Vơi gánh nặng viện phí
Có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều bệnh nhân lâm bệnh nặng có cơ hội được điều trị bệnh tốt với các dịch vụ kỹ thuật cao mà vẫn yên tâm về chi phí điều trị.
Các ca mổ kỹ thuật cao cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại các bệnh viện trong tỉnh ngày càng được thực hiện nhiều hơn. Ảnh: D.L |
“Bùa hộ mệnh”
Đầu năm 2017, chị Mai Thị Thanh Quý ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) liên tục phải vào viện chăm bệnh cho cha mẹ. Hết cha đến mẹ thay nhau nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Mẹ chị đau nhẹ cũng đỡ tốn kém viện phí, nhưng cha chị là ông Mai Văn Quế bị bệnh tim, chi phí chữa trị rất lớn. Ông Quế nhập viện điều trị bệnh tim liên tục, lần mới nhất ông được mổ can thiệp động mạch vành tim. Ông Quế được đặt 2 stent, tổng chi phí 2 lần mổ gần 80 triệu đồng, được Quỹ khám chữa bệnh BHYT thanh toán tối đa hơn 46 triệu đồng, còn lại là phần viện phí gia đình cùng chi trả. Ngoài bệnh tim, ông Quế đang chạy thận nhân tạo, mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 500 nghìn đồng, cũng được Quỹ BHYT chi trả phần lớn. Chị Quý tâm sự: “Với hoàn cảnh gia đình của tôi, riêng phần viện phí cùng chi trả đã khiến gia đình phải lo lắng, chứ đừng nói là chi trả toàn bộ viện phí. Nếu không có thẻ BHYT, tôi cũng không biết tình cảnh hiện giờ của cha mẹ sẽ ra sao nữa. Viện phí ngày càng tăng, thẻ BHYT như lá bùa hộ mệnh, vì thế, nhà có mấy người, tôi đều cố gắng mua thẻ BHYT để phòng khi ốm đau”.
Gia đình bà Phan Thị Hoa (xã Điện Phong, TX. Điện Bàn) có 8 người đều mua đủ 8 thẻ BHYT. Một hôm bà thấy đau ở phần hông, bà Hoa được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Bác sĩ kết luận bà bị trượt cột sống do gãy eo nên phải mổ hàn xương và bắt ốc vít cố định. Ca mổ của bà Hoa dự trù viện phí hơn 43 triệu đồng, trong đó Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả gần 34 triệu đồng, còn lại là chi phí bệnh nhân cùng chi trả. Chị Phan Thị Nở, con gái bà Hoa cho biết: “Gia đình tôi ai cũng có thẻ BHYT để phòng thân, xem như tiết kiệm khi không đau để dành cho lúc đau ốm. Mẹ tôi nhờ có thẻ BHYT nên đỡ bớt gánh nặng chi phí, nếu không thì cũng rất vất vả”.
Liên kết vì bệnh nhân
Những năm gần đây, bệnh nhân thuộc những ca khó, phải can thiệp kỹ thuật cao trong tỉnh đều phải chuyển viện để điều trị khi các tuyến bệnh viện trong tỉnh không đảm đương nổi. Nhưng mấy năm trở lại đây, một cố ca khó đã được các bệnh viện thực hiện phẫu thuật, điều trị. Chẳng hạn như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam hiện đã triển khai được các kỹ thuật cao như chụp và can thiệp tim mạch (gồm van tim, tim bẩm sinh, động mạch vành). Hay ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức có thể nội soi khớp gối, vai, thay khớp háng, mổ thoát vị đĩa đệm... Những ca khó này trước đây đều chuyển viện ra Đà Nẵng hoặc Huế, nhưng nay với sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như con người, các bệnh viện có thể can thiệp được, giúp bệnh nhân có thẻ BHYT không phải tốn kém các chi phí liên quan, chi phí cùng chi trả nhiều hơn khi đi điều trị ngoại tỉnh.
Ông Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết: “Việc điều trị các ca khó được thực hiện ngay tại các bệnh viện trong tỉnh sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều, trong điều kiện hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Việc liên kết giữa các bệnh viện trong tỉnh theo thế mạnh của mỗi bệnh viện sẽ giúp cho các bệnh viện chủ động được trong việc đầu tư theo mũi nhọn về nhân lực, cơ sở vật chất. Và các bệnh viện hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau để điều trị cho nhân dân trong tỉnh”. Ông Đạo phân tích thêm, nếu tỉnh đứng ra làm đầu mối liên kết, các bệnh viện sẽ thành các tuyến vệ tinh hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các gói dịch vụ kỹ thuật cao theo lợi thế của mỗi đơn vị. Cụ thể mỗi bệnh viện tùy theo thế mạnh sẽ được tỉnh đầu tư tập trung vào thế mạnh đó, thành một đội công tác chuyên ngành, khi các bệnh viện khác trong tỉnh cần, thì đội công tác lên đường thực hiện nhiệm vụ, hoặc chuyển viện ngay để bệnh viện có thế mạnh đó để điều trị cho bệnh nhân. Mỗi bệnh viện nên tập trung một thế mạnh, rồi hỗ trợ lẫn nhau để điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không phải ra ngoài tỉnh, vừa tốn kém lại vừa làm bội chi Quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Ông Nguyễn Thành Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cũng cho rằng, khi được đầu tư về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, các bệnh viện trong tỉnh sẽ đảm đương được các ca khó, hạn chế tối đa tình trạng vượt trần, vượt quỹ ngay tại các bệnh viện, góp phần ổn định Quỹ khám chữa bệnh BHYT của tỉnh. Bệnh nhân có thẻ BHYT, bác sĩ cũng tự tin hơn trong chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Thẻ BHYT đã giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao vì Quỹ BHYT chi trả phần lớn, giảm được gánh nặng cho kinh tế gia đình của người bệnh. Trường hợp không có thẻ BHYT, bác sĩ chỉ định dịch vụ kỹ thuật nhưng gia đình không có tiền đóng viện phí, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Chẳng hạn như bệnh nhân bị tổn thương ở khớp háng, nhưng vì chi phí cao không chi trả nổi nên chấp nhận phương án tàn tật suốt đời. Bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn vượt tuyến là do chưa tin tưởng vào các bệnh viện trong tỉnh, vì thế, các bệnh viện cũng cần nỗ lực nâng cao trình độ của đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ để bệnh nhân tin tưởng và đến bệnh viện để điều trị bệnh.
LÊ DIỄM