Sáng tạo khởi nghiệp: Không có con đường trải hoa hồng
Những doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã có buổi nói chuyện và tiếp lửa đam mê cho các bạn sinh viên trong chương trình “Tập huấn, trao đổi sinh viên Quảng Nam với khởi nghiệp sáng tạo”, diễn ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Chương trình do Tổ công tác khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, phối hợp với Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kết nối khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Quảng Nam.
Quang cảnh buổi trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: VINH ANH |
Đừng ngồi chờ cơ hội
Có rất nhiều câu chuyện về khởi nghiệp được chính những người trong cuộc chia sẻ với các bạn sinh viên. Mỗi câu chuyện là cả một hành trình cố gắng của người đam mê kinh doanh, muốn khẳng định và tạo sự nghiệp cho bản thân. Những người trong số họ phần lớn còn khá trẻ, khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh thời trang, logistics đến phân phối sản phẩm... Và để có được thành công họ đều trải qua những khó khăn, thất bại và cả sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện đam mê.
Sinh năm 1984, anh Nguyễn Việt Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hòa Tiến (Hải Dương) là một ví dụ. Để có được thành quả như hôm nay với gần 40 cửa hàng thời trang mang thương hiệu YODY - trong đó có 1 cửa hàng tại TP.Tam Kỳ, anh đã phải trải qua rất nhiều sóng gió, “bầm dập” trong kinh doanh. Vốn sinh ra trong gia đình khá giả, từ bé ông Hòa được coi là “công tử bột” nên chẳng phải làm việc gì. Đến khi vào đại học, sống tự lập, anh nhận ra rằng bản thân cần thay đổi vì nếu dựa vào bố mẹ mãi, sau này sẽ trở thành người vô tích sự. Từ năm 2 đại học, anh đã cùng nhóm bạn góp vốn mỗi người 50 nghìn đồng để kinh doanh búp bê qua mạng xã hội, sau đó kinh doanh nhiều sản phẩm khác. Cho đến khi tốt nghiệp đại học, anh Hòa đã tham gia kinh doanh khoảng 10 sản phẩm khác nhau, trong đó đã tạo cho mình tên tuổi tại Hà Nội trong lĩnh vực sơn vẽ điện thoại.
“Trong kinh doanh không có con đường nào trải bằng hoa hồng, mà nếu trải bằng hoa hồng thì cũng phải thấm đau vì những mũi gai, nhưng chính những mũi gai đó sẽ giúp mình trưởng thành, có được một sự nghiệp trong tương lai”. (Chủ tịch HĐQT Công ty CP SBI - Nguyễn Duy Hà) |
Với “máu” kinh doanh, ra trường anh Hòa mở ngay công ty kinh doanh các sản phẩm bon-sai khi có một khách hàng cho vay 100 triệu đồng. Nhưng đúng 6 tháng sau công ty phá sản vì việc kinh doanh thua lỗ, anh mang trên mình đống nợ. Tiếp đó, anh vay vốn để kinh doanh đa cấp và cũng thất bại. Không bỏ cuộc, anh Hòa trở về quê rủ thêm bạn lên Hà Nội mở cửa hàng kinh doanh thời trang, sau 2 năm phát triển được 13 cửa hàng, nhưng rốt cuộc phải đóng cửa do sự chủ quan, tự mãn trong kinh doanh. Đến tháng 4.2014, anh Hòa cho ra mắt thương hiệu thời trang YODY và phát triển ổn định cho đến bây giờ. Từ bài học của bản thân, anh Hòa chia sẻ: “Chúng ta sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực, đủ tiền, nhân sự… để khởi nghiệp mà chúng ta cần học cách hành động trong môi trường, trạng thái thiếu thốn nguồn lực”. Với anh Hòa, khởi nghiệp là phải hành động, không chờ đợi cơ hội, cứ làm bằng quyết tâm và niềm tin ắt sẽ thành công.
Phải biết “không từ bỏ”
Tương tự, câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Duy Hà (35 tuổi) quê Bắc Ninh, kinh doanh trong lĩnh vực logistics cũng bắt đầu từ con số 0 và trải qua không ít lần thất bại. Anh Hà hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP SBI. Anh kể, “kỷ lục” 4 năm thi đại học không đậu chắc không mấy người qua anh. Vốn mê ngành sư phạm nên anh đã mất 4 năm đèn sách để thi đại học sư phạm nhưng không đậu và phải đi học một trường cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh. Rồi chuyện học cũng lận đận, khi anh bỏ học, bảo lưu kết quả một phần vì không hứng thú, một phần do phải về quê… lấy vợ.
Anh Trần Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo chia sẻ với sinh viên câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Ảnh: VINH ANH |
Sau đó, thực hiện lời hứa với vợ, anh Hà vào Nam học lấy tấm bằng cao đẳng và về quê xin vào làm ở một công ty FDI. Sau 2 tháng thử việc, anh nghỉ việc, chân ướt chân ráo lao vào kinh doanh ngành chuyển phát nhanh, với vai trò làm đại diện cho một công ty chuyên về lĩnh vực này. Nhưng sau 9 tháng, anh cũng làm cho văn phòng công ty này phải đóng cửa do bản thân non nớt, ít kinh nghiệm. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực này, anh Hà không từ bỏ và tự mở công ty riêng với nguồn vốn vay 40 triệu đồng để mua một xe tải cũ. Anh đi đến các công ty, địa điểm, tự mình gom, bốc và vận chuyển hàng hóa ký gửi ra sân bay. Anh tự đặt cho mình câu slogan “Chăm sóc nhiều hơn mong đợi”, với mục tiêu đưa công ty vào tốp 5 doanh nghiệp có thương hiệu tốt nhất trong lĩnh vực chuyển phát nhanh khu vực miền Bắc. Và đúng như vậy sau 7 năm thành lập, đến nay công ty của anh Hà đã có quan hệ làm ăn nhiều khu công nghiệp lớn của các tỉnh phía Bắc, phục vụ khách hàng phía Nam và làm việc với các đối tác nước ngoài như: Canon, Samsung, Microsoft… với hơn 50 đầu xe cùng khoảng 80 nhân viên. Anh Hà tâm sự: “Trong kinh doanh không có con đường nào trải bằng hoa hồng, mà nếu trải bằng hoa hồng thì cũng phải thấm đau vì những mũi gai, nhưng chính những mũi gai đó sẽ giúp mình trưởng thành, có được một sự nghiệp trong tương lai”.
Người trẻ làm gì để khởi nghiệp
Song song với những câu chuyện khởi nghiệp, nhiều bạn sinh viên đang học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam đã có những câu hỏi thú vị trao đổi với các gương khởi nghiệp. Một bạn sinh viên quê ở huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đang học ngành luật bày tỏ mong muốn ra trường sẽ làm kinh doanh để có thể tự kiếm được những đồng tiền lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, điều bạn ấy lo lắng là không biết kinh doanh gì và cảm thấy tự ti vì xuất thân nghèo khổ, sợ không đủ vốn và khả năng để thực hiện được ước mơ.
Đáp lại câu hỏi đó, anh Hoàng Công Đoàn (SN 1983) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sông Thao kiêm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam cho biết, slogan của công ty anh là “Xuyên qua mọi thử thách”. Sở dĩ như vậy vì cá nhân anh Đoàn là người phải đi qua chính bản thân mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của hoàn cảnh, cuộc sống. Anh vốn xuất thân hết sức nghèo khó, quê ở tỉnh Phú Thọ, vào TP.Hồ Chí Minh học đại học, ngay năm đầu đã phải đi làm thuê, làm thêm để kiếm sống và trang trải việc học hành. Khi còn sinh viên anh cũng là người rất nhút nhát, e dè, không dám phát biểu, có ý kiến trước diễn đàn, dù bản thân có ý tưởng. Từ thực tế bản thân, doanh nhân trẻ Hoàng Công Đoàn đã “tiếp lửa” cho các bạn sinh viên rằng, muốn thực hiện ước mơ thì không được tự ti, phải luôn vững tin, có niềm tin, bản lĩnh mới làm được, nhất là trong kinh doanh. Anh Đoàn cũng khuyến khích các bạn sinh viên nào có đam mê, ước mơ kinh doanh nên bắt tay đi làm thêm, phải tự kiếm tiền từ khi còn sinh viên. Đồng thời phải học thật giỏi, càng có nhiều tri thức càng nhanh chóng thành công và ít thất bại.
Trong khi đó, trả lời vấn đề liên quan đến một câu hỏi có nội dung “Động lực lớn nhất để thúc đẩy các anh khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương là gì?”, anh Trần Văn Sơn (SN 1985) - Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo, một trong những cơ sở ghi dấu ấn cho hạt điều Bình Phước, đã chia sẻ về câu chuyện của bản thân. Anh cho hay, xuất phát điểm của anh rất thấp, khi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc một khu vực vùng sâu, vùng xa của Bình Phước, với 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng động lực để anh khởi nghiệp với hạt điều chính là sự quyết tâm vượt khó, muốn làm được những điều lớn lao, có ý nghĩa cho quê hương như tấm gương của nhiều người thành công đi trước, trong đó tiêu biểu có Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Anh Sơn chia sẻ: “Các bạn trẻ không nên đặt nặng về xuất phát điểm của mình, đừng nghĩ mình không có gì, rồi dẫn đến tự ti và thua ngay từ... trong não. Có thể suy nghĩ nhưng phải phấn đấu, dấn thân, tìm hiểu, học hỏi để làm bằng được… Bản thân phải đặt câu hỏi vì sao những người khác họ thành công, liệu cuộc đời mình 5 - 10 năm sau sẽ là ai, làm được cái gì?”.
VINH ANH