6 công nghệ ấn tượng sắp phổ biến trên smartphone

Theo vnreview.vn 03/07/2017 10:00

 (QNO) - Đây là những công nghệ rất ấn tượng được chờ đợi xuất hiện trên smartphone trong thời gian tới.

Công nghệ trên điện thoại thông minh đang phát triển với tốc độ cực nhanh, với những cải tiến liên tục về về máy ảnh, vi xử lý và nhiều khía cạnh khác. Cách đây không lâu, cảm biến vân tay, máy ảnh kép và thanh toán di động vẫn còn là những ý tưởng xa lạ nhưng đến giờ thì chúng đã phổ thông trên smartphone. Và còn nhiều công nghệ tuyệt vời nữa sẽ đến với smartphone trong thời gian tới.

Dưới đây là 6 công nghệ dự đoán sẽ xuất hiện trên smartphone trong thời gian tới, theo tổng hợp của trang Android Authority.

Màn hình có thể gập

Màn hình uốn cong, linh hoạt và có thể gập lại đã được kỳ vọng sẽ trở thành tính năng của smartphone từ rất lâu rồi nhưng hiện tại chúng ta đang ở gần thời điểm công nghệ này trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Gần đây, cả Samsung và Lenovo đã nhiều lần trình diễn các nguyên mẫu thử nghiệm của loại màn hình này trước giới công nghệ.

Samsung chưa tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến công nghệ này cũng như liệu họ sẽ sử dụng nó đầu tiên trên smartphone hay smartwatch. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta có thể thấy Samsung xác định công nghệ này cho các sản phẩm tiêu dùng chứ không phải chỉ đưa ra dưới dạng ý tưởng tiềm năng nữa.

Đã có nhiều tin đồn và rò rỉ về "Galaxy X", chiếc điện thoại có thể gập của Samsung trong năm nay. Các nguồn tin gần đây nhất thì khẳng định thiết bị này sẽ được giới thiệu trong năm 2018.

Thật ra, chúng ta cũng đã được chứng kiến một vài sản phẩm sử dụng màn hình uốn cong như LG G Flex, G Flex 2 và công nghệ tiên tiến của Samsung cũng dựa trên những nguyên tắc tương tự. Ngay cả khi không giúp cho điện thoại thông minh mạnh mẽ và bền bỉ hơn thì màn hình linh hoạt chí ít cũng có ý nghĩa với những người vụng về hay làm rơi rớt thiết bị.

Máy vân tay tích hợp dưới màn hình

Với việc hướng đến thiết kế không viền màn hình, các nhà sản xuất phải tìm ra giải pháp mới để tiếp tục sử dụng các công nghệ hiện có. Máy quét vân tay và các nút vật lý là 2 trong số những thứ đầu tiên phải hi sinh cho màn hình không viền (hoặc viền rất mỏng) nhưng giải pháp máy quét vân tay đặt trong hoặc dưới màn hình đang được phát triển.

Người dùng đã có một chút thất vọng khi Galaxy S8 không được tích hợp máy quét vân tay dưới màn hình, thay vào đó nó được đặt ở phía sau ở một ví trí không thích hợp. Samsung được cho là đang phát triển một máy quét vân tay dưới màn hình để giải quyết vấn đề này nhưng có vẻ vẫn chưa kịp để trang bị trên Galaxy Note 8.

Tuy nhiên, Samsung không phải là công ty duy nhất phát triển máy quét vân tay ẩn trong hoặc dưới màn hình. LG cũng đang nghiên cứu một giải pháp nhúng riêng của họ và Synaptics cũng cung cấp một số máy quét tương tự cho các nhà sản xuất. Synaptics đã phát triển thành công mô đun máy quét vân tay FS9100 có thể hoạt động dưới lớp kính dày 1mm. Ngoài ra, Synaptics còn hỗ trợ Qualcomm Sense ID trong một loạt các chipset để lập bản đồ vân tay 3D. Gần đây nhất, Qualcomm công bố thế hệ tiếp theo của máy quét dấu vân tay siêu âm và Vivo đã trình diễn công nghệ này trên một nguyên mẫu smartphone thử nghiệm.

Có lẽ không bao lâu nữa máy quét vân tay và các nút vật lý sẽ được tích hợp trực tiếp vào màn hình của những smartphone cao cấp. Thậm chí, công nghệ này cũng có thể trở nên phổ biến trên những chiếc smartphone tầm trung và giá rẻ như máy quét vân tay hiện nay.

Camera ống kính zoom

Công nghệ máy ảnh kép là xu hướng chủ đạo trong năm nay. Nó được trang bị trên nhiều smartphone cao cấp, trung cấp hay thậm chí là giá rẻ với các cấu hình khác nhau. Trong khi một số hệ thống máy ảnh kép nhằm mục đích cải thiện chất lượng hình ảnh hoặc cung cấp chế độ chụp mới thì còn có một xu hướng khác là các nhà sản xuất sử dụng chúng để tăng cường cho tính năng zoom của thiết bị.

Hiện tại, ống kính tele dành cho smartphone được bán sẵn như là phụ kiện của bên thứ 3 nhưng chúng có bất tiện là bạn phải luôn mang theo bên người. Apple và Oppo chỉ ra rằng họ có thể đóng gói công nghệ zoom này lên smartphone, ví dụ điển hình là iPhone 7 Plus, Oppo R11 và OnePlus 5: tất cả đều sở hữu khả năng zoom 2x.

Công nghệ zoom kỹ thuật số vẫn còn được dùng phổ biến trên các thế hệ smarpthone ngày nay nhưng nó không giúp cải thiện chất lượng hình ảnh. Nếu muốn chụp các đối tượng ở xa thì chúng ta vẫn phải chấp nhận hy sinh chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên, Oppo đang phát triển tính năng zoom quang 5x trên một hệ thống camera kép, trong khi đó con chip Kirin 960 của Huawei cũng hỗ trợ các hệ thống máy ảnh zoom quang 4x.

Bên cạnh đó, có tin đồn cho rằng Samsung sẽ trang bị máy ảnh với khả năng zoom quang 3x cho chiếc điện thoại Galaxy Note 8 sắp tới của mình. Apple cũng đã mua lại Linx, công ty sở hữu công nghệ giúp trang bị các hệ thống có 3 thậm chí đến 4 camera để tăng cường tính năng zoom.

Zoom quang 2x hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu. Chắc chắn chúng ta sẽ còn được nhìn thấy nhiều điện thoại di động với tính năng zoom thậm chí còn tốt hơn trong tương lai.

Định vị trong nhà

Chúng ta thường sử dụng định vị GPS để chọn ra các tuyến đường lái xe và tìm điểm đến nhưng công nghệ tương tự có thể sớm được dùng để định vị trong nhà. Tại Google I/O 2017, hãng này đã giới thiệu về công nghệ định vị trong nhà VPS (Visual Position Service - dịch vụ vị trí ảo) sử dụng thực tại ảo tăng cường (VR) được ứng dụng trong các điện thoại hỗ trợ Tango.

Ý tưởng của VPS là các cửa hàng lớn, doanh nghiệp, nhà kho có thể cung cấp bố cục các sản phẩm hoặc các vị trí quan trọng trong nhà để người dùng Tango có thể tìm kiếm những hàng hoá hoặc vị trí trong nhà dễ dàng. VPS sử dụng kết hợp giữa thị giác máy tính, máy học và bản đồ để tìm ra vị trí của người dùng và tìm ra điểm đến cả khi không có sóng GPS hoặc tín hiệu di động.

Cùng với việc lập bản đồ trong nhà, Google còn tiết lộ công nghệ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ người khiếm thị có thể di chuyển ở nhiều địa điểm khác nhau. Mặc dù điện thoại Tango chưa trở thành sản phẩm phổ biến nhưng công nghệ VPS có thể được ứng dụng trong các thiết bị thực tại ảo và thực tế tăng cường trong tương lai.

Ứng dụng thực tế tăng cường (AR)

VPS chỉ là một phần nhỏ, AR có phạm vi công nghệ rộng lớn hơn mà không cần phần cứng chuyên dụng, tất cả sẽ xoay quanh dữ liệu hình ảnh từ camera. Trong khi trợ lý ảo và nhận dạng giọng nói sẽ giúp tìm kiếm nhanh chóng và cung cấp nhắc nhở cho người dùng, các ứng dụng AR hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm rộng mở hơn.

Google Lens là một ví dụ điển hình của AR. Ứng dụng này sử dụng công nghệ thị giác máy tính và máy học của Google để cung cấp thông tin về những gì bạn đang tìm kiếm. Phạm vi ứng dụng của nó có thể từ những việc đơn giản như xác định một loại thực vật hay cột mốc giao thông đến những thứ phức tạp hơn như quét mã đăng nhập WiFi hoặc tìm kiếm đánh giá về một nhà hàng ở bên đường. Chúng ta đã thấy điều này được thực hiện ở mức còn hạn chế trên ứng dụng Bixby của Samsung nhưng các ứng dụng trợ lý thông minh tương lai sẽ còn làm được nhiều hơn thế.

Nhìn vào sự phát triển của nền tảng Google Tango, chúng ta có thể thấy hàng loạt khả năng của AR với nhu cầu thăm quan, giáo dục đào tạo, mua sắm quần áo và đồ nội thất hay vẽ bản đồ toàn bộ căn phòng chỉ trong vài giây. Song công nghệ này có lẽ phải mất 2 hoặc 3 năm nữa mới được thương mại hóa phổ biến.

Nhìn vào thành công của Pokemon Go hoặc các bộ lọc trên Snapchat có thể thấy người dùng đang hướng đến việc sử dụng thiết bị của họ theo xu hướng AR. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta sẽ thấy nhiều trò chơi và ứng dụng AR thú vị sớm xuất hiện trong thời gian tới.

Màn hình thay đổi tần số quét

Nếu VR và AR cất cánh nó sẽ dẫn đến biến động lớn trong ngành công nghiệp màn hình. Một công nghệ mà các nhà sản xuất gọi là "màn hình thích ứng" (màn hình tự điều chỉnh) sẽ là chìa khóa của vấn đề. Bằng cách đồng bộ hiệu suất GPU với tần số quét (tốc độ làm tươi của màn hình - refresh rate) sẽ giúp tạo ra hiệu ứng chuyển khung hình mịn hơn, tránh cảm giác buồn nôn khi trải nghiệm các nội dung VR.

Ngoài VR, màn hình tự điều chỉnh (thay đổi tần số quét) còn mang đến một số lợi ích khác cho di động. Tần số quét cao có thể làm cho hình ảnh động mượt hơn và các yếu tố trên giao diện người dùng phản ứng nhanh hơn, trải nghiệm game, video cũng được nâng cao hơn. Đồng thời, giảm tần số quét màn hình khi giao diện người dùng tĩnh có thể giúp tiết kiệm pin.

Apple gần đây đã ra mắt màn hình tần số quét 120Hz "ProMotion" trên iPad Pro nhưng chưa biết khi nào hãng này mới mang công nghệ này lên điện thoại thông minh. Qualcomm đã giới thiệu phiên bản riêng của Snapdragon 835 trong đó tích hợp công nghệ được gọi là Q-Sync hỗ trợ khả năng thay đổi tần số quét.

Theo vnreview.vn

Theo vnreview.vn