Hai hình ảnh trái ngược

ANH SẮC 01/07/2017 06:41

1. Sân cỏ Việt Nam chỉ trong vòng 1 tuần lễ với 3 lượt trận diễn ra - trong đó 1 Cúp quốc gia và 2 V-League - đã để lại những hình ảnh trái ngược về 2 giải đấu hàng đầu. Các trận tứ kết lượt về Cúp quốc gia hôm 20.6 lẽ ra là những trận đấu hay vì kết quả sẽ quyết định đến tấm vé vào vòng bán kết.

Lèo tèo khán giả trên sân Tam Kỳ ở trận tứ kết Cúp quốc gia giữa Quảng Nam và XSKT Cần Thơ.
Lèo tèo khán giả trên sân Tam Kỳ ở trận tứ kết Cúp quốc gia giữa Quảng Nam và XSKT Cần Thơ.

Tuy nhiên, đối với một số đội bóng thì đó lại là trận đấu “bất đắc dĩ” nên đã xảy ra nhiều chuyện bi hài như lần đầu tiên ở mùa giải năm nay, người ta mới thấy một đội bóng tung vào sân gồm toàn những cầu thủ chưa một lần được sử dụng trước đó. Nói là “thể hiện mình” chứ thật ra các trận đấu diễn ra như một “thủ tục” để hoàn thành nốt nhiệm vụ tại giải đấu vốn bị xem là “hạng hai”. Có đội bóng chỉ mang đến sân đối phương đúng số cầu thủ theo quy định và không khó nhận ra thái độ thi đấu kiểu “cho xong” của họ. Có lẽ chỉ những khán giả hết mình với bóng đá mới đến sân xem những trận đấu Cúp bởi sự nhạt nhẽo, vô bổ, nói như một cổ động viên là “ít chất bóng đá nhất”.

Khán giả bây giờ có nhiều thứ để giải trí chứ không chỉ đến sân xem bóng đá. Thế nên, vẫn những đội bóng ấy nhưng đá ở Cúp quốc gia và dù ban tổ chức nhiều sân “mời chào” bằng việc mở cửa tự do song không mấy người nghĩ đến chuyện đến sân. Có ai đó đã nói “bóng đá không có khán giả sẽ chết”. Sân chơi Cúp quốc gia liệu có “sống” không, khi mà hầu hết các sân đều rất vắng khán giả, thậm chí có một số sân chỉ vài trăm người ngồi lọt thỏm trên khán đài rộng thênh thang? Bóng đá như ở Cúp quốc gia thì đừng đòi hỏi nhiều khán giả đến sân; và ngược lại, vài trăm con người trên khán đài thì cũng chớ hy vọng dưới sân các cầu thủ thi đấu cống hiến hết mình! Với thực trạng ê chề như thế, có nên giữ giải đấu Cúp quốc gia không phải là câu hỏi cắc cớ.

2. V-League đã trở lại cuối tuần qua bằng lượt trận đấu đầu tiên của giai đoạn lượt về và ngay lập tức cống hiến cho khán giả nhiều trận cầu hấp dẫn, kịch tính. Hà Nội dù chơi thiếu người từ khá sớm vẫn đủ sức đả bại Hải Phòng; hay đội bóng trẻ Hoàng Anh Gia Lai lần thứ 2 trong mùa giải khuất phục được “đại gia” một thuở Becamex Bình Dương. FLC Thanh Hóa đã chứng minh cho nhiều người thấy họ đã chủ động “buông” Cúp quốc gia sau thất bại khó tin 1-5 trước SHB Đà Nẵng bằng chiến thắng thuyết phục chính đối thủ này ở V-League để giữ vững ngôi đầu. Qua đó, củng cố thêm bằng chứng cho nhận định giải đấu cao thứ nhì của Việt Nam đã bị các đội bóng “ứng xử” theo kiểu “vui là chính”; đồng thời cho thấy, V-Leaue mới là đấu trường quan trọng số một.

Hòa chung niềm vui với chất lượng các trận đấu là số lượng khán giả đến sân khá đông. Sân Thanh Hóa, Mỹ Đình, Pleiku đã chứng kiến gần chục nghìn khán giả mỗi sân trong ngày V-League trở lại. Đây là một tín hiệu tích cực trong thời điểm mà uy tín của giải đấu xuống đến mức thấp nhất sau hàng loạt bê bối của trọng tài. Chưa có lại được con số ấn tượng từng làm nên “chảo lửa”, song từ vỏn vẹn 500 khán giả ở trận tứ kết Cúp quốc gia trước đó, sân Vinh đã chào đón 2.500 khán giả khi Sông Lam Nghệ An tiếp đón Than Quảng Ninh, phần nào nói lên sức hút của V-League. Trận derby miền Trung giữa Sana Khánh Hòa BVN và Quảng Nam tại Nha Trang cũng có 5.000 khán giả.

Nhưng cũng trong ngày V-League trở lại, những nhức nhối cũ lại tái phát. Góp phần làm cho trận cầu tâm điểm Hà Nội - Hải Phòng thêm hấp dẫn, song cổ động viên Hải Phòng cũng khiến cho ban tổ chức phải “đau đầu” khi làm loạn trên sân Mỹ Đình. Những hình ảnh khó coi như đốt pháo sáng trên khán đài, ném vật lạ xuống sân làm cho trận đấu gián đoạn khá lâu. Cũng ở trận đấu này, một hành động phi thể thao của hậu vệ Sầm Ngọc Đức của Hà Nội khi phi thẳng gầm giày vào chân của Anh Hùng. Rất may là cầu thủ của Hải Phòng không bị gãy chân. Lần này, treo giò 8 trận với hành vi của Sầm Ngọc Đức hay cấm cổ động viên Hải Phòng đến sân đối phương đến hết mùa giải, liệu có làm cho các cầu thủ cũng như những cổ động viên quá khích e sợ?

ANH SẮC

ANH SẮC