Giữ tổ ấm bằng bữa cơm gia đình

LÊ QUÂN 28/06/2017 09:03

Chọn chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, Ngày gia đình Việt Nam (28.6) năm nay tiếp tục tôn vinh những người giữ lửa, xây tổ ấm bằng các bữa cơm sum họp…

Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (TP.Hội An) tham gia hội thi nhân Ngày gia đình Việt Nam năm 2016.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (TP.Hội An) tham gia hội thi nhân Ngày gia đình Việt Nam năm 2016.

“Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa” (Bằng Việt). Một ý thơ rất nhiều người tâm đắc, rằng những tác nhân tiềm ẩn gây bão có thể mang trong mình dù là bao lâu, dù là ở bất kỳ đâu đó bên ngoài, kể cả trên suốt đường về, nhưng đừng bao giờ mang chúng vào sau cánh cửa. Hãy xây đắp một ngôi nhà “bão dừng sau cánh cửa” và “bên trong chỉ có ấm áp”. Hãy giữ cho mình một nơi mà trái tim luôn hướng tới, mong muốn được trở về sau những mỏi mệt, với một bữa cơm đầy yêu thương!

Những thông điệp

Như một mặc định của văn hóa gia đình Việt, những bữa cơm đầy đủ thành viên tạo sự ấm áp tình cảm, là thời điểm dễ dàng nhất để kết nối tình yêu thương trong gia đình. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, một bữa cơm gia đình có rất nhiều ý nghĩa. Nó gắn kết thành viên trong cùng một nhà, xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình. Đây cũng là cơ hội để giáo dục cho các thành viên gia đình nhận thức giá trị của giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình. Từ đó mỗi thành viên nhận thấy trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc. “Bữa cơm cũng là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi trao truyền những kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói. Với rất nhiều thông điệp như vậy, bữa cơm gia đình là cơ hội để yêu thương và chia sẻ giữa các thành viên trong một gia đình. Từ những bữa cơm đầm ấm, tạo nên một không gian gia đình vừa là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị truyền thống, đồng thời là nơi hình thành và dung dưỡng nên những con người trưởng thành với nhân cách tốt.

Trong câu chuyện về những ứng xử trong gia đình, có thể thấy các giá trị văn hóa gia đình sẽ được phát huy trong những bữa cơm sum họp, là cách hay để ngăn chặn những xung đột gia đình… “Có nhiều thách thức của một xã hội phát triển tác động đến các giá trị văn hóa gia đình; nhiều vấn nạn gia đình còn nhức nhối, tình trạng đổ vỡ hôn nhân và ly hôn ngày một tăng… Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực của cá nhân, cần sự vào cuộc của các cấp ngành, trong đó, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tăng cường nêu lên tầm quan trọng của những bữa cơm gia đình… là điều rất cần thiết” - ông Nguyễn Hoàng Bích, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, người từng nhiều năm làm công tác gia đình, chia sẻ.

Một cách “giữ lửa” yêu thương

Ở câu chuyện của một đại gia đình, ông Nguyễn Văn Sinh (TP.Hội An) cho hay, để giữ được hòa khí ở một gia đình đại đồng đường với nhiều thế hệ, buộc người chủ gia đình phải gương mẫu để tạo nên nền nếp. Kính trên nhường dưới, cùng san sẻ những câu chuyện lớn nhỏ là “bí quyết” để gia đình ông Sinh dù cho có thêm bao nhiêu thành viên, vẫn luôn ấm áp. Và chính những ứng xử tuyệt vời giữa người trong gia đình với nhau đã tạo nên động lực để gia đình ông cùng vượt qua những khó khăn về kinh tế, chi tiêu trong gia đình. “Phải biết san sẻ cùng nhau, dù là việc lớn nhỏ. Nếu người phụ nữ bận chuyện thì người đàn ông sẵn sàng lăn vào bếp, để duy trì những bữa cơm sum họp. Hoặc khi gặp những khó khăn về kinh tế gia đình thì vợ chồng con cái cùng san sẻ gánh vác. Chính quan điểm như vậy đã giữ cho những gia đình dù cho bao nhiêu thế hệ sống chung đi nữa vẫn có được nền nếp riêng, sống ấm cúng, hạnh phúc cùng nhau” - ông Sinh nói.

Ở những gia đình trẻ, khi các thành viên phần lớn đều bận bịu với những mối quan hệ xã hội, công việc, việc duy trì bữa cơm gia đình hằng ngày đòi hỏi một sự nhiệt tâm. “Dù gì mỗi ngày cũng phải ăn chung với nhau một bữa. Nhà mình bữa tối thường ngồi quây quần với nhau để hỏi han con cái, chia sẻ nhau công việc ở cơ quan. Dù không nhiều nhưng chính từ những giây phút như vậy để hiểu nhau hơn” - chị Trần Thị Tùng (ở phường Điện Nam Trung, Điện Bàn), chia sẻ. Khi vừa phải nuôi dạy con cái vừa phải tích lũy để có một cuộc sống ổn định, những câu chuyện ứng xử dường như mang màu sắc hiện đại, cả giá trị của bữa cơm gia đình cũng sẽ dễ dàng bị xem nhẹ, nếu cả vợ lẫn chồng không cùng nhau cố gắng. Một đồng nghiệp của tôi cho rằng: “Cách thức nuôi dạy con cũng là một vấn đề của những gia đình trẻ hiện nay. Chưa kể việc chi phối từ các mối quan tâm như mạng xã hội cũng khiến vợ chồng con cái ngày một xa cách. Dành thời gian để cùng ăn chung bữa cơm, trò chuyện cùng nhau là cách tốt nhất để giữ lửa gia đình”.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN