Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đức và dự hội nghị G-20
Nhận lời mời của Thủ tướng Angela Merkel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức và dự hội nghị thượng đỉnh G-20 từ ngày 5 đến 8.7.2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức - Angela Merkel, hội kiến Tổng thống Đức - Frank-Walter Steinmeier, gặp lãnh đạo quốc hội và một số bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn của Đức. Chuyến thăm đồng thời được đánh giá nhằm củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức. Bốn mươi hai năm kể từ khi Việt - Đức thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2017), quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 10.2011, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và cũng là “cửa ngõ” trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Đức năm 2016 đạt 8,78 tỷ USD; trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 3,8 tỷ USD.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam có 30 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng số vốn 124,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bán buôn bán lẻ ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, thương mại... Ngược lại, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Tính đến ngày 20.4.2017, Đức có 285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu và thứ 20/116 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết dự án đầu tư của Đức tập trung vào lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa; khoa học công nghệ; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính ngân hàng, bảo hiểm; thông tin truyền thông…
Là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Chính phủ Đức cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA hơn 600 triệu euro trong giai đoạn 2015 - 2017 để thực hiện các dự án trong 3 lĩnh vực ưu tiên: năng lượng; đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế bền vững; chính sách môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Việt Nam hiện được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách Đức tại khu vực Đông Nam Á. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng khách Đức tới Việt Nam đạt 61.923 lượt, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Cộng đồng người Việt Nam ở Đức hiện có khoảng 176.000 người sinh sống, học tập và làm việc.
Trong chuyến thăm Đức lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 (các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới) tại thành phố Hamburg trong hai ngày 7 và 8.7, với tư cách là chủ nhà năm APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) năm 2017. Hội nghị diễn ra với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”. Hiện 10 nước thành viên G-20 có quan hệ Đối tác chiến lược và 2 nước thành viên có quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Các mối quan hệ này ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Tại Hamburg, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ tham gia thảo luận tại tất cả phiên họp của hội nghị G-20 và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị. G-20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.
QUỐC HƯNG
(Theo TTXVN-Vietnamnet+)