBND tỉnh, bây giờ sẽ như thế nào nên họ mong muốn đơn vị mới sẽ sớm trở lại đồng hành chứ không để doanh nghiệp lạc lõng, nhiêu khê trong các thủ tục và để thời cơ kinh doanh trôi đi. Theo đó, các bên đã thống nhất tại cuộc họp rằng sẽ giải quyết nhanh chóng các hồ sơ chờ quyết định và con dấu cũ vẫn sẽ được sử dụng trong quá trình bàn giao cho đến khi hoàn tất.
Được biết, từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 200 tỷ đồng và theo nghị quyết HĐND tỉnh thông qua thì đơn vị sẽ được trích lại khoảng 70% số tiền trên để giải quyết các vấn đề phát sinh, nhưng đến thời điểm chuyển giao, đơn vị mới chỉ nhận được khoảng 40 tỷ đồng và số tiền còn lại thị xã mong muốn sẽ được hỗ trợ dần trong thời gian tới đây. Theo dự kiến, trung tâm tư vấn trước kia thuộc ban quản lý sẽ tiếp tục được thị xã giữ lại để hoạt động độc lập đợi đến khi cổ phần hóa, bởi đơn vị này đã tự chủ được trong nhiều năm qua, còn về công tác giải phóng mặt bằng nếu cần thiết sẽ thành lập 2 đơn vị giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong thời điểm chuyển giao này thị xã sẽ khó tránh khỏi những va vấp, khó khăn trong công tác tiếp quản nên mong muốn các đơn vị tiếp nhận nhân sự cũ của ban quản lý trước đây cần tạo điều kiện để họ có thời gian hợp tác cùng địa phương giải quyết rốt ráo các vấn đề tồn đọng, giúp bộ máy mới vào guồng trong thời gian ngắn nhất có thể.
QUỐC TUẤN